'Đạo' phát thanh của NSƯT Hà Phương

.

Ở Đài Tiếng nói Việt Nam, có một người mà chỉ cần nhắc tên thôi thì gần như ai cũng biết, đó là NSƯT Hà Phương. Suốt mấy chục năm qua, giọng đọc ấy vẫn bền bỉ trên làn sóng, vẫn chăm chút, nghiêm cẩn và đầy sáng tạo với từng bài báo ông thể hiện trên sóng phát thanh.

NSƯT Hà Phương (đứng bên phải) tại một lớp đào tạo nghiệp vụ phát thanh tại Đà Nẵng. Ảnh: NVCC
NSƯT Hà Phương (đứng bên phải) tại một lớp đào tạo nghiệp vụ phát thanh tại Đà Nẵng. Ảnh: NVCC

18 năm trước, khi mới về làm việc tại Phòng Văn nghệ (lúc ấy thuộc Ban Văn học nghệ thuật, Đài Tiếng nói Việt Nam), tôi vẫn nhớ mình đã ngạc nhiên thế nào khi lần đầu được nghe kể những “giai thoại” độc đáo ở phòng thu về NSƯT Hà Phương. Lúc ấy ông đã nghỉ hưu nhưng vẫn còn tiếp tục cộng tác với đài.

Nghề, nghiệp và đạo

Đó là chuyện ông kiên quyết giữ lại tiếng đọc nấc nghẹn ở cuối một truyện ngắn dù có ý kiến đề nghị nên đọc lại vì như lời ông thì “cả đời ông chỉ đọc được một lần như thế”; chuyện không hiếm khi ông phải dừng thu âm một lúc cho qua quãng xúc động nghẹn lời rồi mới có thể đọc tiếp; chuyện ông đã chủ động sáng tạo thêm những “yếu tố dư thừa cần thiết” cho văn bản trên sóng phát thanh khiến nhiều tác giả phải tâm phục khẩu phục khi nghe lại… Những chuyện đó tôi đã được các kỹ thuật viên phòng thu, các đồng nghiệp của ông và cả các đồng nghiệp lớp trước của tôi kể lại.

Thuở mới vào nghề tôi từng có ý nghĩ rất trẻ con là sao bác ấy kỹ tính thế, lại lo lo không biết làm việc cùng bác có khó khăn không. Nhưng rồi qua nhiều năm làm việc, lại có dịp học nghề một thời gian ngắn cùng ông và cho tới tận bây giờ, dù không còn làm việc cùng nhưng vẫn lắng nghe giọng đọc của ông trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam trong các buổi phát thanh văn nghệ chủ nhật, tôi thấm thía hơn vì sao ông cẩn trọng thế, yêu thương con chữ đến thế. Với ông, nghề đã thành nghiệp và trong cảm nhận của tôi, đó còn là một đạo thật thiêng liêng trong đời của NSƯT Hà Phương.

Tiến trình nghề - nghiệp - đạo đó không thể có trong một thời gian ngắn. Nó được chưng cất từ mồ hôi, tinh lực, tâm huyết và tất cả những thương yêu, chăm chút, lao động miệt mài trong 60 năm làm nghề của ông. Cho tới năm nay (2024), ông đã làm việc tròn 60 năm chỉ với một nghề với duy nhất và một bến đỗ bền chặt là Đài Tiếng nói Việt Nam. Những gì NSƯT Hà Phương đã làm được, đã đóng góp không chỉ là “vàng ròng” cho lĩnh vực phát thanh, mà còn là tấm gương mẫu mực, đầy cảm hứng cho tất cả những ai, nhất là những người trẻ, đang nuôi khát khao tạo dựng “một nghề cho đáng tấm nghề” trong mọi lĩnh vực chuyên môn khác.

Thấy chữ là biết sợ

Khi nghĩ về NSƯT Hà Phương, tôi luôn thấy trong ông có ba con người: người nghệ sĩ, người thầy và người viết. Ngẫm lại những ngày làm việc cùng ông, tôi vẫn nghĩ có lẽ mỗi khi bước vào phòng thu, ông chưa bao giờ chọn cách làm việc chỉ của một phát thanh viên đọc tròn vành rõ chữ, biểu cảm phù hợp với từng thể loại thông tin, dù như vậy cũng đã là “tròn vai”.

Trong mắt rất nhiều người, ông thực sự là một nghệ sĩ của phòng thu, người sáng tạo một lần nữa trên văn bản, để rồi văn bản ấy, nhờ giọng đọc và cách xử lý của ông, được mang một tâm hồn mới, sức vóc mới và rồi sẽ có một cuộc đời mới. Bởi tâm thế ấy, ông vẫn luôn nói một câu mà tới giờ nhiều người còn nhớ: nghề phát thanh viên “thấy chữ là sợ” chứ không phải “thấy chữ là đọc” như ai đó nông nổi tưởng lầm.

Một người phải yêu tiếng Việt lắm, yêu thương những sáng tạo chữ nghĩa lắm mới trân trọng và nâng niu từng con chữ trên cánh sóng như ông. Không ít tác giả thực sự cảm động khi tác phẩm của họ được ông thể hiện trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Bởi họ không chỉ được nghe một giọng đọc tuyệt vời, họ còn cảm nhận được sự đồng cảm, sẻ chia của người nghệ sĩ đang thể hiện tác phẩm đó.

Mới đây thôi, nhà văn Trần Luân Tín, tác giả cuốn tiểu thuyết Được sống và kể lại từng được NSƯT Hà Phương đọc trên đài vào khoảng năm 2015, có nhờ tôi xin lại những cuốn băng ghi âm tiểu thuyết năm đó. Với nhà văn Trần Luân Tín, dù sau này tác phẩm của ông đã được một số đài khác đọc lại, nhưng bản do NSƯT Hà Phương thể hiện vẫn đem lại cho ông ấn tượng đặc biệt nhất. “Tôi chưa từng gặp NSƯT Hà Phương ngoài đời, nhưng nghe ông ấy đọc, không chỉ truyện của tôi mà còn nhiều chương trình khác trên đài, tôi tin ông rất giỏi và rất tốt bụng”, nhà văn từng là chiến sĩ của sư đoàn 325 chiến đấu tại thành cổ Quảng Trị năm xưa chia sẻ.

Ở tuổi hơn 70, ông muốn có lại những cuốn băng ghi âm tiểu thuyết của mình do NSƯT Hà Phương đọc để giữ gìn như một kỷ vật lưu lại cho gia đình, cho con cháu sau này, nhưng tiếc là ngày đó đài chưa có kho lưu trữ dữ liệu số nên các buổi đọc tiểu thuyết Được sống và kể lại không còn nữa.

Người mở đường

Nếu nhìn vào lĩnh vực phát thanh, dường như chưa có trường học nào ở ta có một chương trình đào tạo chuyên nghiệp và bài bản cho riêng việc thể hiện trên sóng phát thanh, đặc biệt là phát thanh văn nghệ. Có thể vì đó là một lĩnh vực chuyên môn khá hẹp. Và có lẽ cho tới giờ cũng mới chỉ có một ông thầy duy nhất có đủ kiến thức chuyên môn lẫn kinh nghiệm thực tiễn và phương pháp sư phạm là NSƯT Hà Phương mới đủ tầm mức để lập ra một chuyên ngành như thế, nếu có. Thực tế thì trước ông chưa có mô hình giảng dạy nào như vậy, ông chính là người đã phải “phát cỏ, trải đá” để làm nên “con đường” mà cho tới hôm nay đã có biết bao lứa học trò được thênh thang rảo bước.

Ông từng chia sẻ ông thích những câu hát này của nhạc sĩ Phú Quang: “Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố - Bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường”. Ông đồng cảm bởi có lẽ cũng thấy mình như người nghệ sĩ ấy, không quản đường sá bao xa, đã tất tả trên biết bao con đường đi truyền cảm hứng làm nghề cho những người yêu phát thanh, suốt từ Hà Giang, Sơn La, vào Bến Tre, An Giang, Đồng Tháp rồi ra Bà Rịa - Vũng Tàu… đã bao con đường đi qua, bao lửa nghề đã trao mà bầu nhiệt huyết ấy vẫn chưa hề vơi cạn.

Sự chắt chiu kinh nghiệm, kiến thức và tâm huyết muốn góp một chút sở học cho đời của NSƯT Hà Phương đã biến thành các giáo án, những cuốn giáo trình đặc biệt giá trị cho những ai muốn theo học nghề báo phát thanh. Không ít học trò ở xa nghe tiếng ông mà “cơm nắm, tay nải” tìm về thủ đô để được đến nhà xin học trực tiếp với ông.

NSUT Hà Phương làm báo phát thanh từ năm 1964 (năm 1966 ông được cấp thẻ nhà báo đợt đầu tiên ở Việt Nam) và đến năm 1966 ông là phóng viên thời sự của Đài thường trú Tuyến lửa Nghệ An. Nghề viết và tự đọc tác phẩm của ông, mở đầu cho sự nghiệp làm “báo nói” cho mãi tới hôm nay, đã bắt đầu từ lúc ấy.

Năm 1973 Đài Tiếng nói Việt Nam điều ông sang làm phát thanh viên để nhập đoàn C59 công tác đặc biệt ở Trung Quốc. Sau đó ông về nước và tiếp tục được cử làm chuyên gia phát thanh tiếng Việt ở đài Matxcơva (Liên Xô cũ) trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp.  Năm 1982 ông về nước tiếp tục làm nghề và sau này ông được Đài TNVN cử đi dạy nghiệp vụ cho nhiều đài địa phương trong nước. Hiện nay, ngoài việc cộng tác đọc trang Văn nghệ chủ nhật cho đài, ông vẫn đang dạy nghề phát thanh tại nhà cho những người có đam mê.

Dạy người để rồi mình lại được học, cái vòng tròn cho - nhận kiến thức đó qua bao năm đã trở thành nguồn năng lượng dồi dào giúp ông bồi đắp thêm “đạo” nghề thiêng liêng.

Với NSƯT Hà Phương, vì nghề đã là nghiệp, là đạo thì cũng là lẽ tất yếu thôi khi những trang văn của ông cũng xoay quanh cái quỹ đạo thiêng liêng của nghề, của nghiệp đó. Người viết nào cũng vậy, dù viết thể loại gì, đề tài nào, cũng sẽ bắt đầu từ những điều thân thuộc nhất. Huống hồ với một người đã coi những điều thân thuộc ấy là cuộc sống, là sự sống thì trang viết chỉ là một mảnh ghép khác trong cái “đạo phát thanh” của NSƯT Hà Phương mà thôi.

Nếu trên làn sóng, ông khơi dậy trong lòng người nghe những thổn thức yêu thương và nâng niu cuộc sống qua các bài tạp văn, tùy bút, truyện ngắn, thì trên trang giấy, ông lại muốn kéo người đọc cùng mình đến gần hơn để nhìn sâu hơn vào cuộc sống, để có thể nhìn đời, nhìn người với nhiều đồng cảm, sẻ chia hơn.

Vì dù thế nào đi nữa, “Với tất cả điều hay điều dở - Cuộc đời thực đáng thương yêu”, như lời thơ của thi hào Ấn Độ Rabindranath Tagore.

D. KIM THOA

;
;
.
.
.
.
.