Những trái tim "say" nghề báo

.

Suốt chặng đường gần một thế kỷ ra đời, phát triển và trưởng thành (1925-2024), báo chí cách mạng Việt Nam đã khẳng định được tầm quan trọng, là lĩnh vực luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân đặc biệt quan tâm. Để có được vị trí đó, cần có những người làm nghề báo trung thực, yêu nghề và say mê cống hiến.

Không chỉ cần nhanh và chính xác, người làm báo hiện đại còn cần rất nhiều kỹ năng để có thể thích nghi kịp với sự phát triển chung của toàn xã hội nhưng vẫn phải giữ được trái tim yêu nghề và đức tính trung thực. Cũng như những lĩnh vực khác, nghề báo hiện nay đang có thế hệ phóng viên trẻ đầy nhiệt huyết và đam mê đúng với truyền thống “tre già, măng mọc”. Nhân kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6, Báo Đà Nẵng gửi tới quý độc giả những lời tâm sự về chuyện nghề của những phóng viên, cán bộ công tác trong lĩnh vực báo chí.

Phóng viên Cao Nguyên, Đài Phát thanh và Truyền hình Sơn La:

Nỗ lực, cố gắng dù ở bất cứ đâu

Sau khi ra trường, tôi ngay lập tức nghĩ đến việc trở về quê hương làm việc và cống hiến. Báo chí là  ngành vất vả, và càng khó khăn hơn khi làm việc tại các tỉnh miền núi Tây Bắc như Sơn La. Trong những chuyến công tác đến các thôn bản xa xôi, đường xá, điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, thậm chí là nguy hiểm, ảnh hưởng không nhỏ đến công việc chung. Tuy nhiên, tôi và những người đồng nghiệp của mình luôn phải cố gắng khắc phục để mang đến những thông tin, hình ảnh chân thực nhất. Công tác tại vùng cao chưa bao giờ là dễ dàng, tuy nhiên mình cần phải thích nghi, không kêu ca, phàn nàn thì mới có thể đi cùng nghề lâu dài được.

Giảng viên Nguyễn Xuân Miên, Khoa Báo chí & Truyền thông, Trường Cao đẳng Truyền hình:

Báo chí luôn cần đổi mới, bắt kịp xu thế xã hội

Ở lứa sinh viên thế hệ 8x, 9x, các bạn rất chăm chỉ, nhiệt huyết, tập trung vào chuyên môn chính. Còn đối với sinh viên báo chí lứa tuổi 10x hiện nay, các bạn rất năng động, sáng tạo, ham học hỏi những kỹ năng mới để phục vụ cho học tập cũng như công việc. Để bắt kịp thời kỳ chuyển đổi số, bản thân người giảng viên cũng như tập thể nhà trường đã có nhiều thay đổi lớn với mong muốn công tác giảng dạy vừa hiệu quả, vừa hợp thời đại. Ngoài ra, việc tiếp cận và sử dụng những công cụ, thiết bị, công nghệ hiện đại trong giảng dạy giúp cả thầy và trò đạt được hiệu quả cao hơn trong việc tiếp thu kiến thức và thực hành. Hy vọng rằng các bạn, những người làm báo sẽ luôn giữ lửa đam mê để cống hiến và gắn bó với nghề, mang lại giá trị tốt đẹp tới cộng đồng.

 

Tiến sĩ Nguyễn Văn Thiệu, giảng viên ngành Truyền thông đa phương tiện, Đại học Thăng Long:

Ngòi bút chân chính luôn là vũ khí sắc bén

Tôi từng công tác giảng dạy các môn học thuộc ngành Truyền thông đa phương tiện tại Đại học Thăng Long. Ngoài ra, tham gia viết bài chuyên môn cho một số tờ báo. Là người trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực báo chí và làm công tác giảng dạy, đào tạo những phóng viên, nhà báo tương lai, đứng trước sinh viên tôi luôn nhắn nhủ tới các em rằng khi đã quyết định gắn bó và đi trên con đường này, dù có nhiều khó khăn nhưng hãy yêu công việc, hãy nói, hãy làm những điều chân chính để nghề báo luôn được tôn trọng. Sẽ có những cám dỗ, những cạm bẫy, nhưng tất cả chúng ta, những người làm nghề báo, phải cố gắng giữ được cái đầu lạnh, sự tỉnh táo, không để những tiếng mời gọi của vật chất tác động tiêu cực. Ngòi bút chân chính luôn là vũ khí sắc bén trong việc tuyên truyền, phát huy sức mạnh dân tộc và người làm báo là những chiến sĩ tiên phong. 

Phóng viên Tô Công, Báo Lao Động:

​​​​​​​Đa năng hơn,hiện đại hơn

Tôi chọn nghề báo vì đam mê. Tôi nghĩ các đồng nghiệp đang gắn bó với nghề báo sẽ cùng có câu trả lời giống tôi. Trong thời buổi bùng nổ về công nghệ, mạng xã hội như hiện nay, các cơ quan báo chí đang tích cực thích nghi, bản thân người làm báo cũng sẽ phải tự trau dồi kỹ năng nghiệp vụ, kỹ năng sử dụng công nghệ, thậm chí là kỹ năng truyền thông tác phẩm của mình trên mạng xã hội... Có nghĩa là phải đa năng hơn, hiện đại hơn. Để làm được điều đó chắc chắn phải có niềm đam mê với nghề.

Với bản thân tôi, tôi nghĩ khó khăn lớn nhất là thời điểm khi mới ra trường và chập chững bước vào nghề. Tôi đã thấy không ít người phải từ bỏ ở giai đoạn này, vì “vốn liếng” để có thể bắt nhịp với sự năng động, phát triển của báo chí cần nhiều hơn tưởng tượng. Lúc đó hay kể cả bây giờ tôi tự thấy mình thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức xã hội, thiếu quan hệ xã hội... Để giải quyết vấn đề trên, ngoài việc tự trau dồi kiến thức, kinh nghiệm, bản thân tôi đã tìm và học hỏi các đàn anh, đàn chị đi trước tại các cơ quan báo chí lớn. Với tôi, những người thầy “không đứng trên bục giảng” rất quan trọng trong quá trình phát triển bản thân, quá trình làm nghề.

Tôi có lời khuyên cho những bạn đam mê nghề báo là dù có đôi lúc có thể các bạn sẽ cảm thấy mông lung, nhưng hãy kiên trì giữ lửa đam mê, tìm cho mình những người thầy giỏi để học tập. Đó chính là những phóng viên, nhà báo uy tín trong các cơ quan báo chí uy tín và đừng vội nghĩ đến thu nhập mà trước tiên hãy chăm chú với những gì mình học hỏi được để phát triển bản thân trước.

NGỌC PHƯƠNG

 

;
;
.
.
.
.
.