Lan tỏa những hình ảnh đẹp

.

Giữa tháng 6, chị Nguyễn Thị Hà và chị Huỳnh Thị Hồng, công nhân Xí nghiệp Môi trường sông biển (thuộc Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng) nhặt được điện thoại của du khách đánh rơi; đây cũng là hai trong nhiều trường hợp nhặt được của rơi, trả lại chủ sở hữu tạo nên hình ảnh đẹp trong mắt du khách khi đến Đà Nẵng.

Công nhân trao trả lại điện thoại bị đánh rơi cho người sở hữu.  Ảnh: Xí nghiệp Môi trường sông biển
Công nhân trao trả lại điện thoại bị đánh rơi cho người sở hữu. Ảnh: Xí nghiệp Môi trường sông biển

Chị Nguyễn Thị Hà làm công nhân vệ sinh gần 20 năm nay và được phân công phụ trách bãi biển Sao Biển (quận Ngũ Hành Sơn). Mỗi sáng, công việc của chị thường bắt đầu từ lúc 4 giờ cho đến trưa và chiều từ lúc 14 giờ đến chiều tối. Chị Hà nhớ lại, lúc khoảng 4 giờ 30 khi đang thu gom rác ở bãi biển, chị thấy một chiếc điện thoại có cắm dây sạc nằm trên bờ. Chị nhặt lên nhưng không thấy điện thoại còn pin để hiển thị thông tin. Sau đó, chị báo với xí nghiệp về tài sản nhặt được và các thành viên trong đội, xí nghiệp đã đến sạc điện thoại. Khoảng 30 phút sau, điện thoại reo chuông từ cuộc gọi đến từ người bạn của người đánh rơi chiếc điện thoại này. Sau quá trình xác minh, xí nghiệp đã liên hệ với chủ nhân của chiếc điện thoại trả lại cho người bị đánh rơi.

Qua tìm hiểu, được biết dù ngày mưa gió hay nắng gắt, chị Hà luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc của mình. Những khi có mưa lớn hoặc sau các đợt bão, lũ, công việc của công nhân môi trường như chị càng thêm vất vả. Bãi biển Sao Biển cũng là nơi mà chị 5 lần nhặt được của rơi và trả lại người mất. Ngoài lần nhặt được vật đánh rơi này, trước đó vào đầu tháng 6, cũng trong lúc đang làm việc, chị đã nhặt được các vật dụng và kèm theo chiếc điện thoại. Ngay sau đó, chị đã tìm thông tin và đến tận nơi để trả lại cho người làm rơi.

“Tôi không nghĩ ngợi gì nhiều mỗi khi phát hiện đồ vật có giá trị bị đánh rơi, bởi tôi hiểu được sự lo lắng và khó khăn của người đánh rơi tài sản, đặc biệt là những loại giấy tờ tùy thân và điện thoại di động. Hầu hết những người sở hữu đồ vật đánh rơi đều là khách du lịch đến từ các tỉnh, thành phố khác. Có đôi lúc người ta cảm ơn tôi bằng một số tiền nào đó nhưng tôi đều nhất quyết không nhận. Đơn giản vì niềm vui khi nhận lại vật đánh rơi của mọi người cũng là niềm vui của tôi”, chị Hà nói.

Cũng như chị Hà, trong ngày 17-6, trong khi đang dọn vệ sinh trên bãi biển Phạm Văn Đồng (quận Sơn Trà), chị Huỳnh Thị Hồng đã nhặt được 1 chiếc điện thoại di động trị giá khoảng 20 triệu đồng. Chị Hồng kể, như mọi ngày, công việc của chị cũng bắt đầu lúc 4 giờ sáng, khi mọi người đi tập thể dục buổi sáng cũng là lúc chị bắt đầu công việc của mình. Ngay sau khi nhặt chiếc điện thoại, khoảng 30 phút sau, chị đã nhanh chóng liên hệ và trả lại chủ sở hữu chiếc điện thoại bị đánh rơi.

“Vì sự cần thiết và quan trọng của chiếc điện thoại di động với mỗi người nên tôi chỉ mong tìm lại được chủ nhân càng sớm càng tốt. Hơn 24 năm làm nghề này, tôi đã nhặt và trả lại vật đánh rơi gần 10 lần cho mọi người. Lần này thì cũng như các lần trước, đối với lần này cũng hết sức bình thường. Nhìn thấy những bãi biển sạch đẹp, tôi cảm thấy tự hào vì mình đã góp phần nhỏ công sức để tạo nên khung cảnh cũng như sự yêu mến cho khách du lịch khi đến với Đà Nẵng thông qua những việc trả lại tài sản như thế này”, chị Hồng chia sẻ.

Ông Nguyễn Xuân Hòa, Giám đốc Xí nghiệp Môi trường sông biển cho biết, do đặc thù công việc nên công nhân môi trường có thể nhặt được của rơi. Có rất nhiều những câu chuyện các công nhân nhặt được vật đánh rơi, hỗ trợ cho du khách hằng ngày được lan tỏa trên các trang mạng xã hội. Những việc làm tuy nhỏ nhưng đã góp phần xây dựng thương hiệu cho thành phố du lịch, là một đại sứ du lịch, lan tỏa đi những điều tốt đẹp. Đối với nhiều tài sản có giá trị như điện thoại, ví tiền, giấy tờ tùy thân…, khi chưa có người nhận kịp thời, đội và xí nghiệp luôn quán triệt cho công nhân mang về để xác minh và báo cơ quan chức năng để liên hệ đúng người đánh rơi, tránh các trường hợp mạo nhận.

Nhiều công nhân khi nhận được của rơi, trả lại người mất nhưng không hề báo lại với đội vì họ cho rằng đây là việc bình thường nên làm. Trước việc làm của 2 chị công nhân, việc khen thưởng được công ty triển khai nhanh chóng, kịp thời vừa mang tính động viên, khích lệ người lao động, vừa góp phần lan tỏa những hành động đẹp để mọi người làm theo trong toàn thể công nhân của xí nghiệp, công ty.

TRẦN TRÚC

;
;
.
.
.
.
.