Sáng mãi niềm tự hào

.

Từng là thủy thủ trên những chuyến tàu “không số” đầu tiên, bằng sự mưu trí và dũng cảm, cựu chiến binh Hồ Thăng Nhuận (101 tuổi, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) hoàn thành xuất sắc 8 chuyến tàu, vận chuyển hàng trăm tấn vũ khí, đạn dược, thực phẩm tiếp viện cho chiến trường miền Nam. Nối tiếp bước chân của ông, các con, cháu lần lượt trở thành lính hải quân, viết tiếp niềm tự hào về một gia đình giàu lòng yêu nước.

Ông Nhuận, bà Diễn cùng nhau ôn lại những ký ức hào hùng một thời.  Ảnh: LAM PHƯƠNG
Ông Nhuận, bà Diễn cùng nhau ôn lại những ký ức hào hùng một thời. Ảnh: LAM PHƯƠNG

Một thời oanh liệt

Những ngày cuối tháng 3-2024, trong không khí tự hào hướng về kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng (29-3-1975 - 29-3-2024), chúng tôi ghé thăm cựu chiến binh Hồ Thăng Nhuận. Trong căn nhà nhỏ trên đường Nguyễn Phan Vinh, ông Nhuận cùng vợ là bà Nguyễn Thị Diễn (85 tuổi) lần giở cuốn album xem lại những bức ảnh và hồi tưởng về quá khứ hào hùng.

Ông Nhuận sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở Hòa Quý (Hòa Vang cũ, nay là quận Ngũ Hành Sơn). Năm 1945, khi mới 14 tuổi, ông tham gia cách mạng, gia nhập đơn vị tình báo K20 (Cục II, Bộ Quốc phòng). Nhiệm vụ của ông là chở cán bộ, chiến sĩ từ Quảng Đà ra miền Bắc theo đường sông, biển. Sau 4 chuyến đi thành công, đến chuyến thứ 5, trong lúc làm nhiệm vụ, ngày 6-5-1955, cả đoàn bất ngờ bị địch tập kích, ông Nhuận bị bắt giam. Bằng sự mưu trí, ông nhanh chóng vượt ngục chỉ sau 2 ngày bị bắt. Ngay sau đó, ông được Tỉnh ủy Quảng Đà điều động ra Bắc để đào tạo lính hải quân trong hai năm.

Tháng 10-1961, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Đoàn Vận tải biển 759 (Quân chủng Hải quân) với tên gọi “Đoàn tàu không số” và mở “đường Hồ Chí Minh trên biển” để vận chuyển vũ khí chi viện cho miền Nam đánh Mỹ cứu nước. Ông Nhuận trở thành lứa thủy thủ đầu tiên được đào tạo và tham gia “Đoàn tàu không số” từ những ngày đầu. Để tránh địch, các chuyến tàu phải xuất phát vào những ngày sóng to gió lớn. Với vai trò thuyền phó, ông Nhuận cùng đồng đội phải cải trang tàu thành thuyền đánh cá, tàu nước ngoài để qua mắt địch.

Trên những chuyến tàu ấy chở 50 - 80 tấn vũ khí, đạn dược, thực phẩm, thuốc men để chi viện cho các tỉnh Bến Tre, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau phục vụ công cuộc chống Mỹ. Sau 7 chuyến thành công, năm 1967, đến chuyến thứ tám, tàu không số bị hai thủy phi cơ Hạm đội 7 của Mỹ phát hiện và áp sát. Thủy thủ tàu đóng giả ngư dân ngồi vá lưới để qua mắt lính do thám. Khi hàng vừa cập bến, tàu bị địch vây ráp, nhưng may mắn tránh được đụng độ.

Sau đó, ông Nhuận được chuyển công tác sang Cục Đường sông (Bộ Giao thông vận tải), làm nhiệm vụ rà phá bom từ trường do máy bay Mỹ rải xuống nhằm phá hoại miền Bắc và gài bẫy triệt đường tiếp tế của bộ đội cho chiến trường miền Nam. Với sự thông minh và hiểu biết về khí tài, ông sáng tạo ra cách đóng bè chuối, cột giỏ tre chứa sắt vụn phía dưới và huy động nhân lực kéo dọc bờ sông. Khi bom từ trường gặp kim loại thì phát nổ. Cấp trên thấy sáng kiến của ông hiệu quả nên điều ông về xã Thái Thượng (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) hướng dẫn người dân rà phá bom mìn. Thời gian này, ông gặp được bà Diễn - người con gái quê hương “5 tấn” Thái Bình và nên duyên chồng vợ.

Chuyến tàu hạnh phúc

Kể về vợ, ánh mắt và giọng nói của ông Nhuận bỗng ấm áp, nhẹ nhàng. Ông kể, trước khi đi rà bom từ trường, ông thu hết kẹp tóc bằng kim loại của chị em bỏ vào một chiếc cặp, sau khi xong thì trả lại. Lần đó do vội, ông trả thiếu chiếc kẹp tóc cho bà Diễn. Sau khi về Hà Nội, ông nhận được thư tay của bà Diễn… đòi chiếc kẹp. Đọc xong thư, ông tức tốc đạp xe vượt 100km từ Hà Nội xuống Thái Bình để trả chiếc kẹp.

Từ đó, những lá thư tay dần kéo hai người lại. Tuy nhiên, ông Nhuận trước đây từng có vợ và 3 con ở Đà Nẵng, nhưng do chiến tranh nên mất liên lạc. Bà Diễn cũng từng đám hỏi với một chàng trai cùng làng trước khi người này lên đường kháng chiến và sau đó có giấy báo tử. Chính vì những lần dang dở đó, cả ông Nhuận và bà Diễn dù “tình trong như đã” nhưng vẫn dè dặt khi nhắc đến chuyện bên nhau. Qua thời gian dài “mưa dầm thấm lâu”, bà Diễn dần gạt chuyện quá khứ, đến với ông bằng một đám cưới đơn sơ. Sau đó, ông Nhuận tiếp tục quay lại đơn vị, bà Nhuận vừa dạy học, vừa tham gia du kích và chăm sóc các con.

Cuối năm 1974, vì vết thương tái phát, ông Nhuận về hưu. Đến năm 1979, sau thời gian dài thuyết phục, ông Nhuận lần đầu đưa vợ và 4 người con về lại quê hương sau hơn 20 năm xa quê. Về lại Đà Nẵng, ông Nhuận mua đất, làm căn nhà nhỏ ở phường Thọ Quang. Ông thành lập đội sản xuất, mượn 20 ha  đất rừng để khai hoang trồng trọt và ra biển đánh bắt cá kiếm sống. Bà Diễn tiếp tục với nghề dạy học. Vừa làm kinh tế, vợ chồng ông tham gia công tác xã hội tại địa phương.

Ông Nhuận từng tham gia chi hội cựu chiến binh, trưởng ban công tác mặt trận, chi hội chữ thập đỏ khu vực Thành Vinh 2 (phường Thọ Quang). Bà Diễn cũng là chi hội trưởng chi hội phụ nữ suốt thời gian dài. Hiểu được sự vất vả của cha mẹ, các con của vợ chồng ông chăm chỉ học tập, trưởng thành và yên bề gia thất. Nối nghiệp cha, anh Hồ Thăng Long (con trai cả ông Nhuận) cũng theo nghiệp binh, công tác tại Trung đoàn 351, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân. Con rể và cháu ngoại cũng lần lượt gia nhập quân ngũ, viết tiếp niềm tự hào về một gia đình giàu tình yêu nước.

Ông Nhuận, bà Diễn bây giờ đều ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng vẫn minh mẫn, khỏe mạnh nhờ lối sống khoa học, chăm chỉ rèn luyện sức khỏe. Tháng 10-2024, ông Nhuận tròn 65 năm tuổi Đảng. Năm nay cũng là năm vợ chồng ông kỷ niệm 55 ngày cưới. Với những cống hiến, đóng góp cho cách mạng, ông Hồ Thăng Nhuận và bà Nguyễn Thị Diễn nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước trao tặng, như: Huân chương Chiến công hạng Ba và Huân chương Chiến sĩ vẻ vang do Bác Hồ ký; Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến hạng Ba...

LAM PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.