Tiếp sức cho người khuyết tật

.

Bằng nhiều giải pháp như: trao sinh kế, hỗ trợ vay vốn, đào tạo nghề… các ngành, địa phương đã và đang tiếp thêm động lực, niềm tin giúp người khuyết tật vượt qua nghịch cảnh, vươn lên trong cuộc sống, khẳng định bản thân.

Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê Nguyễn Hữu Công (hàng đầu, bên phải) trao sinh kế và xe lăn cho người khuyết tật trên địa bàn quận. Ảnh: L.P
Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê Nguyễn Hữu Công (hàng đầu, bên phải) trao sinh kế và xe lăn cho người khuyết tật trên địa bàn quận. Ảnh: L.P

Trao “cần câu”

Những ngày cuối tháng 4-2024, chúng tôi ghé thăm nhà, cũng là tiệm may quần áo của chị Lê Thị Tố Quỳnh (tổ 34, phường Chính Gián, quận Thanh Khê) nằm trong con hẻm trên đường Thái Thị Bôi. Chị Quỳnh sinh ra không may bị dị tật bẩm sinh ở chân trái. Càng lớn, chân trái không phát triển mà cứ teo lại, các ngón chân dính vào nhau gây khó khăn trong đi lại.

Không đầu hàng số phận, chị Quỳnh đi học nghề may để có việc làm. Sau khi học nghề xong, chị Quỳnh mở tiệm tại nhà, nhận may và gia công quần áo kiếm thu nhập. Chỉ vào chiếc máy vắt sổ 2 kim mới toanh giữa nhà, chị Quỳnh khoe: “Chiếc máy này tôi được UBND quận Thanh Khê tặng cách đây mấy hôm. Nhận máy về cả nhà ai cũng mừng vì từ nay có thêm máy móc hỗ trợ để công việc nhanh hơn, thuận lợi hơn. Đây chính là “cần câu” mới của gia đình tôi”.

Rời nhà chị Quỳnh, chúng tôi tìm đến nhà chị Lê Thị Xuyến (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê). Chị Xuyến bị liệt hai chân từ nhỏ, di chuyển bằng xe lăn. Để có thu nhập chăm lo các con, chị Xuyến mở quán bán gạo tại nhà. Biết chị Xuyến cần dụng cụ chứa gạo, UBND quận Thanh Khê hỗ trợ 2 kệ sắt giúp chị có nơi bày bán gạo thuận lợi. Tương tự, chị Tạ Thị Hải (phường Tân Chính, quận Thanh Khê) bị khuyết tật ở chân, được hỗ trợ 6 bộ bàn ghế i-nox để bán quán ăn.

Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê Nguyễn Hữu Công cho biết, thực hiện chủ đề năm 2024 của quận về bảo đảm an sinh xã hội, qua khảo sát nhu cầu, UBND quận trao phương tiện sinh kế cho 12 người khuyết tật và trao xe lăn, dụng cụ chỉnh hình cho 10 người khuyết tật, tổng kinh phí hơn 105 triệu đồng, nhằm hỗ trợ người khuyết tật có việc làm, thu nhập, ổn định cuộc sống, vươn lên hòa nhập cộng đồng và hỗ trợ nhu cầu đi lại, sinh hoạt hằng ngày cho họ.

Vươn lên khẳng định bản thân

Bên cạnh hỗ trợ sinh kế, các địa phương phối hợp Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố tạo điều kiện cho người khuyết tật được vay vốn làm ăn, mở rộng sản xuất kinh doanh. Chị Nguyễn Thị Lành (quận Thanh Khê) bị khuyết tật vận động ở chân. Không đầu hàng số phận, chị tự lực vươn lên, khởi nghiệp với thương hiệu thực phẩm sạch nhà làm Nam Nhi Phúc. Thời gian đầu chị Lành gặp nhiều khó khăn vì không có vốn, khách hàng hạn chế nên số lượng sản phẩm tiêu thụ ít. Sau khi được Hội Người khuyết tật quận Thanh Khê tư vấn, chị Lành mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội quận Thanh Khê để mở rộng buôn bán, kinh doanh. Sau khi có vốn, chị Lành đầu tư thêm bao bì, mẫu mã sản phẩm, đa dạng món và quảng cáo sản phẩm.

Nhờ sản phẩm chất lượng, uy tín, thương hiệu thực phẩm của chị Lành được tham gia giới thiệu tại các hội chợ do Hội Nông dân quận Thanh Khê tổ chức. Đến nay, chị có lượng khách hàng khá ổn định, thu nhập bảo đảm để chăm lo 3 con ăn học. Không chỉ vươn lên làm kinh tế giỏi, chị Lành còn năng nổ tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao dành cho người khuyết tật; vận động quà Tết cho phụ nữ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Hải Yến (quận Hải Châu) khuyết tật ở chân, đi lại khó khăn. Không nản lòng, chị Yến nỗ lực học tập, tốt nghiệp thạc sĩ ngành công tác xã hội. Nhận thấy nhu cầu học ngoại ngữ của học sinh khá cao, chị Yến mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội quận Hải Châu để đầu tư trang thiết bị mở cơ sở Trung tâm ngoại ngữ Anh - Trung tại nhà. Với số vốn có được, chị Yến mua sắm bàn ghế, máy chiếu và nâng cấp trang thiết bị, phòng ốc phục vụ giảng dạy. Từ đó, chị Yến tạo ra mô hình dạy ngoại ngữ với chất lượng tốt; mang đến cơ hội làm trợ giảng cho người khuyết tật và con em người khuyết tật có khả năng. Đáp lại sự tin tưởng, hỗ trợ từ địa phương và tổ chức hội, chị Yến tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ cộng đồng như: mở lớp dạy ngoại ngữ miễn phí cho thanh niên khuyết tật toàn quốc qua sự kết nối của tổ chức hội; lớp học ngoại ngữ miễn phí cho người lớn tuổi để cải thiện trí nhớ, nâng cao kiến thức...

Với vốn kiến thức của mình, năm 2021, chị Yến viết đề xuất dự án kêu gọi Quỹ Abilis tại Việt Nam hỗ trợ hội viên khuyết tật gặp khó khăn do Covid-19 với số tiền gần 67 triệu đồng. Năm học 2023-2024, chị Yến vận động trao bảo hiểm y tế cho 12 học sinh là con của người khuyết tật quận Hải Châu.

Theo Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Trương Công Nghiêm, thời gian qua, các cấp hội và địa phương thường xuyên thông tin về chương trình vay vốn ưu đãi của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố cho các hội viên tìm hiểu, tiếp cận. Năm 2023, có 38 hội viên được vay vốn 20-100 triệu đồng/người, tổng vốn giải ngân hơn 2,57 tỷ đồng giúp người khuyết tật phát triển kinh tế, làm chủ cuộc sống, khẳng định bản thân.

LAM PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.