Ngay sau ngày đi học trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều trường tiểu học trên địa bàn thành phố tổ chức Tết trồng cây chào Xuân Giáp Thìn 2024 trong khuôn viên trường, thu hút học sinh tham gia. Các em mang theo những vật dụng tái chế như vỏ lon sữa, chai nước suối, can nước giặt, vỏ hộp kem… được trang trí lại đẹp mắt để gieo hạt. Ở phố, đất vườn trường không có hoặc rất ít nên nhà trường chuẩn bị cây cảnh cho học sinh trồng trong chậu. Có trường chuẩn bị sẵn một số lượng lớn hạt lúa đã được ngâm nước, nảy mầm và đất mùn để các em gieo hạt và tưới nước. Những chậu cây được ươm từ hạt lúa được đặt dọc bệ cửa sổ và các dãy lan can hành lang lớp học, xanh um dưới sự chăm sóc của các bạn nhỏ. Việc tự tay trồng cây, tưới nước, chăm sóc cây sẽ hình thành ý thức bảo vệ cây xanh trong mỗi học sinh.
Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi văn bản đến các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường, học viện về tiếp tục phát động phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”; đề nghị cán bộ quản lý, nhà giáo, học sinh, sinh viên phối hợp với chính quyền và các đoàn thể tham gia trồng cây xanh tại địa phương, trong khuôn viên trường học, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, không phô trương, hình thức, thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ cây trồng và diện tích trồng hiện có.
Bằng việc tự tay trồng cây xanh, học sinh ở nhiều cấp học sẽ làm quen dần với việc trồng cây, làm cho môi trường sống xung quanh các em xanh hơn để nhận lại lợi ích từ việc trồng cây, tiến tới các em sẽ có ý thức giữ gìn môi trường sống và xa hơn là trồng rừng, tạo thêm niềm vui trong học tập và lao động. Trong chương trình phát động phong trào bảo vệ môi trường, kết hợp “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp xuân Giáp Thìn năm 2024 trên địa bàn thành phố ngày 24-2 vừa qua, 100 cán bộ, giáo viên, học sinh Trường THPT Tôn Thất Tùng cùng tham gia trồng cây và dọn vệ sinh dọc bãi biển Mân Thái.
Sở Giáo dục và Đào tạo cũng ra quân phát động phong trào bảo vệ môi trường, qua đó lồng ghép nội dung giáo dục ý thức bảo vệ môi trường với sinh hoạt chuyên đề, hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động trải nghiệm, nâng cao ý thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường, thiên nhiên cho học sinh, học viên, thực hiện Đề án xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường.
Phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” vào mỗi dịp Tết Nguyên đán hơn 60 năm qua góp phần quan trọng vào việc trồng cây, trở thành truyền thống, tập quán, một nét đẹp văn hóa, một phong trào quần chúng sâu rộng mang lại lợi ích to lớn cho đất nước. Trồng cây, gây rừng góp phần bảo vệ và cải tạo môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Qua 3 năm, phong trào “Tết trồng cây” tạo lan tỏa cho Đề án “Trồng một tỷ cây xanh”. Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng, tổng diện tích rừng trồng tập trung đã trồng được trên 557ha, với hơn 1 triệu cây xanh được trồng trong các năm qua.
Trong đợt ra quân Tết trồng cây năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phát hơn 238.000 cây xanh các loại, gồm cây phân tán và cây trồng tập trung, để các đơn vị triển khai ra quân trồng cây trên địa bàn thành phố. Từ đầu năm 2024 đến nay, Sở cũng cấp phát gần 90.000 cây các loại cho các đơn vị trồng. Chương trình Tết trồng cây năm 2024 sẽ kết thúc vào cuối tháng 2, song phong trào trồng cây, gây rừng vẫn được khuyến khích nhân rộng. Trồng cây, trồng rừng không chỉ cho hiện tại mà còn cho tương lai, hình thành thế hệ trẻ ngay từ trong trường học có ý thức và mong muốn trồng cây để bảo vệ môi trường sống, giảm phát thải khí nhà kính.
HIỀN LƯƠNG