Phòng tránh tai nạn thương tích ở trẻ

.

Vào mùa hè, tai nạn thương tích ở trẻ có xu hướng gia tăng. Chủ động phòng tránh, rèn luyện kỹ năng, tham gia các khóa học cho bản thân là điều mà các chuyên gia y tế khuyến cáo các bậc phụ huynh quan tâm trang bị cho trẻ em.

Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng vừa tiếp nhận bệnh nhi Q.V.H. (9 tuổi, trú huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) nhập viện do bị ong đốt. Theo người nhà chia sẻ, cháu H. theo chị gái chăn trâu, gặp tổ ong rừng cùng nhau đuổi để lấy nhộng. Tuy nhiên do không biết cách phòng vệ, cháu H. bị đốt nhiều mũi lên da đầu, tay, mặt khiến sưng, ngứa dữ dội. Mặc dù được hỗ trợ kịp thời nhưng sau đó cháu quấy khóc, chóng mặt, nôn mửa nên người nhà đã đưa cháu ra Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng để các bác sĩ xử lý. Tại đây, cháu H. được các bác sĩ tỉ mỉ lấy các ngòi chích của ong trên cơ thể cháu, sát trùng đồng thời theo dõi, điều trị các dấu hiệu theo phác đồ. Theo các bác sĩ, nhiều bệnh nhân bị ong đốt, nhất là các vị trí nguy hiểm như đầu, mặt, cổ thường xuất hiện triệu chứng toàn thân như phù mặt, nổi ban đỏ toàn thân, ngứa nhiều, khó thở, suy hô hấp, mạch nhanh, huyết áp tụt… Nếu không được can thiệp, hỗ trợ kịp thời có thể dẫn đến sốc phản vệ, tổn thương thận cấp và tử vong.

Trước đó, Khoa Ngoại Nhi, bệnh viện này cũng tiếp nhận bệnh nhi 8 tuổi nhập viện trong trạng thái đau bụng dữ dội do nuốt phải dị vật là phụ kiện hình tròn của món đồ chơi. Sau khi nội soi và xác định nguyên nhân, các bác sĩ tiến hành mổ cấp cứu để gắp dị vật trong bụng bệnh nhân. Được biết, Khoa Ngoại nhi thường xuyên tiếp nhận, phẫu thuật để gắp dị vật do trẻ nuốt phải trong lúc vui chơi. Có nhiều trường hợp nuốt không để ý, gia đình không biết cho đến khi xuất hiện các triệu chứng đau bụng dữ dội. Nhiều trường hợp dị vật đã hít chặt vào quai ruột non gây tắc ruột, thiếu máu và thủng ruột ở nhiều vị trí khiến việc phẫu thuật gặp khó khăn, nguy hiểm.

Theo thống kê của Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, mỗi năm đơn vị tiếp nhận hàng trăm ca chấn thương, thương tích, tai nạn ở trẻ em liên quan đến lối sống, sinh hoạt, vui chơi, cao điểm nhất là vào mùa hè. Các tai nạn ở trẻ thường gặp ở những loại hình như côn trùng cắn gây nhiễm trùng, sốc phản vệ; bỏng, hóc dị vật; ngộ độc cơ thể do nhầm thức uống, ăn nhầm đồ ăn có độc. Ngoài ra tai nạn do đuối nước cũng thường xuyên xảy ra, nặng thì gây tử vong, nhẹ hơn thì ảnh hưởng, sang chấn tâm lý hoặc thần kinh bị thương tật suốt đời.

Theo bác sĩ Lê Văn Dũng, Phó trưởng khoa Khám đa khoa - Cấp cứu, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, tính từ đầu năm 2024 đến nay, Khoa đã tiếp nhận, chuyển các khoa, phòng chuyên môn 5 ca đuối nước nặng; 40 ca bị bỏng sâu và trung bình 10 ca tai nạn thương tích. Những trường hợp tai nạn thương tích, đuối nước đều được chuyển vào cấp cứu, nhận bệnh kịp thời và xử trí tại chỗ theo quy trình riêng để rút ngắn tối đa thời gian. “Đặc biệt mùa hè, khi trẻ nghỉ học, tham gia các hoạt động vui chơi, du lịch, về quê, trải nghiệm… Mỗi loại hình đều tiềm ẩn những nguy cơ và trên thực tế bệnh viện liên tục tiếp nhận những trường hợp bệnh nhân bị tai nạn, thương tích”, bác sĩ Dũng nhấn mạnh.

Để chủ động ngăn chặn, phòng tránh các tai nạn thương tích ở trẻ trong mùa hè, các bậc phụ huynh cần quan tâm đến việc dự phòng, hạn chế rủi ro; xây dựng phương án xử lý tình huống cũng như nâng cao năng lực cứu trợ, cấp cứu tại chỗ. “Cần trang bị cho trẻ những kỹ năng để phòng tránh tai nạn; tham gia các khóa học bơi. Nên lựa chọn hình thức sinh hoạt phù hợp của trẻ, cần có sự giám sát chặt chẽ của phụ huynh. Bên cạnh đó, việc lựa chọn môi trường, thời gian, địa điểm cho trẻ cũng rất quan trọng, nhất là trong thời điểm nắng nóng. Ngoài ra, những điểm dịch vụ có nhiều trẻ tham gia như hồ bơi, nhà banh, khu vui chơi trong nhà… cần quan tâm và nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn và xử lý sự cố tại chỗ”, bác sĩ Dũng cho biết thêm.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.