Ngành công thương ứng phó linh hoạt, kịp thời với thiên tai

.

ĐNO - Ngày 12-4, tại Đà Nẵng, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị Tổng kết công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của ngành năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường, Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) Phạm Nguyên Hùng đồng chủ trì hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân (giữa) và Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường đồng chủ trì hội nghị. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân (giữa), Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường (trái) và Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) Phạm Nguyên Hùng (phải)đồng chủ trì hội nghị. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đánh giá cao sự chủ động, kịp thời, sát sao, đồng bộ của các cấp và đơn vị trong triển khai ứng phó với thiên tai năm 2023, nên đã không để xảy ra thiệt hại về người; hạn chế đến mức thấp thiệt hại về tài sản và công trình của các doanh nghiệp; hoạt động sản xuất, kinh doanh được giữ ổn định.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong ngành công thương năm 2023 vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: sự phối hợp giữa chủ hồ chưa thủy điện với một số địa phương trong công tác vận hành xả lũ còn chưa chặt chẽ; công tác vận hành xả lũ của một số công trình thuỷ điện vẫn còn tác động, ảnh hưởng đến nhân dân vùng hạ du; công tác truyền thông và phối hợp giữa các địa phương trong công tác ứng phó thiên tai còn chưa thực sự hiệu quả...

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024, Thứ trưởng Bộ Công Thương lưu ý các cấp, đơn vị trong ngành không được chủ quan, lơ là mà phải chủ động hơn, sẵn sàng hơn trong ứng phó với thiên tai, nhất là với lũ lụt, hạn hán dưới tác động của biến đổi khí hậu.

Đồng thời, phải triển khai ứng phó quyết liệt hơn để bảo đảm an toàn tối đa tính mạng cho cán bộ, nhân viên, người lao động và nhân dân, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Cùng với đó, tập trung ứng dụng nhiều hơn những thành tựu của khoa học và công nghệ, chuyển đổi số vào công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của ngành, nhất là ứng dụng công nghệ trong dự báo, cảnh báo mưa, lũ và công tác vận hành hồ chứa nước.

Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác quốc tế, kiểm tra, tập huấn; thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo, điều hành của cấp trên về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, nhưng cũng phải chủ động, sẵn sàng và ứng phó một cách linh hoạt, kịp thời; điều phối, phối hợp đồng bộ, bài bản, chuyên nghiệp...

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường thông tin, thời gian qua, Đà Nẵng là một trong những địa phương chịu tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu, thường xuyên phải chống chịu với nhiều loại hình thiên tai, nhất là bão, lũ, xâm nhập mặn và ngập lụt đô thị..., gây thiệt hại và ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân.

Công tác phòng chống thiên tai luôn được thành phố quan tâm, trong đó, hằng năm, Sở Công Thương thành phố đã xây dựng phương án cung ứng hàng hóa thiết yếu cho nhân dân khi có thiên tai; phối hợp với Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng xây dựng phương án bảo đảm an toàn về điện.

Bên cạnh những kết quả nổi bật đã đạt được, công tác phòng, chống thiên tai vẫn còn nhiều hạn chế, mà dưới tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng tác động mạnh và nguy hiểm. Điều này đặt ra yêu cầu phải luôn nâng cao tính chủ động trong công tác ứng phó thiên tai và đòi hỏi phải có tầm nhìn mới, định hướng chiến lược, triển khai các giải pháp toàn diện, căn cơ, đồng bộ; cần huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và nhân dân...

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia và các đơn vị quản lý, vận hành hồ thủy điện lập kế hoạch, phương án huy động hợp lý các nguồn cung ứng điện.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch huy động, vận hành các nhà máy thủy điện cho phù hợp với hiện trạng và dự báo nguồn nước cũng như các quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn để bảo đảm cân đối, hài hòa giữa an ninh năng lượng và cấp nước sinh hoạt và sản xuất ổn định, an toàn cho thành phố.

Ông Lê Minh Nhật (phải), đại diện Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Ông Lê Minh Nhật (phải), đại diện Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Ông Lê Minh Nhật, đại diện Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai bày tỏ quan ngại trước dự báo hạn hán, nắng nóng, lượng nước thiếu hụt và các hiện tượng cực đoan của thời tiết, nhất là mưa tập trung trên lưu vực ngắn, dốc ở khu vực miền Trung và kinh nghiệm của dân gian về lũ, lụt những năm Giáp Thìn trong lịch sử.

Do đó, các đơn vị quản lý, vận hành các hồ chứa cần tập trung kiểm tra hệ thống cảnh báo sớm cho hạ du, rà soát bản đồ ngập lụt ở hạ lưu các hồ, kiểm tra lại các phương án phòng chống thiên tai và huy động phương tiện, vật tư, nhân lực... để nhanh chóng ứng phó và xử lý các tình huống.

Để bảo đảm an toàn cho các đô thị, nhất là Đà Nẵng, Huế, Hà Nội... và các đô thị ở hạ du, ông Lê Minh Nhật đề nghị các đơn vị có sự đầu tư và ứng dụng các trang thiết bị chuyên ngành vào công tác dự báo, cảnh báo để có những bản tin dự báo chính xác, nhằm triển khai ứng phó sớm và linh hoạt, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Các đơn vị quản lý, vận hành các hồ chứa cũng cần rà soát trang thiết bị và bổ sung những thiết bị còn thiếu trong bối cảnh thời tiết cực đoan để chủ động ứng phó với thiên tai.

HOÀNG HIỆP

 

;
;
.
.
.
.
.
.