Gọi chim đàn về phố - Bài cuối: Phát huy tiềm năng hệ sinh thái đất ngập nước

.

Với giá trị của dòng sông Hàn nói chung và khu đất ngập nước quanh đảo Xanh nói riêng, chúng ta cần làm gì để khai thác hiệu quả tiềm năng thiên nhiên ưu đãi này nhưng vẫn giữ được nét đẹp vốn có của cảnh quan tự nhiên nơi đây? Đó không chỉ là trách nhiệm của các nhà quản lý và những nhà khoa học mà còn là sự chung tay của cả cộng đồng trong việc gìn giữ và bảo tồn tài nguyên hệ sinh thái đất ngập nước.

Sau khi đưa ra những quy định có tính pháp lý, mọi hoạt động nằm trong hệ sinh thái đất ngập nước sẽ được quản lý chặt chẽ.
Sau khi đưa ra những quy định có tính pháp lý, mọi hoạt động nằm trong hệ sinh thái đất ngập nước sẽ được quản lý chặt chẽ. Ảnh: ĐOÀN LƯƠNG

Kết nối hoàn chỉnh cấu trúc công viên công cộng

Nói về chủ trương xây dựng đề án Bảo vệ và phát triển bền vững hệ sinh thái đất ngập nước ven sông Hàn, ông Nguyễn Văn Duy, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu cho biết, đế án xuất phát từ thực tế mật độ cây xanh đô thị trên địa bàn quận Hải Châu rất thấp do quá trình đô thị hóa phát triển nhanh, tỷ lệ mảng cây xanh thấp so với mục tiêu đề ra. Đặc biệt, khi chiếu theo các tiêu chí, chỉ tiêu đề ra trong định hướng xây dựng thành phố môi trường, hướng đến mục tiêu thành phố sinh thái, bảo đảm sự phát triển bền vững của thành phố Đà Nẵng trong tương lai theo Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

“Khu vực cảnh quan ven sông Hàn, sông Cẩm Lệ dọc bên bờ tây của quận Hải Châu có cây bần chua tự mọc dưới lòng sông, thuộc hệ cây nước ngập mặn và kèm theo các loài chim, kể cả chim di trú kéo về tạo khung cảnh bình yên giữa đô thị phát triển nhộn nhịp. Để khai thác lợi thế này, lãnh đạo quận Hải Châu nghĩ đến ý tưởng cần phải bảo vệ và phát huy hệ sinh thái cảnh quan nơi đây để phục vụ nhân dân và du khách. Những khoảng không gian công cộng ven sông là có tính thư giãn rất cao, đem lại đời sống tinh thần tốt hơn cho cư dân đô thị cũng như cho du khách khi đến Đà Nẵng. Từ đó cân bằng lại cuộc sống, nhịp sống sôi động như hiện nay với các khu vực dịch vụ, thương mại sầm uất, nhộn nhịp. Khoảng không gian tĩnh lặng này như một sự hoàn thiện bổ sung cấu trúc chung của không gian công cộng ven sông Hàn và Cẩm Lệ”, ông Duy phân tích.

Theo đó, UBND quận Hải Châu xây dựng đề cương chi tiết và cụ thể để có hướng khai thác hiệu quả và bền vững. Thứ nhất, quận sẽ tiến hành đánh giá tính chất quý giá của sự đa dạng sinh học của hệ sinh thái ngập mặn này. Thứ hai là đưa ra ý tưởng tạo cảnh quan công cộng ven bờ và những lối đi bộ len lỏi vào khu vực đi dạo bằng gỗ, hoặc bằng vật liệu thân thiện với tự nhiên để cho du khách và nhân dân cảm thụ giá trị vẻ đẹp cảnh quan ven sông. Ông Nguyễn Văn Duy cho rằng, trong cấu trúc của một công viên thường có phần động và phần tĩnh. Phần động dành cho các hoạt động, còn phần tĩnh dành cho nghỉ ngơi và những yếu tố yên tĩnh.

“Hiện nay, các sinh hoạt của phố đi bộ từ Bạch Đằng nối Công viên APEC đến cầu Nguyễn Văn Trỗi rất sôi động. Nơi đây như một công viên lớn của thành phố, trong đó phần động của một không gian đô thị đã có, còn bây giờ quận chỉ bổ sung thêm phần tĩnh là những bậc cấp ngồi hóng mát và lối đi dạo, chứ không có thêm các công trình làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Du khách và người dân hoàn toàn ngồi thư giãn và đi vào ngắm chim. Tuy nhiên, cần giữ sự tự nhiên thì chim càng về, trong hệ sinh thái sẽ có những khu vực không được tác động, tránh gây ảnh hưởng, chứ không đi xuyên thấu vào bên trong”, ông Nguyễn Văn Duy giải thích.

Việc quản lý và bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước sẽ giúp các loài cây bản địa phát triển tốt hơn. Ảnh: Đoàn Lương
Việc quản lý và bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước sẽ giúp các loài cây bản địa phát triển tốt hơn. Ảnh: ĐOÀN LƯƠNG

Xây dựng tính pháp lý để bảo vệ nghiêm ngặt

Khó khăn hiện nay trong việc khai thác khu đất ngập nước ở khu vực đảo Xanh là chính quyền quận Hải Châu vẫn chưa xác định rõ diện tích mặt nước mà thành phố giao cho một tập đoàn kinh doanh đa ngành của Việt Nam thuê. Bà Võ Thị Kim Ngân, Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hải Châu cho biết, trong thời gian tới, UBND quận sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn như quản lý đô thị, tài nguyên và môi trường phối hợp các đơn vị liên quan xác định ranh giới bảo vệ hệ sinh thái đất ngập nước tại khu vực đảo Xanh và dọc ven sông Hàn đến cầu Hòa Xuân. Từ đó, xác định rõ phạm vi diện tích thành phố giao cho doanh nghiệp để có hướng đề xuất tiếp theo. Sau khi có chủ trương sẽ hợp đồng với các chuyên gia, đơn vị có chuyên môn điều tra khảo sát về động thực vật ở khu vực này để có phương án khai thác và bảo vệ.

Trong thời gian qua, lãnh đạo quận Hải Châu đã cho tiến hành khảo sát, mời các nhà khoa học của các trường đại học có chuyên môn trong trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học và các nhà quy hoạch kiến trúc cảnh quan cùng khảo sát để đánh giá hiện trạng. Từ đó, lập đề cương thực hiện ý tưởng bảo tồn hệ sinh thái ngập nước ven sông và phát huy giá trị cảnh quan. Bên cạnh đó, các chuyên gia Đại học Đà Nẵng cũng đã tổ chức các lớp tìm hiểu về hệ sinh thái để hướng dẫn cho các đoàn sinh viên tìm hiểu hệ sinh thái.

Thạc sĩ Phạm Tài Minh (nhóm nghiên cứu, giảng dạy Môi trường và Tài nguyên sinh học, Đại học Đà Nẵng) cho rằng, khi tiếp cận với chim, cò tại đảo Xanh phải bảo đảm tính riêng tư, tự do sinh sống cho từng cá thể trong đàn. Khu vực đảo Xanh đang được định hướng quy hoạch trồng cây ngập mặn. Những loài cây cần bảo tồn gấp gồm bần chua, dừa nước. Đây là cách làm vừa tạo lá chắn ngăn tác động của sóng, gió vừa tạo mảng xanh cho khu trung tâm đô thị. Khi cây cối mọc sum suê thì không gian sống xanh thực sự sẽ ra đời, thúc đẩy các địa phương lân cận làm theo.

Để quản lý và khai thác tốt hệ sinh thái đất ngập nước trên sông Hàn, PGS. TS Võ Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), cho rằng bên cạnh nhận thức thì hai vấn đề lớn cần quan tâm là tính pháp lý và nguyên lý. Về khía cạnh pháp lý, đó là Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học. Chính quyền và người dân cần phải nắm chắc điều này để biết được phạm vi nào được sử dụng, phạm vi nào cần được bảo vệ và có quy hoạch bài bản thì mới đề xuất những dự án quản lý lâu dài. Về nguyên lý, cần xét trên góc độ khoa học để đánh giá một cách bài bản về dòng sông Hàn như đặc điểm như thế nào, môi trường, hàm lượng cát, đất mùn, loại cây gì phù hợp… Tuy nhiên, muốn làm được điều này cần phải có sự kiên trì, quyết tâm cao từ phía lãnh đạo thành phố và sự đồng thuận cao của người dân.

"Những khoảng không gian công cộng ven sông có tính thư giãn rất cao, đem lại đời sống tinh thần tốt hơn cho cư dân đô thị cũng như cho du khách khi đến Đà Nẵng. Từ đó cân bằng lại cuộc sống, nhịp sống sôi động như hiện nay với các khu vực dịch vụ, thương mại sầm uất, nhộn nhịp”. Ông Nguyễn Văn Duy, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu.

ĐOÀN LƯƠNG - TRƯỜNG AN

;
;
.
.
.
.
.