Nhà báo thời 4.0: Cạnh tranh với… bạn đọc

.

Có thể nhìn thấy “sức sống” của báo chí hiện nay qua hệ thống bán lẻ. Thí dụ, con đường Thích Quảng Đức (quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh) nơi tôi ở dài 0,8km, chừng 30 năm trước có gần 10 sạp báo, nay tất cả đã đóng cửa. Con đường Lý Chính Thắng (quận 3) thời còn trụ sở Báo Tuổi Trẻ, Phụ Nữ, chi nhánh Báo Lao Động và Xã hội ở phía Nam… một thời các sạp báo mọc lên nhiều vô số, 4 giờ sáng đã nhộn nhịp các đại lý đến nhận số báo mới, nay chỉ còn 1 sạp, như người bán cho biết là họ không còn trẻ để chuyển nghề khác. Ở các tỉnh, thành phố khác, có lẽ tình hình cũng tương tự.

Bạn đọc với Hội Báo xuân thành phố Đà Nẵng năm 2024. Ảnh: ANH DUY
Bạn đọc với Hội Báo xuân thành phố Đà Nẵng năm 2024. Ảnh: ANH DUY

Nhà báo không còn “độc quyền” thông tin   

Một trong những nguyên nhân chính là do nhà báo không còn “độc quyền” thông tin, nhận định thông tin. Sự thật này dẫn đến thực trạng, tôi nghĩ nhà báo phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn trước. Họ đang gặp phải một lực lượng cạnh tranh khốc liệt, đó chính là bạn đọc.

Trước đây, nhà báo được xã hội trọng vọng, tôn sùng bởi họ là người cung cấp, thậm chí “ban phát” thông tin. Nay thì giữa họ và bạn đọc đã, đang và sẽ luôn chạy đua về thông tin. Tất cả đều “bình đẳng” và đều có quyền chủ động khi muốn truyền tải thông tin nào đó. Do “đối thủ” của nhà báo chính là bạn đọc nên nhà báo không thể “hoàn thành nhiệm vụ” nếu chỉ dừng lại ở phản ánh, đưa tin bàng quan như một công chức ăn lương.

Thời tôi mới chân ướt chân ráo vào nghề, được tòa soạn phân công viết văn hóa, văn nghệ, trưởng ban làm việc với phóng viên qua quyển sổ “báo cáo tuần”. Người theo dõi lĩnh vực nào thì hằng tuần phải báo cáo các sự kiện, vụ việc diễn ra trong lĩnh vực đó, trưởng ban sẽ trao đổi, phân công và chỉ định đề tài cần thực hiện cho số tới.

Muốn có đề tài thời sự, phóng viên phải đi, phải la cà cùng văn nghệ sĩ, phải xuống tận các cơ sở văn hóa. Nay thì không cần phải như thế, bởi đã có nhiều cách thu thập thông tin mới mà không cần phải bước chân ra khỏi cửa. Rõ ràng, nay thuận lợi hơn nhiều.

Nhà báo thời đó oách ghê gớm. Một vở diễn, một bộ phim có thể “thắng” hoặc “thua” tùy thuộc vào cách nhận định, đánh giá của nhà báo. Nay thì không thể, vì rằng, bạn đọc có nhiều cách tiếp cận với tác phẩm đó chứ không chỉ từ kênh báo chí “chính thống”. Do đó, nhà báo không thể “múa gậy vườn hoang” như trước.

Nói một cách sòng phẳng, lực lượng bạn đọc cũng là “nhà báo” đó thôi. Nếu không thay đổi suy nghĩ, cứ nghĩ mình là nhà báo “thứ thiệt”, độc quyền ban phát thông tin thì nhầm chết. Chính vì cái sự nhầm đáng tiếc đó mà không ít nhà báo, không riêng gì viết ở mảng văn hóa, văn nghệ chuyên “copy, paste”.

Không gì ngao ngán hơn, bẽ bàng hơn khi trên mặt báo xuất hiện những thông tin chỉ sao chép từ thông cáo báo chí, vô thưởng vô phạt, “ăn theo nói leo”, không có quan điểm cá nhân. Hơn nữa, phải thừa nhận, một số nhà báo không cập nhật kiến thức, không tự học nên đã không bằng bạn đọc, nhất là những bạn đọc có chuyên môn.

Tồn tại hay không tồn tại?

Đối với báo chí nói chung, chưa bao giờ câu nói “To be, or not to be” (Tồn tại hay không tồn tại?) của nhân vật hoàng tử Hamlet trong vở bi kịch của William Shakespeare lại vang vọng đau đáu đến thế. Thay đổi thế nào để tồn tại?

Hiện nay, có một cụm từ đã trở nên phổ biến là “chuyển đổi số”, trở thành điều tâm huyết của anh em báo chí. Nếu được phát biểu, tôi trộm nghĩ rằng, chuyển đổi thế nào thì yếu tố nhanh nhạy và chính xác vẫn là điều cốt lõi. Bởi tôi nghĩ, báo chí vẫn còn “đất sống” là ở chỗ hiện nay, thông tin trên mạng xã hội hầu hết chỉ là thông tin căn bản, chưa sâu, hơn nữa lại lắm tin giả, tin câu view không đúng bản chất hoặc “có ít xít ra nhiều”.

Khi đặt mình trước hết phải “cạnh tranh” với bạn đọc, chính bạn đọc trở thành “đối thủ” thì buộc nhà báo phải nỗ lực nhiều hơn trong quá trình tác nghiệp để mang đến những thông tin chính xác và hữu ích cho người đọc.

Để giữ và khai thác được “đất sống” của mình, không còn cách nào khác, nhà báo phải tự học nhiều hơn nữa, bằng mọi cách nâng cao kiến thức, sự am tường về lĩnh vực mà mình được phân công theo dõi. Thí dụ, một nhà báo chuyên nhận định sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, sách… không thể có kiến thức bằng người trong nghề nhưng vẫn có thể bàn luận, nhận định về sự việc nào đó nếu họ có trình độ nhất định.

Như đã nói, “đối thủ” của nhà báo chính là bạn đọc nên nhà báo không thể “hoàn thành nhiệm vụ” nếu chỉ phản ánh, đưa tin. Nhà báo còn phải là một nhà bình luận nữa.

Nhanh nhạy là đúng, nhưng sau sự kiện, nếu có thêm bài báo phân tích thấu đáo thì bạn đọc vẫn cần. Bạn đọc vẫn cần những cây bút. Theo tôi, hiện nay, báo chí nước nhà đang thiếu những tên tuổi tạo ra dấu ấn cỡ như Hữu Thọ (bình luận chính trị, xã hội), Chánh Trinh (bóng đá), Tư Trời Biển, Kỳ Lâm, Ba Thợ Tiện (bàn chuyện đời), Trần Trọng Thức (kinh tế)… Mà, tôi đã thấy trên mạng xã hội, khá nhiều người đã có ý thức tạo ra “thương hiệu” đó rồi.

Và, một trong những thao tác cần thiết của nhà báo chuyên nghiệp thời “chuyển đổi số” vẫn là làm tốt công tác tư liệu. Nhiều người cho rằng, chỉ cần một cú nhấp chuột thì thông tin hằng hà sa số, tha hồ chọn thì hà cớ gì phải làm cái việc tủm mủn, nhọc công ấy? Không đâu.

Xin nêu một ví dụ: Tại sao ai đó không phải nhà báo nhưng hễ đưa ra thông tin thì luôn tạo được sự quan tâm từ bạn đọc? Đơn giản chỉ vì thông tin đó “độc” và “lạ”, lần đầu công bố chứ không phải lấy từ trên mạng. Nhà báo cũng sẽ như thế. Nếu có ý thức làm công tác tư liệu từ lúc mới vào nghề cho đến hết đời làm báo, nhà báo sẽ có kho tư liệu riêng không “đụng hàng” với bất kỳ ai.

Bàn về làm báo bao giờ cũng là câu chuyện dài, khó đạt đến sự đồng thuận của mọi người. Thế nhưng, dù thế nào, tôi vẫn giữ quan điểm rằng, dù có “chuyển đổi số” đi nữa, vẫn còn đó bài học rất cũ, rất xưa. Đó là, nhà báo đứng ở đâu, bằng tâm thế gì khi cung cấp thông tin cho bạn đọc? Tùy thuộc vào câu trả lời, ta sẽ tự biết trong lộ trình “chuyển đổi số”, mình sẽ theo kịp, thích ứng hay sẽ bị đào thải.

Trong vấn đề này, một trong những yếu tố đầu tiên cần thay đổi: Bạn đọc cần thông tin nhưng chính họ cũng là người chủ động đưa thông tin theo cách của họ, và họ hoàn toàn có quyền làm việc đó trên trang cá nhân. Vậy, làm thế nào để có thể “cạnh tranh” lại với thông tin đó? Vấn đề tôi vừa nêu ra, chỉ là một gợi mở mà chúng ta cần bàn sâu hơn.

LÊ MINH QUỐC

;
;
.
.
.
.
.