Thực hiện công văn của UBND thành phố về việc triển khai việc phân định, kẻ vạch phần vỉa hè sử dụng tạm thời và phần sử dụng để làm lối đi cho người đi bộ trên vỉa hè các tuyến đường, nhiều tuyến đường trên địa bàn quận Thanh Khê đã và đang được triển khai phân định, kẻ vạch nhằm bảo đảm các phần đường dành cho người đi bộ, tạo thông thoáng vỉa hè.
Tuyến phố chuyên doanh Lê Duẩn (phường Tân Chính) khá thông thoáng, tạo thuận lợi cho người dân tham gia giao thông. Ảnh: NGỌC HÀ |
Vỉa hè đường Lê Duẩn (phường Tân Chính) hiện khá thông thoáng. Theo đó, 1,5m làn giữa dành cho người đi bộ, 2m làn ngoài cùng tạm thời để xe máy, làn còn lại không bố trí phạm vi dành cho kinh doanh, buôn bán nên khá thuận lợi cho việc đi lại của người dân tham gia giao thông vừa bảo đảm mỹ quan đô thị. Sau khi UBND phường triển khai phân định vỉa hè theo chủ trương mới, các hộ kinh doanh trên tuyến đường này thấy hợp lý nên đồng thuận. “Việc triển khai phân định, kẻ vạch nhằm bảo đảm các phần đường dành cho người đi bộ được tiến hành khá thuận lợi trên tuyến đường Lê Duẩn. Hầu hết hộ dân có mặt tiền ký cam kết trả lại vỉa hè cho địa phương kẻ vạch, phân định. Tuy nhiên, các tuyến khác trên địa bàn phường như Hải Phòng, Hoàng Hoa Thám... việc triển khai còn gặp những khó khăn, do hạ tầng vỉa hè chưa được đồng bộ”, ông Lê Hồng Nam, Chủ tịch UBND phường Tân Chính, cho biết.
Hiện nay, các phường trên địa bàn quận tích cực vận động, tuyên truyền người dân thực hiện chủ trương. Theo ông Đinh Quang Tưởng, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Tây, UBND phường ban hành các văn bản triển khai thực hiện và thông báo, tuyên truyền, hướng dẫn đến tổ chức, cá nhân và hộ dân biết và chấp hành. Trước hết, địa phương sẽ thực hiện ở các tuyến đường chính như: Dũng Sĩ Thanh Khê, Lý Thánh Tông, Trần Cao Vân, Nguyễn Thị Thập, Điện Biên Phủ… đồng thời, tổ chức phát động và ra quân tuyên truyền cho người dân. Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Đông Phạm Thành Nam cho biết, trên địa bàn phường chủ yếu là các đường có vỉa hè rộng dưới 3m. Địa phương đã tiến hành tuyên truyền các hộ dân, hộ kinh doanh ký cam kết thực hiện chủ trương của thành phố về sử dụng vỉa hè. Đồng thời, giao cho đoàn thể, tổ dân phố vận động các hộ buôn bán nhỏ lẻ trên các tuyến đường chấp hành quy định.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê Trần Tường Vân, ngay khi có công văn của UBND thành phố, UBND quận đã chỉ đạo Phòng Quản lý đô thị phối hợp UBND các phường khảo sát, tham mưu đề xuất UBND quận triển khai kẻ vạch phân định phần vỉa hè sử dụng tạm thời và phần sử dụng để làm lối đi cho người đi bộ trên vỉa hè các tuyến đường trên địa bàn quận theo lộ trình phù hợp. Đồng thời, yêu cầu Đội Kiểm tra quy tắc đô thị phối hợp UBND các phường thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm nhằm bảo đảm trật tự vỉa hè và mỹ quan đô thị; chế tài xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm nhiều lần.
UBND quận đề nghị UBND các phường tổ chức thông báo, tuyên truyền đến từng tổ dân phố, hộ gia đình và người dân được biết, chấp hành; đồng thời thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm nhằm bảo đảm trật tự vỉa hè và mỹ quan đô thị trên địa bàn quản lý. UBND quận cũng ban hành kế hoạch triển khai kẻ vạch phần vỉa hè sử dụng tạm thời và phần sử dụng để làm lối đi cho người đi bộ trên vỉa hè các tuyến đường trên địa bàn quận. Trong đó, UBND quận tiến hành kẻ vạch 28 tuyến đường trong năm 2024 và tiếp tục thực hiện với 31 tuyến đường trong năm 2025. “Mục tiêu kế hoạch đề ra là nâng cao ý thức tự giác chấp hành quy định của nhân dân trong sử dụng vỉa hè; tăng cường trách nhiệm của các ngành chức năng trong lãnh đạo, chỉ đạo; công tác vận động tạo sự ủng hộ chủ trương và đồng thuận của các hộ dân trong việc sử dụng vỉa hè”, bà Trần Tường Vân nói.
Phương án kẻ vạch phân định trên vỉa hè Việc triển khai áp dụng và thực hiện công tác kẻ vạch phân định trên vỉa hè các tuyến đường trên địa bàn quận Thanh Khê theo phương án cụ thể như sau: Đối với vỉa hè dưới 3m, bố trí phạm vi sát nhà dân dành cho người đi bộ rộng 1,5m; phạm vi còn lại sát bó vỉa sử dụng tạm thời làm nơi để xe máy và không bố trí phạm vi dành cho kinh doanh, buôn bán. Trong trường hợp bề rộng phần vỉa hè còn lại không đảm bảo để bố trí phạm vi làm nơi để xe máy thì chỉ dành cho người đi bộ. Đối với vỉa hè rộng 3m đến dưới 4m, bố trí phạm vi sát nhà dân dành cho người đi bộ 1,5m; phạm vi còn lại sát bó vỉa sử dụng tạm thời làm nơi để xe máy và không bố trí phạm vi dành cho kinh doanh, buôn bán. Đối với vỉa hè rộng 4m đến dưới 6m, bố trí phạm vi sát bó vỉa sử dụng tạm thời làm nơi để xe máy khoảng 2m; tiếp đến bố trí phạm vi dành cho người đi bộ rộng 2m; phạm vi còn lại sát nhà dân dành cho kinh doanh, buôn bán (trừ các tuyến đường cấm sử dụng vỉa hè để kinh doanh, buôn bán và cá nhân hoạt động thương mại). Đối với vỉa hè rộng 6m đến dưới 9m, bố trí phạm vi sát bó vỉa sử dụng tạm thời làm nơi để xe máy khoảng 2m; tiếp đến bố trí phạm vi dành cho người đi bộ 3m; phạm vi còn lại sát nhà dân dành cho kinh doanh, buôn bán và để xe máy (trừ các tuyến đường cấm sử dụng vỉa hè để kinh doanh, buôn bán và cá nhân hoạt động thương mại). Đối với vỉa hè rộng 9m trở lên, bố trí phạm vi sát bó vỉa sử dụng tạm thời làm nơi để xe máy khoảng 2m; tiếp đến bố trí phạm vi dành cho người đi bộ 5m; phạm vi còn lại sát nhà dân dành cho kinh doanh, buôn bán và để xe máy (trừ các tuyến đường cấm sử dụng vỉa hè để kinh doanh, buôn bán và cá nhân hoạt động thương mại). Đối với vỉa hè trước tường rào các cơ quan, khu vực các công trình công cộng tùy theo điều kiện cụ thể của từng tuyến đường (bề rộng, bố trí cây xanh, trụ điện) để bố trí phân định phạm vi dành cho người đi bộ và vị trí để xe máy như các trường hợp bố trí nêu trên (đối với các vị trí này không bố trí phạm vi dành cho kinh doanh, buôn bán). Người dân không được phép đặt, để các chậu cây xanh, tượng trang trí trên vỉa hè. |
NGỌC HÀ