Giải thưởng môi trường thành phố Đà Nẵng: Lan tỏa môi trường xanh, lối sống xanh

.

Sở Tài nguyên và Môi trường vừa trao bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố và biểu trưng của “Giải thưởng môi trường thành phố Đà Nẵng” cho 23 tập thể, cá nhân đoạt giải thưởng này, trong đó, nhiều đơn vị, địa phương, cộng đồng đã đạt kết quả nổi bật nhằm xây dựng cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp, hài hòa với thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường trao bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố và biểu trưng của “Giải thưởng môi trường thành phố Đà Nẵng” cho các tập thể được giải. Ảnh: NAM TRÂN
Đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường trao bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố và biểu trưng của “Giải thưởng môi trường thành phố Đà Nẵng” cho các tập thể được giải. Ảnh: NAM TRÂN

Với mong muốn vận động mọi nguồn lực chung tay bảo vệ môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Cẩm Lệ đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như ngày hội “Sống xanh vì môi trường” thu hút hơn 1.200 lượt người tham gia; tập huấn, tuyên truyền các nội dung về bảo vệ môi trường cho hơn 1.400 người; trưng bày các sản phẩm tái chế, thu đổi rác tài nguyên, thi tìm hiểu kiến thức, trao phương tiện phân loại rác tài nguyên cho hội phụ nữ các phường... nhằm truyền tải thông điệp liên quan đến phân loại rác thải, giảm thiểu rác nhựa.

Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Cẩm Lệ Đinh Phạm Công Anh Tuấn cho biết, riêng phong trào ngày Chủ nhật xanh - sạch - đẹp, năm qua quận đã tổ chức 21 đợt (chưa bao gồm các khu dân cư tự ra quân) thu hút hơn 13.000 lượt người tham gia, thu gom hơn 4.300m3 rác thải giá hạ, xà bần, rác kích thước lớn tại các lô đất trống từ các phường. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, giải quyết các điểm nóng về ô nhiễm môi trường và bảo đảm mỹ quan đô thị trên địa bàn quận. Đặc biệt, khu dân cư 24, phường Hòa Xuân có mô hình “Khu dân cư thân thiện môi trường” với sự tham gia thí điểm của 35 hộ dân đường Hồ Trung Lượng. Mô hình tập trung vào việc phân loại và xử lý chất thải thực phẩm bằng men vi sinh tự làm và sản phẩm sau phân hủy được dùng làm phân hữu cơ bón rau, cây cảnh, giúp giảm thiểu rác thải nhựa, phân loại rác tài nguyên và gây quỹ cho hội phụ nữ hỗ trợ các hoạt động của hội, hỗ trợ các trẻ em nghèo…

Để tăng tính hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường quận còn thường xuyên phối hợp xây dựng các mô hình hay như cùng với Hội Phụ nữ quận tổ chức mô hình “Phụ nữ chung tay chống rác thải nhựa” và “Thùng rác môi trường; điểm thu gom rác thải nhựa tập trung”; phối hợp với các khu dân cư xây dựng mô hình “Chung cư nói không với rác thải nhựa” và mô hình “Ngôi nhà xanh”; mô hình “Quả cầu chứa rác thải nhựa” của Đoàn thanh niên quận…

Cũng hướng tới cuộc sống xanh, môi trường sạch, Hội LHPN phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu đã tổ chức nhiều hoạt động và phong trào thi đua ngày càng chất lượng, đi vào chiều sâu như phong trào ngày Chủ nhật xanh - sạch - đẹp; phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, tuyên truyền chống rác thải nhựa, ngày hội môi trường với chủ đề “Giảm rác thải - tăng sống xanh”. Đáng chú ý, mô hình “Thu đổi dầu ăn đã qua sử dụng” hội thực hiện 9 lần trong năm 2023 và thu được 1.500 lít dầu ăn đã qua sử dụng, giúp giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, tiết kiệm được nguồn tài nguyên khoáng sản để sản xuất nguyên liệu; đồng thời bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Trong đó, mô hình “Phân loại rác thải tài nguyên” được 46/46 chi hội khu dân cư thực hiện, đóng góp hiệu quả cho công tác an sinh xã hội của phường. Cụ thể, trong năm 2023 các chi hội đã sử dụng nguồn này hỗ trợ 92 suất học bổng với số tiền 27,6 triệu đồng, hỗ trợ 54 hộ khó khăn với tổng số tiền 54 triệu đồng.

Đại diện Hội LHPN phường Hòa Thuận Tây cho hay, bên cạnh các mô hình hoạt động hiệu quả, hội còn tuyên truyền hướng dẫn các hộ dân phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, 100% hộ gia đình tiếp cận được chủ trương thực hiện. Việc tách rác thải tài nguyên ra khỏi rác thải sinh hoạt, thu gom và phân loại định kỳ theo lịch thu gom từng khu dân cư trên địa bàn đã giúp thu được 40.509kg rác tài nguyên với số tiền quy đổi khoảng 162 triệu đồng; số lượng pin thải thu được khoảng 60kg. Các mô hình, hoạt động được triển khai thiết thực đã góp phần thực hiện hiệu quả đề án “Xây dựng Hải Châu - quận môi trường” và đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường”.

Là chợ trung tâm của thành phố, mỗi ngày chợ Hàn đón hàng ngàn lượt khách du lịch đến tham quan, mua sắm, vì vậy lượng rác thải cũng nhiều, nhất là rác thải nhựa khó phân hủy như túi nilon và đồ nhựa dùng một lần. Theo ông Nguyễn Thành Trung, Trưởng Ban quản lý chợ Hàn, chợ được chọn triển khai thí điểm đầu tiên mô hình giảm thiểu rác thải nhựa và một trong những hoạt động trọng tâm của mô hình là áp dụng bộ tiêu chí công nhận quầy hàng sinh thái. Các quầy hàng được công nhận là quầy sinh thái sẽ nhận được giấy chứng nhận của Giám đốc Sở Công Thương và logo quầy hàng sinh thái, được tuyên truyền quảng bá hình ảnh trên các phương tiện truyền thông và hưởng các chính sách ưu tiên tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức…

Hiện chợ đã có 6 quầy hàng sinh thái được Sở Công Thương công nhận. Nhiều tiểu thương cũng bày tỏ nguyện vọng mong muốn được tham gia mô hình này để cùng thực hiện hiệu quả công tác giảm thiểu rác thải nhựa, xây dựng chợ Hàn văn minh, thân thiện với môi trường. Ngoài ra, chợ còn có mô hình “Tái sử dụng - tái nạp đầy” và “Nhà tái sử dụng túi nilon sạch” của Chi đoàn thanh niên Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng; ban quản lý cũng tuyên truyền hạn chế sử dụng túi nilon cho các thương nhân tại chợ; tuyên truyền khách hàng đến chợ mua sắm sử dụng túi xách thân thiện với môi trường bằng loa phát thanh tại chợ; đồng thời chợ phát động cao điểm “Không sử dụng túi nilon” vào thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần tại chợ.

23 tập thể, cá nhân, cộng đồng đạt giải thưởng môi trường
UBND thành phố vừa ban hành Quyết định số 114/QĐ-UBND ngày 31-5 về việc tặng bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố cho 14 tập thể và 9 cá nhân đạt giải về môi trường. Cụ thể: Phòng Chuyên đề (Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng); Ban Tuyên giáo - Chính sách pháp luật (Hội LHPN thành phố); Ban Tuyên giáo (Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố); Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Cẩm Lệ; Ban Quản lý chợ Hàn, Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng, Sở Công Thương; Hội Nông dân xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang); Hội LHPN phường Hòa Thuận Tây (quận Hải Châu); Trường THCS Nguyễn Tri Phương (huyện Hòa Vang); Trường Tiểu học Điện Biên Phủ (quận Thanh Khê); Trường Mầm non Hòa Tiến 1 (huyện Hòa Vang); Nhân dân và cán bộ thôn Mỹ Sơn, xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang); Khu dân cư số 2, phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê); Câu lạc bộ Môi trường Cựu chiến binh 37, phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà); Nhóm Green Đà Nẵng; ông Nguyễn Hoàng Việt- Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà; ông Thái Văn Quang, Trưởng ban Tuyên truyền - Đối ngoại (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố); bà Võ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hải Châu; bà Đoàn Thị Kim Anh, Trưởng phòng Tổng hợp, Chi cục Biển đảo và Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường); ông Ngô Văn Minh, chuyên viên Phòng Quản lý môi trường, Khoa học - Công nghệ và Ươm tạo (Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng); ông Đặng Quang Hải, chuyên viên Trung tâm Công nghệ sinh học (Sở Khoa học và Công nghệ); bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu xây dựng năng lực thích ứng (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố); bà Bùi Thị Hoài Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ (quận Thanh Khê); ông Phạm Công Lượng, Bí thư Chi bộ Khu dân cư Bình Phước 1, phường Thuận Phước (quận Hải Châu).

NHẬT HẠ

;
;
.
.
.
.
.