Nhà báo tặng sách và đọc sách

.

Sau tháng 4-2024, tháng có ngày Hội sách và văn hóa đọc, đúng dịp kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam  21- 6, có thêm lời trần tình, tạm coi là thư ngỏ “tặng và đọc sách” của nhà báo, nhà văn Trần Gia Thái, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Xin có mấy lời bàn thêm.

Tác giả bài viết (bên trái) gặp và phỏng vấn nhà báo, nhà văn lão thành Phan Quang tại thư phòng của ông trên phố Đặng Văn Ngữ, Hà Nội.
Tác giả bài viết (bên trái) gặp và phỏng vấn nhà báo, nhà văn lão thành Phan Quang tại thư phòng của ông trên phố Đặng Văn Ngữ, Hà Nội.

Nguyên văn lời trần tình của nhà văn Trần Gia Thái trên trang cá nhân: “Mới đây thôi, tình cờ tôi nhặt được một cuốn sách thơ dày gần 400 trang, không phải sách đánh rơi mà nó bị vứt vào lùm cây và rác ven đường. Mưa ướt, đất bụi đã làm ố vàng nhiều trang. Thấy sách dày, in đẹp tôi tò mò cầm xem và giật mình. Tác giả sách là nhà báo đồng nghiệp mà tôi rất thân. Mở trang đầu xem tặng ai, tôi lại ngạc nhiên. Người được tác giả ký tặng là nhà báo - nghệ sĩ mà tôi cũng thân quen. Buồn, thực sự buồn”.

Trần Gia Thái viết tiếp: “Nhìn cuốn sách vứt bỏ nơi xú uế tôi chạnh lòng xa xót như chính sách của mình bị bạc đãi, ruồng bỏ. Tôi nghĩ người vứt bỏ cuốn sách đáng trách, nhưng tác giả sách còn đáng trách hơn vì đã tặng sách cho người không trọng sách. Xin nhớ rằng, cố nhân đã dạy hãy chọn bạn mà chơi. Và cũng hãy chọn người mà tặng sách vậy”.

Lời ngỏ của  Trần Gia Thái đủ thấy ông rất tâm trạng và buồn. Đã có hàng trăm đồng nghiệp, bạn hữu comment,  lời bàn chua chát, sâu cay, nhìn người mà ngẫm đến số phận những cuốn sách ta quý đã mang biếu tặng. Có một đồng nghiệp còn kể lại chuyện anh ấy tặng sách hay của chính mình cho bạn. Một bữa, ghé nhà bạn chơi cũng là đồng nghiệp báo chí, ngồi lâu lại bơm vào người mấy lon bia, anh ấy vào cái nơi cần vào - nơi mà chính nhà vua cũng phải đi bộ, thì ôi thôi, cuốn sách quý mà anh ta tặng bạn nằm chổng chơ trong đó. Anh bạn chột dạ  phân trần, rằng  do anh ấy bị táo bón, mỗi lần vào đấy phải  ngồi lâu nên mang sách bạn vào tranh thủ thời gian đọc nhâm nhi (?).

Quả là văn hóa đọc trong giới báo chí - văn chương cũng có quá nhiều chuyện cười chảy nước mắt. Đành rằng chuyện không trọng sách, xú uế những cuốn sách được ký tặng như nhà văn Trần Gia Thái đã nêu không phải phổ biến. Thực tế,  thời đại 4.0 có một bộ phận cư dân không nhỏ trong xã hội, có những bậc trí thức học hàm học vị đàng hoàng nhưng  ít chịu khó  tích lũy tri thức từ sách. Khảo sát tại một trường đại học về một cuốn sách hay nổi tiếng, có 70 - 80 % cô thầy chưa nhìn thấy cuốn sách đó, nên làm gì có chuyện đọc nó, tiếp xúc với nó. “Đắc Nhân Tâm” cuốn sách “làm thay đổi cuộc đời” của  tác giả Dale Carnegie là cuốn sách hay, bàn về đạo đức doanh nhân, nhà buôn cũng lắm công phu, mưu lược, mẹo kiếm tiền sạch từ kinh doanh - gốc của tri thức và thực hành kinh doanh. Vậy mà khi khảo sát việc đọc sách, yêu sách tại một tập đoàn kinh doanh bất động sản, quá nửa nhân viên tập đoàn này chưa  biết đến “Đắc Nhân Tâm”.

Nhà văn nhà báo, nhà dịch thuật Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam  là  bậc trí thức tiêu biểu yêu thành phố Đà Nẵng và biển, sông Hàn. Ông là chàng rể của xứ Quảng,  thân phụ ông  qua đời trước năm 1975, an nghỉ ngàn thu tại Đà Nẵng bên cồn cát trắng, mãi sau này ông mới quy tập phần mộ thân phụ về quê nhà, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, bên dòng sông Nhùng. Yêu xứ Quảng, có nhiều kỷ niệm đẹp với Đà Nẵng, Phan Quang không chỉ viết nhiều ký sự, bút ký về Đà Nẵng mà còn là nhà sựu tập những cuốn sách quý  về  xứ Quảng.  Ông là một mẫu mực lưu giữ sách, trọng sách, yêu sách và đọc nhiều sách.

Cách đây chưa lâu, tôi tham gia sự kiện giới thiệu sách một bậc trí thức Hà Thành, thầy giáo cũ Trần Bá Lạn. Sau sự kiện đó, tôi tới ngõ 6, phố Đặng Văn Ngữ thăm nhà báo, nhà văn, học giả  lão thành Phan Quang, 95 tuổi đời. Ngày cuối tuần, ông và vợ chồng cô con gái rượu đang ngồi phân chia các loại sách, có những bộ sách rất quý, Việt ngữ,  Anh ngữ, Pháp ngữ, do Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, học giả Nguyễn Hiến Lê; Chủ tịch Hội nhà văn Pháp, Nga, Đức, Mỹ, Anh, Czech và Slovakia … ký tặng. Ngoài số sách, ông giao cho các con cháu lưu giữ, số còn lại ông sẽ biếu tặng các thư viện của trung ương và Hà Nội, thư viện – tủ sách  Quảng Trị, quê hương của ông; xứ Quảng vùng đất ông yêu quý. Phan Quang không vứt bỏ cuốn nào, sách được bạn bè, đồng nghiệp biếu tặng, ông phân loại gửi đến những  những địa chỉ cần thiết, nơi quý sách, trọng sách.

Cùng với nhà báo, nhà văn Thái Duy - Trần Đình Vân (1926 - 2024); nhà báo, nhà văn Phạm Hồng  (1930 - 2024) cũng là những người yêu sách, trọng sách đến lạ. Cả hai lão thành đồng nghiệp 75 năm tuổi Đảng ra tuyên ngôn từ khi mới vào nghề “Suốt đời tôi chỉ làm phóng viên”. Hai đồng nghiệp chống gậy, mang ba lô vượt Trường Sơn ra trận, kèm theo những cuốn sách gối đầu giường. Lúc ngã võng trên những cánh rừng Trường Sơn là đưa sách ra đọc. Thái Duy nhật ký: “Sách như cơm ăn nước uống, sách là không khí để thở. Thiếu sách, đói sách là coi như thiếu ăn, thiếu không khí để thở”. Tuổi ngoại cửu thập, ông vẫn đọc sách, nhật ký sách. Tác phẩm “Sống như Anh”, tập truyện ký về anh hùng Nguyễn văn Trỗi tái bản hơn 30 lần, dịch ra nhiều thứ tiếng; các tác phẩm báo chí đặc sắc của Thái Duy về khoán hộ - người nông dân đồng bằng và trung du một nắng hai sương thời “Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc”  là sự  kết tinh tiêu biểu cả trí tuệ và đạo đức làm nghề của một nhà báo, nhà văn yêu sách, trọng nghề không màng danh lợi “suốt đời chỉ làm phóng viên”.

Nhà báo, nhà văn  Phạm Hồng - Phạm Phú Bằng là con trai Tổng đốc Bình Phú (Bình Định và Phú Yên) dưới triều vua Bảo Đại. Phạm Hồng bỏ lại phía sau ánh hào quang con trai  đại thần  đi kháng chiến theo tiếng gọi của Bác Hồ làm phóng viên mặt trận, cây bút phóng sự đa tài, giỏi nhiều ngoại ngữ  của tờ báo lính - Báo Quân đội Nhân dân. Ông về cõi tiên tháng 3 năm 2024, gia tài để lại cho đời là những cuốn sách do ông viết, một gian nhà sách ngót nghét 5.000 cuốn, cuốn nào cũng để lại dấu ấn “nhật ký” đọc sách của chủ nhân. 

Nhà báo, nhất là các nhà báo trẻ  không thể không đọc sách. Không có sách sẽ không có tri thức. “Trong sách chi chi cũng có” (học giả Nguyễn Hiến Lê).  Sách là tài sản vô giá, quý hơn cả vàng và kim cương như các nhà báo, nhà văn Phan Quang, Thái Duy, Phạm Hồng… đã từng nói. Chuyện nhà báo tặng sách, trọng sách, yêu sách và đọc sách mỗi ngày theo các gương sáng tiêu biểu từ các bậc tiền bối là  chuyện không của riêng ai trong giới báo chí và trong xã hội yêu sách, thượng tôn văn hóa đọc. 

Tháng 6-2024

PHẠM  QUỐC TOÀN

;
;
.
.
.
.
.