Qua 3 năm thực hiện đề án “Xây dựng Thanh Khê - Quận môi trường giai đoạn 2021-2030”, quận Thanh Khê huy động sự tham gia, phối hợp triển khai của các đơn vị, địa phương; sự chung tay của các hội đoàn thể, tầng lớp nhân dân vào các hoạt động bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu. Toàn quận xây dựng và duy trì nhiều mô hình, cách làm hiệu quả lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường trong cộng đồng.
Các hội, đoàn thể chung tay thực hiện hiệu quả đề án “Xây dựng Thanh Khê - Quận môi trường”. Ảnh: NGỌC HÀ |
Nhiều mô hình, cách làm hiệu quả
Xử lý ô nhiễm môi trường tại các hồ được các cơ quan, đơn vị, địa phương tích cực phối hợp triển khai. Theo đó, quận thực hiện công tác duy trì vệ sinh, xử lý ô nhiễm môi trường hồ; định kỳ lấy mẫu và phân tích đánh giá chất lượng môi trường nước tại hồ; tỉa thưa đàn cá tại hồ Xuân Hòa A (phường Hòa Khê) theo chỉ đạo của UBND thành phố.
UBND quận Thanh Khê thực hiện đấu thầu và hợp đồng Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng để duy trì vệ sinh hồ (thu dọn rác, cắt cỏ, sen...), lắp đặt và thả bè thủy sinh tại hồ Công viên 29 Tháng 3, hồ Xuân Hòa A và hồ 2 hecta nhằm cải thiện chất lượng nước. Đồng thời, triển khai dự án Công viên vườn dạo tại khu vực hồ Bàu Làng (phường Thanh Khê Đông) và dự án Cải tạo kiến trúc cảnh quan hồ 2 hecta (phường Thanh Khê Tây).
Để xử lý rác thải cồng kềnh, quận triển khai mô hình tự bỏ tiền ra thuê khoán công ty môi trường để nhân viên môi trường thu gom vật cồng kềnh tại hộ dân. Đồng thời, thông tin rộng rãi đến nhân dân về vị trí các điểm tập kết rác cồng kềnh trên địa bàn. Ông Lê Tất Mười (Đội trưởng Đội 1, Xí nghiệp Môi trường Thanh Khê) cho biết, trên địa bàn quận có 6 điểm như vậy, người dân có những vật cồng kềnh, không xử lý được thì đưa đến điểm tập kết vào thứ Bảy và Chủ nhật. Ngày thứ Hai, nhân viên môi trường vận chuyển lên bãi rác Khánh Sơn.
Ở cấp cơ sở, UBND các phường chỉ đạo khu dân cư xây dựng và thực hiện các quy chế, quy ước về bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh chung. Một số phường thành lập ban vận động, CLB, tổ tự quản với các thành viên trong cấp ủy, mặt trận và các tổ chức thành viên… Mỗi khu dân cư xây dựng nhiều mô hình thiết thực góp phần cải tạo, làm đẹp cảnh quan, huy động sự tham gia tích cực của các hội đoàn thể và người dân. Chẳng hạn, khu dân cư Tân Hòa (phường An Khê) là điển hình về nếp sống văn minh trong hoạt động bảo vệ môi trường, hình thành nên tuyến kiệt hẻm xanh - sạch - đẹp - kiểu mẫu từ nhiều năm nay. Ông Chu Văn Trước (người dân sống tại đây) chia sẻ, các hội, đoàn thể có các mô hình: ngõ hoa, thùng phân loại rác thải, mẹ và con cùng chăm sóc ngõ hoa…; phát huy được tính tự giác bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, rác tài nguyên được các hội, đoàn thể cơ sở thu gom theo mô hình bình hoa an sinh xã hội, ngôi nhà pin… Đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận duy trì, nhân rộng 310 bình hoa an sinh xã hội, gom hơn 68.000kg rác tài nguyên, gây quỹ an sinh hơn 400 triệu đồng. Chị Đỗ Thị Vân (chi hội Phụ nữ Thuận An 1, phường Xuân Hà) cho biết, mô hình bình hoa an sinh xã hội của chi hội duy trì được nhiều năm qua, mỗi năm gây quỹ hơn 6 triệu đồng để giúp phụ nữ đơn thân, trẻ em mồ côi, phụ nữ bệnh tật đột xuất tại khu dân cư, thực hiện buổi sáng 0 đồng. Hoạt động ý nghĩa này khích lệ cổ vũ tinh thần của người dân trong các phong trào về môi trường.
Tập trung nguồn lực xây dựng quận môi trường
Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Thanh Khê, qua 3 năm triển khai đề án “Xây dựng Thanh Khê - Quận môi trường giai đoạn 2021 - 2030”, được sự quan tâm của thành phố và sự chỉ đạo của Quận ủy, công tác quản lý bảo vệ môi trường tại địa phương đạt nhiều kết quả tích cực. Hạ tầng thoát nước và xử lý nước thải đồng bộ với việc triển khai các dự án; các điểm nóng về ô nhiễm môi trường ở sông Phú Lộc, kênh hở Phần Lăng về cơ bản được xử lý. Việc triển khai đề án có sự tham gia phối hợp chặt chẽ của Ủy ban MTTQ Việt Nam quận, các tổ chức chính trị - xã hội quận, nhất là tập trung phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; giảm rác thải nhựa… với nhiều nội dung và hình thức phong phú, góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình.
Công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường được các đơn vị, phòng, ban thực hiện nghiêm túc, qua đó đã phát hiện và xử lý kịp thời đối với các hành vi vi phạm. Tỷ lệ xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường của người dân được giải quyết kịp thời 100%.
Bà Lê Thị Thành Huyên, Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Thanh Khê cho biết, thời gian đến, phòng tham mưu UBND quận duy trì, nhân rộng các mô hình có hiệu quả; tập trung nguồn lực để đầu tư, cải tạo cảnh quan, vệ sinh môi trường khu vực đường biển Nguyễn Tất Thành, các hồ còn lại và lô đất trống dọc tuyến đường sắt Bắc -Nam. Đồng thời, tăng cường quản lý chất thải rắn đô thị, trong đó tập trung phân loại chất thải rắn tại nguồn theo chủ trương chung của thành phố, hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường; ngăn ngừa, kiểm soát môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở trên địa bàn quận; chủ động xử lý, khắc phục sự cố môi trường sau thiên tai, ngập lụt xảy ra trên địa bàn quận.
NGỌC HÀ