Kiến tạo môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em

.

Qua 3 năm thực hiện đề án “Xây dựng thành phố Đà Nẵng an toàn - không bạo lực với phụ nữ và trẻ em, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2035” (đề án 1006), công tác phòng chống bạo lực gia đình, phụ nữ và trẻ em có nhiều chuyển biến tích cực. Các cấp, ngành, địa phương chủ động vào cuộc, xây dựng các mô hình về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, tạo ra môi trường sống an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em.

Theo Ban điều hành đề án 1006, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương duy trì, phát triển tốt các cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực phụ nữ và trẻ em, như: Trung tâm Công tác xã hội (thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội), Trung tâm Tư vấn pháp luật và hỗ trợ kết hôn có yếu tố nước ngoài (thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố), các trung tâm y tế và địa chỉ tin cậy tại cộng đồng… Các cơ sở này có chức năng chăm sóc, tư vấn, bố trí nơi tạm lánh, hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực.

Trong đó, Trung tâm Tư vấn pháp luật và hỗ trợ kết hôn có yếu tố nước ngoài và mạng lưới cán bộ tư vấn tích cực tư vấn pháp luật cho 40 trường hợp thuộc các lĩnh vực hôn nhân gia đình, phòng chống bạo lực (có 12 phụ nữ và 2 trẻ em bị bạo lực, xâm hại). Bên cạnh đó, thông qua các tổ hòa giải ở cơ sở, công tác tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực cũng phát huy hiệu quả. Hiện trên địa bàn thành phố có 1.212 tổ hòa giải với 2.785 hòa giải viên nữ. Trong 3 năm đã phối hợp các lực lượng chức năng thực hiện hòa giải thành công 118 vụ việc liên quan đến hành vi bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.

Trên cơ sở nhiệm vụ được giao tại đề án 1006, các sở, ngành, địa phương chủ động vào cuộc, chỉ đạo hệ thống ngành dọc và địa phương mình xây dựng các mô hình về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực. Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao) Lê Thị Thu Trang cho biết, sở chỉ đạo phòng văn hóa - thông tin các quận, huyện nhân rộng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương. Đến nay, 56/56 phường, xã trên địa bàn thực hiện mô hình và duy trì các hoạt động tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình tại các tổ dân phố, thôn; hòa giải, tư vấn cho các hộ gia đình có tình trạng bạo lực gia đình nhằm góp phần đẩy lùi tình trạng này tại cơ sở.

Bên cạnh đó, sở biên soạn, in và phát hành 135.000 tờ gấp tuyên truyền về bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình phân phát cho quận, huyện, phường, xã. Ngoài ra, tổ chức gần 50 buổi truyền thông về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, lớp tập huấn triển khai bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tại các địa phương. “Các hoạt động trên góp phần hạn chế tình trạng bạo lực gia đình trên địa bàn thành phố. Số vụ bạo lực gia đình năm sau giảm so với năm trước và được cơ quan chức năng xử lý kịp thời”, bà Trang cho hay.

Thông qua các tổ chức đoàn thể, nhiều phong trào, mô hình, CLB liên quan đến phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em được ra đời và duy trì hoạt động nền nếp, góp phần giữ vững an ninh trật tự tại địa phương. Đặc biệt, Công an thành phố và các địa phương phát huy hiệu quả các mô hình “Phụ nữ nói không với cờ bạc, số đề” (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu), “Nhà trọ 3 phòng” (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu), “4 tự quản” (phường Nam Dương, quận Hải Châu); CLB “Gia đình không có người vi phạm pháp luật”…

Trên cơ sở chỉ đạo của UBND thành phố, các sở, ngành, đơn vị, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về công tác bình đẳng giới, nhất là công tác phòng, chống xâm hại, bạo lực phụ nữ và trẻ em. Hằng năm, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố định kỳ triển khai giám sát các nhóm vấn đề về phòng chống bạo lực phụ nữ và trẻ em; giám sát hoạt động của nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập dân lập và tư thục trên địa bàn. Qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý những sai sót, khó khăn, vướng mắc trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Lương Thị Đạo, trong thời gian tới, Ban điều hành đề án 1006 tiếp tục duy trì, nhân rộng và nâng cao hiệu quả các mô hình, cơ sở cung cấp dịch vụ phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em. Cùng với đó, tiếp tục đầu tư các hạng mục giao thông công cộng bảo đảm an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em; quan tâm và chú trọng việc xây dựng, bố trí, tạo thêm không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em trong môi trường sống và môi trường làm việc. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết đơn, thư, khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh thực hiện cơ chế phối hợp liên ngành; kịp thời nắm bắt và giải quyết các vấn đề bức xúc của phụ nữ; kiến nghị và xử lý nghiêm theo pháp luật các hành vi bạo lực, mua bán, xâm hại phụ nữ, trẻ em.

THIÊN DUYÊN

;
;
.
.
.
.
.