Phía sau người bộ hành

.

Hành trình bộ hành của ông Lê Anh Tú, có tên tu hành là Thích Minh Tuệ, đã tạm dừng. Nhưng đây cũng là thời điểm để quan tâm đến những vấn đề nảy sinh từ việc này.

Khoản 3, Điều 6 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định: “Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo”. Việc ông Thích Minh Tuệ bộ hành để “tập học” theo lời dạy của Phật, “tự tu” theo hạnh đầu đà là quyền của công dân Việt Nam. Quá trình 6 năm tu tập, từng 3 lần bộ hành từ Nam ra Bắc và ngược lại, đến năm 2024 mới được nhiều người biết đến qua các trang mạng xã hội. Cách tu hành của ông, cách xưng hô, đối đáp gây thiện cảm trong một bộ phận cộng đồng mạng và người dân. Có thể nói, việc tu hành của ông Thích Minh Tuệ được nhiều người ngưỡng mộ, khâm phục nghị lực, ý chí, niềm tin tôn giáo của ông.

Trong cuộc sống nhiều áp lực hiện nay, trong tâm khảm mỗi người đều khao khát đạt được tâm hồn trong sạch, hướng thiện, lối sống đơn giản, không phô trương, không chạy theo các giá trị vật chất, cư xử đạo đức, có văn hóa. “Hiện tượng Thích Minh Tuệ” đã tạo nên niềm cảm hứng mới, đồng cảm với niềm tin nội tâm hướng thiện, củng cố thêm niềm tin vào tín ngưỡng, tôn giáo của mỗi người. Nhìn từ một khía cạnh cụ thể, có thể thấy Đạo và Đời đang hòa quyện vào nhau, qua việc nhiều người âm thầm đứng bên đường, tay cầm đóa sen, hướng về những bước chân của ông Thích Minh Tuệ ; với việc trang phục phấn tảo y được lấy cảm hứng để các nhà tạo mẫu thời trang đưa vào thiết kế cho nhiều sản phẩm. Chắc chắn rằng còn có nhiều người đã “thu hoạch” được nhiều điều bổ ích cho riêng mình khi theo dõi những thông tin về quá trình tu tập của ông Thích Minh Tuệ thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, phía sau những bước chân của ông Thích Minh Tuệ cũng đặt ra nhiều vấn đề đáng quan tâm. Lần bộ hành này ông được cộng đồng mạng quan tâm bởi các Youtuber, TikToker, Facebooker. Vì lợi ích kinh tế, mục đích kiếm được càng nhiều tiền càng tốt mà những người này đã tổ chức cả “ê kíp truyền thông” với kịch bản chi tiết đeo bám, thổi phồng gây chú ý và thu hút sự hiếu kỳ của đám đông. Mọi hoạt động của ông Thích Minh Tuệ, kể cả những hoạt động riêng tư, đều bị hàng chục, hàng trăm camera theo dõi, quay lại phát tán trên mạng. Một số nội dung được sản xuất hoàn toàn sai sự thật, với tính chất giật gân, câu view, kéo theo nhiều bình luận, bài viết của nhiều người khác, dẫn đến nhận thức sai lệch cho một số người đọc, người xem. Đơn cử như việc thổi phồng, nói quá về phép tu hạnh đầu đà, cho đây là phép tu duy nhất đúng trong đạo Phật (!?). Trong khi phải nhìn nhận rằng nhiều người mộ Phật nhưng chưa hiểu nhiều về Phật pháp, nên những nội dung như vậy ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức của một số người. Nhiều người đón lõng trên đường, đi theo cả một quãng đường dài, xô đẩy, tranh chỗ đứng gần ông để chụp ảnh, quay phim. Đoàn người hâm mộ đi theo ông Thích Minh Tuệ cũng gây ra nhiều hệ lụy về an ninh xã hội. Việc bộ hành khất thực đầu trần, chân đất trên đường, không quản mưa gió, nắng thiêu không phải cứ thích là làm được mà phải trải qua cả một quá trình khổ luyện. Cho nên nhiều người không liệu sức mình, cũng bộ hành theo ông Minh Tuệ dẫn đến sức khỏe suy kiệt, ngất xỉu giữa đường, đáng tiếc có trường hợp tử vong.

Từ một pháp tu trong nhiều pháp tu nhà Phật, “hiện tượng Thích Minh Tuệ” đã được đẩy lên cao trào trên không gian mạng với khoảng 52.700.000 kết quả tìm kiếm trên Google trong vòng 0,25 giây, cùng với đó là vô vàn bài viết phân tích về Phật giáo. Đáng nói là có nhiều nội dung sai lệch được đưa lên mạng, gây nên những tranh luận xung đột, mâu thuẫn không đáng có, tạo nên sự hỗn loạn mà người đọc, người xem khó phân biệt đúng sai. Thậm chí có nhiều bài viết xuyên tạc, công kích Phật giáo tại Việt Nam, kích động mâu thuẫn giữa Phật giáo và tôn giáo khác, đi ngược lại chính sách đại đoàn kết của Nhà nước Việt Nam. Chưa bao giờ cộng đồng mạng Việt Nam được chứng kiến nhiều “nhà nghiên cứu Phật học” đến thế, và cũng chưa bao giờ Phật pháp lại được nghiên cứu, mổ xẻ trên không gian mạng đến thế. Tuy nhiên, ngoài nhiều bài viết truyền tải kiến thức uyên thâm về Phật giáo, đa số các bài viết đều xoay quanh “hiện tượng Thích Minh Tuệ” để “lý giải”- theo cách hiểu của người viết - về Phật giáo, về tu hành. Đây chính là căn nguyên của sự xung đột, mâu thuẫn trên không gian mạng.

Một điều dĩ nhiên là các thế lực thù địch, các thành phần chống phá Việt Nam không bỏ lỡ cơ hội lợi dụng “hiện tượng Thích Minh Tuệ” để chống phá chính sách tôn giáo, chính sách đại đoàn kết của Đảng và Nhà nước ta trên internet. Chúng triệt để dùng thủ đoạn gieo rắc những thông tin phỉ báng, công kích Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các nhà tu hành Phật giáo, gây mất niềm tin của nhân dân, Phật tử, phá hoại Phật pháp, gây chia rẽ giữa các tôn giáo. Vô số những bài đăng, các video clip được cắt, ghép, dựng, đăng tải những thông tin mang tính chất so sánh phiến diện, tiêu cực nhằm chỉ trích, phỉ báng, làm xói mòn niềm tin, chia rẽ cộng đồng Phật tử và hạ uy tín Phật giáo. Chúng lợi dụng hình ảnh “Thích Minh Tuệ” để so sánh với những hình ảnh, phát ngôn chưa chuẩn mực của một số ít tăng sĩ, cố tình lấy một số ít hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh” để đánh đồng, bôi xấu hình ảnh Phật giáo, tăng sĩ Phật giáo nhằm tạo ra một sự đối lập, tương phản hòng bôi xấu, “nhuộm đen” cộng đồng tu sĩ Phật giáo nói chung, từ đó gây chia rẽ, gây mất niềm tin đối với người dân và Phật tử, thậm chí còn công kích tín đồ Phật giáo là “mê muội” khi nghe giảng Phật pháp, cúng dường Tam Bảo.

Với mục đích chống phá Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nên các thế lực thù địch, phản động nhanh chóng lợi dụng “hiện tượng Thích Minh Tuệ” để kích động, gây mất lòng tin của người dân vào các chính sách tôn giáo, chính sách đại đoàn kết dân tộc. Chúng tung nhiều bài viết nhằm tuyệt đối hóa quyền tự do tín ngưỡng - tôn giáo, cho rằng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo không chịu bất cứ sự ràng buộc, chế tài xử phạt nào, từ đó kích động người dân phản ứng, phản đối chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước. Nhất là lợi dụng việc nhiều người đi theo ông Thích Minh Tuệ, các thế lực thù địch ra sức tuyên truyền vu khống chính quyền ngăn chặn, không cho người dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, nhằm hô hào, kích động người dân từ “tuần hành” chuyển sang “biểu tình”, gây phức tạp về an ninh trật tự, thậm chí còn kích động việc bạo loạn, lật đổ.

Nghị lực, ý chí, niềm tin tôn giáo của ông Thích Minh Tuệ rõ ràng đã truyền cảm hứng cho nhiều người, dẫn hướng củng cố thêm niềm tin nội tâm hướng thiện, thực hiện lối sống giản dị, tiết kiệm, không chạy theo các giá trị vật chất, ứng xử có văn hóa... Để bảo đảm nhu cầu sống “tốt đời đẹp đạo”, qua vụ việc này, các cơ quan chức năng cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc chính sách tín ngưỡng, tôn giáo, chính sách đại đoàn kết dân tộc, đồng thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật, lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo xâm phạm đến lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Mỗi cá nhân, nếu ngưỡng mộ quá trình tu tập của ông Thích Minh Tuệ, cũng nên tôn trọng quyền được thực hành pháp tu hạnh đầu đà của ông. Hãy để ông tiếp tục là niềm cảm hứng cho nhiều người.

MÃ SIM

;
;
.
.
.
.
.