Đà Nẵng lập quy hoạch không gian ngầm đô thị

.

Trong năm 2024, Đà Nẵng triển khai lập quy hoạch không gian ngầm đô thị để có cơ sở quy hoạch, đầu tư nhiều dự án giao thông, công trình ngầm quan trọng của thành phố, của các nhà đầu tư một cách đồng bộ và có tính kết nối, liên thông...

Công trình hầm chui đường Điện Biên Phủ. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Công trình hầm chui đường Điện Biên Phủ. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Cấp thiết lập quy hoạch

Đà Nẵng đã và đang triển khai xây dựng nhiều công trình ngầm như hạ ngầm đường dây cáp, xây dựng hệ thống thoát nước mưa, nước thải, cấp nước, thông tin, cấp điện… Nổi bật là những công trình hầm giao thông ở dọc đường Trần Phú, Điện Biên Phủ, Duy Tân và đường dẫn lên cầu Trần Thị Lý, bãi đỗ xe ngầm ở dưới tòa nhà Trung tâm Hành chính thành phố và dưới khuôn viên trước Thành Điện Hải.

Hiện trên đường Nguyễn Văn Linh đoạn từ đường Hoàng Diệu đến cầu Rồng, thành phố đã đầu tư xây dựng hệ thống hào kỹ thuật hai bên hè phố để bố trí ngầm toàn bộ đường dây, cáp thông tin, cáp điện và đường ống cấp nước. Tại cầu Rồng cũng có một đường hầm đi bộ để kết nối liên thông phố đi bộ Bạch Đằng. Chủ đầu tư khách sạn Holiday Beach đã xây dựng một đường hầm phục vụ khách đi bộ qua đường Võ Nguyên Giáp để ra bãi biển Mỹ An kết nối khu bán hàng lưu niệm, khu vui chơi trẻ em, rạp chiếu phim… ngầm dưới bãi biển.

Nhiều khách sạn, nhà cao tầng, trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng đã xây dựng tầng hầm như tòa nhà JW Marriott có 4 tầng hầm; dự án khách sạn Mường Thanh và chung cư cao cấp Sơn Trà có 2 tầng hầm... Thành phố cũng đang quy hoạch các dự án, công trình ngầm quy mô lớn như công trình giao thông vượt sông Hàn (nối đường Vân Đồn với đường Đống Đa), đường hầm xuyên qua sân bay Đà Nẵng, tàu điện ngầm… 

Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã định hướng phát triển không gian ngầm tại khu vực trung tâm là xây dựng hệ thống không gian ngầm tại các công trình công cộng, dịch vụ, nhà cao tầng, các nút giao thông trọng điểm, các khu vực nhà ga, tuyến đường sắt đô thị…; đồng thời, kết nối với bãi đỗ xe và hầm giao thông ngầm để tạo thành một không gian ngầm hoàn chỉnh, đa năng; khuyến khích khai thác không gian ngầm làm bãi đỗ xe kết hợp thương mại dịch vụ. Tuy nhiên, các công trình ngầm đã đầu tư và đang quy hoạch trên địa bàn thành phố vẫn còn mang tính cục bộ, đơn lẻ, chủ yếu phục vụ cho một số mục đích nhất định, chưa có sự liên thông, liên kết giữa các công trình ngầm với nhau…

Thành phố Đà Nẵng cũng chưa có quy hoạch phát triển không gian ngầm, dẫn tới việc đầu tư phát triển manh mún, lộn xộn, thiếu đồng bộ và bền vững; thiếu thông tin về hiện trạng hệ thống công trình ngầm. Thực tế trên đòi hỏi thành phố phải sớm có quy hoạch không gian ngầm đô thị để có cơ sở đầu tư các công trình ngầm, tiết kiệm đất, bảo vệ môi trường, thuận lợi cho công tác quản lý vận hành và khai thác. Qua đó, mang đến các lợi ích về phát triển không gian đô thị, kinh tế đô thị, nâng cao đời sống dân cư…

Một phòng chiếu phim 4D ngầm dưới bãi biển Mỹ An sát bên đường hầm đi bộ dưới đường Võ Nguyên Giáp do khách sạn Holiday Beach đầu tư. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Một phòng chiếu phim 4D ngầm dưới bãi biển Mỹ An sát bên đường hầm đi bộ dưới đường Võ Nguyên Giáp do khách sạn Holiday Beach đầu tư. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Xác định các công trình, dự án và nguồn vốn đầu tư

Giám đốc Ban Quản lý dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp và công nghệ cao Đà Nẵng Nguyễn Văn Anh cho biết, đơn vị đang triển khai hoàn thiện và lấy ý kiến về hồ sơ nhiệm vụ quy hoạch chung không gian ngầm đô thị trên địa bàn để UBND thành phố triển khai lập quy hoạch. “Một trong những mục đích của việc lập quy hoạch không gian ngầm đô thị là nghiên cứu, đề xuất các giải pháp kết nối, liên thông các công trình ngầm và giữa công trình ngầm với các công trình trên mặt đất…”, ông Nguyễn Văn Anh nói. Quy hoạch không gian ngầm sẽ xác định hướng tuyến, vị trí, quy mô các tuyến đường sắt đô thị (bao gồm cả nhà ga) và vị trí, quy mô hầm đường bộ, khu vực dự kiến xây dựng bãi đỗ xe ngầm; xác định hệ thống tuynel, hào kỹ thuật, cống bể kỹ thuật bố trí dọc theo các tuyến đường chính; xác định khu vực xây dựng công trình công cộng ngầm, công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật ngầm.

Cùng với đó, đề xuất các dự án ưu tiên đầu tư chủ yếu có ý nghĩa tạo động lực phát triển; đề xuất các dự án chiến lược và lộ trình, phương thức thực hiện; xác định các khu vực trọng tâm đầu tư, các công trình trọng điểm cần đầu tư (vị trí khu vực công cộng, các hạng mục công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kinh tế ưu tiên đầu tư); đề xuất nguồn lực thực hiện, quy mô nguồn vốn, nghiên cứu đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Trước những lo ngại về việc lập quy hoạch không gian ngầm đô thị bị kéo dài do còn thiếu các quy chuẩn quy hoạch liên quan, ít có đơn vị tư vấn có kinh nghiệm tại Việt Nam… gây ảnh hưởng đến việc triển khai đầu tư các công trình ngầm đã được quy hoạch, ông Nguyễn Văn Anh khẳng định: “Các công trình ngầm có quy mô lớn theo các quy hoạch phân khu đã được thành phố phê duyệt (công trình giao thông vượt sông Hàn, đường hầm xuyên qua sân bay Đà Nẵng) sẽ được triển khai theo các quy định hiện hành, không bị ảnh hưởng bởi tiến độ lập quy hoạch không gian ngầm đô thị”.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong chương trình hợp tác với thành phố Yokohama (Nhật Bản), Đà Nẵng đã đề xuất các nội dung đề xuất hợp tác, hỗ trợ từ thành phố Yokohama về việc lập quy hoạch không gian ngầm đô thị, như tổ chức các hội thảo chuyên sâu về quy hoạch không gian ngắm; thông tin về các tiêu chuẩn, ý tưởng thiết kế không gian ngầm ở Nhật Bản; chia sẻ các kinh nghiệm về xây dựng và quản lý không gian ngầm đô thị, thực tế các đô thị đã phát triển thành công không gian ngầm; giới thiệu hoặc hỗ trợ đơn vị tư vấn có kinh nghiệm cùng tham gia trong quá trình thực hiện quy hoạch không gian ngầm đô thị…

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.