Gọi chim đàn về phố

.

Khi những tia nắng đầu ngày bắt đầu rọi xuống dòng sông Hàn thơ mộng, cũng là lúc những đàn cò sải những đôi cánh rộng trên nền trời xanh. Đây là tín hiệu khả quan khi hệ sinh thái ngập nước trên dòng sông Hàn đang ngày càng được xanh hóa và xuất hiện nhiều loài động thực vật đến sinh sôi, phát triển, tạo cho cảnh quan môi trường thành phố trở nên yên ả, thanh bình.

Khi hệ sinh thái đất ngập nước phục hồi, hàng trăm đàn cò thường xuyên về khu đảo Xanh sinh sống. Ảnh: Đoàn Lương
Khi hệ sinh thái đất ngập nước phục hồi, hàng trăm đàn cò thường xuyên về khu đảo Xanh sinh sống. Ảnh: Đoàn Lương

Bài 1: Hồi sinh hệ sinh thái ngập nước

Nhờ cải thiện nguồn nước thải sinh hoạt và làm sạch rác thải trên dòng sông Hàn, một hệ sinh thái đất ngập nước kéo dài từ cầu Trần Thị Lý đến cầu Tuyên Sơn đang dần hồi phục. Điều này không chỉ góp phần làm cho môi trường sống ngày càng trong lành mà còn tạo ra khoảng không gian xanh được ví như “lá phổi” giữa lòng thành phố.

Tín hiệu vui từ những đàn cò

Theo báo cáo của UBND quận Hải Châu, khu đảo Xanh và khu đất ngập nước kéo dài từ cầu Trần Thị Lý đến cầu Tuyên Sơn trước đây có diện tích khoảng 100ha. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn khoảng 30ha, phân bố chủ yếu ở phía tây nam chân cầu Trần Thị Lý và dọc sông Hàn theo đường Thăng Long lên cầu Tuyên Sơn. Nơi đây có các loài cây ngập mặn như bần chua, dừa nước, ô rô, ráng... cùng các loài chim định cư và di cư, trong đó có 8 loài cò và 2 loài chim nằm trong sách đỏ thế giới.

Trực tiếp tham gia kiểm đếm số lượng và nghiên cứu chuyên sâu về cò ở quanh khu đảo Xanh, Thạc sĩ Phạm Tài Minh (nhóm nghiên cứu, giảng dạy Môi trường và Tài nguyên Sinh học, Đại học Đà Nẵng) cho biết, trong 8 loài cò xuất hiện ở đây có các loài cò ngàng lớn, cò lửa, cò ruồi, cò bợ... Khi dòng nước từ thượng nguồn sông Hàn được giữ sạch, các thông số khoa học cần thiết của nguồn nước nằm trong ngưỡng cho phép thì các loài sinh vật dưới nước có cơ hội sinh sôi. Đó sẽ là nguồn thức ăn quanh năm cho chim, cò. Với sự thay đổi tích cực này, dự kiến trong thời gian đến sẽ còn có thêm nhiều loài cò tiếp tục bay về khu vực đất ngập nước ven sông Hàn sinh sống.

Với tư cách là cố vấn của đề án Xây dựng phương án bảo vệ và phát triển bền vững hệ sinh thái đất ngập nước ven sông Hàn, PGS. TS Võ Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cho biết, ngày xưa sông Hàn đã từng có nhiều cây ngập nước như bần, đước... Trong hơn 20 năm trở lại đây, cùng với quá trình đô thị hóa, thành phố xây dựng bờ kè hai bên sông nhưng hệ sinh thái đất ngập nước từ cầu Trần Thị Lý lên đến cầu Tiên Sơn vẫn còn. Nếu giữ được hệ sinh thái này sẽ bảo vệ đô thị ven sông tránh bị bào mòn, đồng thời phục hồi lại những cây ngập nước và trở thành hành lang đệm, giúp giảm áp lực lũ và thiệt hại thiên tai. “Hệ sinh thái đất ngập nước là sự giao thoa hệ sinh thái dưới nước và trên cạn nên độ đa dạng sinh học rất cao, bao gồm tôm, cá và nhiều động thực vật khác, từ đó hấp thu chất ô nhiễm. Cây hút nitơ, phốt pho và hấp thu CO2, góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu khi mật độ dân số và ô-tô ngày càng tăng cao. Sự phục hồi hệ sinh thái ngập nước có nhiều ý nghĩa khi các loài động thực vật di cư quay về làm cho thành phố trở nên thân thiện. Đó là một thành phố đáng sống, được hiểu đúng nghĩa là thành phố đáng sống với tất cả mọi người và các loài động thực vật cùng sống tốt ở đó. Khi cò thích sống ở quanh khu vực đảo Xanh chứng tỏ môi trường tại đây đang ở mức độ tốt”, PGS. TS Võ Văn Minh nhấn mạnh.

Ý nghĩa của khai thác và bảo vệ hệ sinh thái đất ngập nước

Không phải đến bây giờ chúng ta mới đề cập đến vấn đề bảo tồn hệ sinh thái ngập nước, mà ngay từ năm 2020, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 3410/QĐ UBND phê duyệt đề án Bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó chú trọng các vùng đất ngập nước, vùng có giá trị đa dạng sinh học cao nằm ngoài ranh giới khu bảo tồn. Do đó, việc xây dựng phương án quản lý và bảo vệ, phát triển bền vững hệ sinh thái khu đất ngập nước, đảo Xanh và ven sông Hàn dọc tuyến Thăng Long là cần thiết nhằm quản lý, bảo vệ, gia tăng mảng xanh, đồng thời làm điểm nhấn sinh thái của quận trung tâm, từ đó nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Đánh giá sự ra đời của ý tưởng xây dựng đề án Bảo vệ và phát triển bền vững hệ sinh thái đất ngập nước ven sông Hàn của UBND quận Hải Châu, PGS. TS Võ Văn Minh cho rằng, việc lãnh đạo quận Hải Châu quan tâm đến hệ sinh thái đất ngập nước có ý nghĩa rất lớn trong việc thay đổi nhận thức trong cách nghĩ, cách làm. Bởi đây là thập niên phục hồi sinh thái của Liên Hợp Quốc; xu thế chung trên thế giới hiện nay là tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Đề án này cũng phù hợp mục tiêu xây dựng Đà Nẵng - Thành phố Môi trường giai đoạn 2021-2030, đáp ứng với định hướng đô thị sinh thái theo Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tuy nhiên, để khai thác tốt lại là một câu chuyện không hề đơn giản nếu không có sự nghiên cứu kỹ lưỡng.

Có thể thấy, môi trường thuận lợi thì cây xanh sẽ phát triển tốt bởi cây cối là chỉ thị chất lượng của tự nhiên. Đặc biệt, những loại cây bản địa sẽ tạo ra giá trị cho môi trường. Chất lượng môi trường của dòng sông Hàn bao gồm nhiều thứ chứ không chỉ có nước. Khi hệ sinh thái phục hồi thì mọi thứ dần dần sẽ phát triển tốt đẹp lên. Nếu môi trường tự nhiên tại khu đất ngập nước ven sông tốt thì các loài cây như đước, bần sẽ lớn nhanh và ngược lại. Hệ quả kéo theo là các đàn chim, cò… không chỉ kéo về đây kiếm ăn mà còn làm tổ. Cùng đó sẽ tạo ra loại hình du lịch mới cho thành phố như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. “Phát triển du lịch thực chất cũng mang tính tự nhiên, nơi nào cảnh quan đẹp, tốt, hài hòa và ấn tượng thì mới có du lịch, khi phục hồi hệ sinh thái đất ngập nước sẽ phát triển thành điểm du lịch. Nơi đây sẽ trở thành một điểm rất đáng sống thì du khách ở nơi khác sẽ đến để tìm hiểu. Bản chất của du lịch là nền kinh tế kết nối, người đi du lịch là để tham quan, học hỏi, tìm hiểu, khám phá những cái khác lạ với họ. Như vậy, nếu hiểu đúng bản chất thì du lịch sẽ có tác động tích cực nhiều hơn là tiêu cực”, PGS. TS Võ Văn Minh giải thích.

Theo PGS. TS Võ Văn Minh, điều quan trọng là chúng ta lựa chọn thị trường khách và giá cả như thế nào, chứ không nên đặt nặng mục tiêu tăng số lượng bởi nếu đáp ứng theo kiểu chiều lòng du khách thì sẽ phá hủy môi trường. Những nơi như thế này cần lượng khách sang trọng và có những quy định khắt khe để bảo vệ môi trường. Chẳng hạn như không mang theo túi nilon, không xả rác, không được bắt chim... Khi tạo ra cách thức như vậy, du khách không chỉ có ý thức bảo vệ môi trường mà còn tôn trọng nơi họ đến tham quan.

"Hệ sinh thái đất ngập nước là sự giao thoa hệ sinh thái dưới nước và trên cạn. Sự phục hồi hệ sinh thái ngập nước có nhiều ý nghĩa khi các loài động thực vật di cư quay về sinh sống làm cho thành phố trở nên thân thiện khi có chim, hoa, cây...”.
PGS. TS Võ Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng.
Theo Công ước Ramsar (Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế), đất ngập nước là những vùng đầm lầy, vùng đất tự nhiên hoặc nhân tạo có nước tĩnh hoặc nước chảy, là nước ngọt, nước lợ hay nước mặn.

ĐOÀN LƯƠNG - TRƯỜNG AN

;
;
.
.
.
.
.