Chiều 6-5, tại Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu đồng chủ trì buổi làm việc để nghe Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam báo cáo nghiên cứu sơ bộ, ban đầu về giải pháp chỉnh trị sông Quảng Huế và các giải pháp bảo đảm nguồn nước sinh hoạt, thủy lợi, phòng chống thiên tai lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.
Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam đề xuất đầu tư xây dựng công trình điều tiết nước trên sông Quảng Huế kết hợp cầu giao thông ở cách cầu Quảng Huế hiện nay (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) khoảng 100m về phía hạ lưu.
Phương án đề xuất công trình có 3 khoang cống có cửa van và 2 khoang tràn tự do để vừa điều tiết lưu lượng nước trong mùa kiệt, vừa điều tiết lũ. Lãnh đạo viện cũng đề nghị, cần đầu tư các công trình đập ở hạ lưu các sông, nhất là xây dựng đập ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện; xây mới hoặc nâng cấp các đập dâng thuộc hệ thống thủy lợi An Trạch, trong đó, nghiên cứu ngưỡng tràn cửa van đập dâng An Trạch từ 2m có khả năng lên 3m để bảo đảm cấp nước sinh hoạt và thủy lợi cho hạ lưu sông Vu Gia.
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho hay, cách đây nhiều năm, thành phố đã nghiên cứu việc đắp đập ngăn sông Hàn và sông Cẩm Lệ để chống nhiễm mặn và bảo đảm nguồn nước, nhưng không thành công. Thành phố đã đầu tư nhà máy nước Hòa Liên với công suất tối đa trong giai đoạn 1 là 120.000m3/ngày. Tuy nhiên, với công suất cấp nước sinh hoạt hiện nay (325.000-345.000m3/ngày), nếu không có đập dâng An Trạch và công trình điều tiết nước trên sông Quảng Huế thì việc cấp nước cho thành phố rất căng thẳng.
Việc nghiên cứu đắp các công trình trên các sông để bảo đảm an ninh nguồn nước là rất cần thiết trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu như hiện nay. Thành phố rất trân trọng những đề xuất dự án, công trình, giải pháp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thành phố sẽ phối hợp tốt với tỉnh Quảng Nam và các cơ quan của bộ cũng như đoàn chuyên gia của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) trong việc nghiên cứu giải pháp giải quyết về các vấn đề của lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho rằng, về lâu dài, tỉnh mong đợi trong giai đoạn 2026-2030, có một đề án tổng thể về bảo đảm an ninh nguồn nước và phòng chống thiên tai cho lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cần quan tâm, hỗ trợ tỉnh Quảng Nam nghiên cứu giải pháp thoát lũ cho hồ Phú Ninh.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, nhiều năm nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo, nghiên cứu, thực hiện các giải pháp, công trình để chỉnh trị, khắc phục các vấn đề tồn tại trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, bởi đây là một lưu vực sông rất phức tạp về thủy văn, thủy lực...
Bộ cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu kỹ, sâu hơn và tổng thể cho lưu vực này. Trước mắt, bộ sẽ cùng 2 địa phương nghiên cứu đầu tư công trình trên sông Quảng Huế với mục tiêu chỉnh trị, phân lưu dòng chảy, phòng chống sạt lở, bồi lắng, lũ lụt cho hạ lưu sông Vu Gia - Thu Bồn; ổn định cho hệ thống thủy lợi An Trạch. Trong dự án này sẽ nghiên cứu, đưa vào ưu tiên đầu tư đập An Trạch và tiếp đó, nghiên cứu đầu tư công trình ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện. Thứ trưởng giao Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam và các đơn vị của bộ tiếp tục nghiên cứu thêm về đầu tư vị trí, hướng tuyến của công trình điều tiết nước trên sông Quảng Huế.
Đồng thời, khảo sát, nghiên cứu để gia cố, nâng cấp các công trình chỉnh trị sông Quảng Huế trước đây để ổn định, bảo đảm chống lũ. Đối với đập An Trạch, cũng cần nghiên cứu hướng tuyến, vị trí cũng như xác định cần nâng cấp hay xây dựng mới tại vị trí như hiện nay hoặc dịch chuyển xuống hạ lưu kết hợp làm đường giao thông. Cùng với đó, lập mô hình toán để xác định sự cần thiết đầu tư đập ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện.
HOÀNG HIỆP