Thu gom, hạn chế rác thải nhựa giá trị thấp ra môi trường

.

Những năm qua, thành phố Đà Nẵng đã thực hiện phân loại rác tại nguồn và chống rác thải nhựa, tuy nhiên nhiều loại rác thải nhựa giá trị thấp vẫn bị rỏ rỉ, phát thải ra môi trường do không được thu mua, nhất là tấp vào các bãi biển sau mưa lớn hoặc gió mạnh trên biển. Trước tình hình đó, các địa phương, hội, đoàn thể đang tích cực thúc đẩy phân loại rác, thu gom các loại rác có khả năng tái chế kết hợp rác thải nhựa có giá trị thấp.

Nhiều túi ni-lông và rác thải nhựa được khu dân cư Mân Lập Đông 2, phường Mân Thái (quận Sơn Trà) thu gom hằng tuần và đem bán phế liệu, cũng như chuyển giao cho cơ sở tái chế nhựa. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Nhiều túi ni-lông và rác thải nhựa được khu dân cư Mân Lập Đông 2, phường Mân Thái (quận Sơn Trà) thu gom hằng tuần và đem bán phế liệu, cũng như chuyển giao cho cơ sở tái chế nhựa. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Như thường lệ, người dân ở khu dân cư Mân Lập Đông 2, phường Mân Thái (quận Sơn Trà) lại mang các loại rác tái chế và bao ni-lông, các loại nhựa có giá trị thấp sau phân loại rác tại gia đình ra giao cho tổ thu gom của khu dân cư. Toàn bộ sản phẩm nói trên được tổ thu gom bán cho hộ thu mua phế liệu với số tiền 430.000 đồng nhằm phục vụ công tác an sinh xã hội của khu dân cư. Hoạt động này được khu dân cư Mân Lập Đông 2 thực hiện đều đặn vào chiều Chủ nhật hằng tuần.

Trưởng Ban công tác mặt trận khu dân cư Mân Lập Đông 2 Nguyễn Hưng Long cho biết, 2 năm trở lại đây, thực hiện mô hình “Khu dân cư chung một tấm lòng”, khu dân cư đã tổ chức hơn 80 lần thu gom được hơn 1,2 tấn nhựa, 2 tấn giấy, 4 tạ lon kim loại và 50kg túi ni-lông, nhựa có giá trị thấp với tổng số tiền thu được hơn 24 triệu đồng. Bên cạnh đó, chi hội phụ nữ khu dân cư cũng tổ chức chương trình thu gom các loại rác tái chế từ người dân đổi lấy 200 phần quà.

Kết thúc đợt thu gom và bán rác tái chế, túi ni-lông, nhựa giá trị thấp vào ngày 31-3, các chi hội phụ nữ khu dân cư trên địa bàn phường An Hải Tây (quận Sơn Trà) đã kết sổ số tiền thu được trong tháng 3 là 7,18 triệu đồng phục vụ công tác an sinh xã hội. Các chi hội cựu chiến binh và chi hội phụ nữ trên địa bàn phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) cũng thu gom, bán rác tái chế, túi ni-lông và nhựa giá trị thấp trong tháng 3 thu được 7,48 triệu đồng...

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ quận Sơn Trà Trần Thị Phương Mai chia sẻ, hoạt động phân loại rác tại nguồn được chị em thực hiện hiệu quả để phục vụ an sinh xã hội và giảm thiểu trình trạng rò rỉ, phát thải rác khó phân hủy ra môi trường, nhất là túi ni-lông và rác thải nhựa giá trị thấp. Riêng trong 2 năm 2022 và 2023, các chi hội phụ nữ trên địa bàn quận Sơn Trà đã thu gom được hơn 87 tấn nhựa, 68,1 tấn giấy, 58,7 tấn kim loại... và đem bán, thu được 645 triệu đồng để phục vụ an sinh xã hội. Còn theo Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Sơn Trà, từ sự hỗ trợ của các tổ chức, quận đã tiếp cận và kết nối với các đơn vị thu mua, tái chế nhựa, qua đó, đã chuyển giao hơn 1,1 tấn rác thải nhựa có giá trị thấp (trong đó có 368kg túi ni-lông và 740kg các loại nhựa giá trị thấp khác) để tái chế.

Ngoài quận Sơn Trà, hiện một số địa phương và các hội, đoàn thể trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, Thanh Khê, Cẩm Lệ... đang triển khai vận động nhân dân tách riêng nhựa giá trị thấp bên cạnh các loại rác tái chế khi phân loại rác tại nguồn để được thu gom và đem bán cho các cơ sở kinh doanh phế liệu và tái chế. Việc phân loại và thu mua riêng rác thải nhựa có giá trị thấp, nhất là túi ni-lông là giải pháp hướng giảm trình trạng rò rỉ, phát thải ra môi trường so với trước đây và làm giảm rác thải nhựa giá trị thấp tấp vào các bãi biển.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đặng Quang Vinh, thành phố xác định việc phân loại rác tại nguồn, trong đó có phân loại rác thải nhựa là điều kiện tiên quyết để xử lý rác thải hiệu quả và đưa sản phẩm sau phân loại rác thành nguyên liệu cho ngành công nghiệp tái chế, hướng đến mục tiêu phát triển xanh, xây dựng thành phố môi trường.

Thành phố cũng đang thúc đẩy phong trào chống rác thải nhựa, hướng tới thực hiện hiệu quả kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất thải đại dương đến năm 2025 tại Việt Nam và Kế hoạch số 122/KH-UBND ngày 24-6-2021 của UBND thành phố Đà Nẵng về quản lý rác thải nhựa đại dương trên địa bàn thành phố đến năm 2025 và tầm nhìn 2030. Phân loại rác tại nguồn, chống rác thải nhựa sẽ là những hoạt động xuyên suốt trong công tác bảo vệ môi trường của thành phố trong thời gian đến nhằm thực hiện tốt Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Tuy nhiên, để thúc đẩy phong trào chống rác thải nhựa, đặc biệt là thu gom, tái chế túi ni-lông và các loại rác thải nhựa có giá trị thấp, cần có chính sách cụ thể để huy động sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp có chiến lược trong việc đầu tư chuyển đổi công nghệ, tiếp cận với công nghệ cao, sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhiên liệu, nguyên liệu, vật liệu và tái chế rác thải nhựa, từ đó góp phần giảm phát thải ra môi trường.

Vì vậy, bên cạnh nỗ lực của thành phố, các bộ, ngành Trung ương cần sớm thiết lập những chính sách cụ thể để khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện đầu tư và chuyển đổi sang các công nghệ thân thiện với môi trường cũng như khuyến khích đầu tư công nghiệp tái chế, trong đó có tái chế rác thải nhựa. Đồng thời, cần sớm tăng thuế bảo vệ môi trường đối với các loại hình sản xuất các sản phẩm nhựa, vật liệu khó phân hủy, khó tái chế...

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.