Tìm đề tài báo chí... trong sách

.

Lẽ thường, đề tài báo chí phải là những chất liệu từ cuộc sống. Tìm đề tài từ việc đi thực tế, tìm hiểu, chiêm nghiệm và tạo nên tác phẩm báo chí trở thành chuyện thường ngày đối với cánh phóng viên. Nhưng đôi khi đề tài báo chí cũng đến từ những trang sách.

Sách lịch sử, nguồn đề tài cho nhà báo viết bài vào các dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, thành phố. Ảnh: TRỌNG HUY
Sách lịch sử, nguồn đề tài cho nhà báo viết bài vào các dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, thành phố. Ảnh: TRỌNG HUY

Đầu năm 2010, tôi vào công tác ở tỉnh Quảng Ngãi, khi còn làm cho tờ báo điện tử Dân trí. Trong một lần đi nhà sách cùng đồng nghiệp, thấy anh này mua hai cuốn sách liên quan đến lịch sử đấu tranh của quân và dân tỉnh Quảng Ngãi qua các thời kỳ và cuốn Khởi nghĩa Ba Tơ (huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi). Đấy là dịp sắp kỷ niệm sự kiện khởi nghĩa Ba Tơ (11-3-1945).

Hồi đấy, khi mới vào nghề, việc truy cập và tìm tư liệu lịch sử trên internet với tôi chưa thông thạo, theo lời anh bạn thì sách chính sử là nguồn tư liệu quan trọng và đúng chuẩn nhất.

Đến ngày kỷ niệm, thấy báo bạn đăng loạt bài liên quan đến sự kiện lịch sử khởi nghĩa Ba Tơ tôi mới vỡ lẽ nguồn đề tài, chất liệu để tạo nên tác phẩm đôi khi không chỉ từ cuộc sống thường nhật mà còn đến từ trang sách. Vốn cũng là người yêu sách, thích tìm hiểu lịch sử, nên sau này mỗi khi có sự kiện, thì tôi thường tìm đến sách lịch sử để tra cứu và nhiều đề tài báo chí cũng ra đời từ đó.

Chuyện phát hiện vấn đề, tổ chức thu thập tư liệu, hình ảnh, phỏng vấn nhân vật để từ đó viết nên tác phẩm báo chí là chuyện bình thường, lẽ đương nhiên của nhà báo. Nhưng để bảo đảm các điều kiện cần và đủ đó, phóng viên phải đi nhiều, quan sát nhiều và thực sự năng động, linh hoạt trong mọi điều kiện tác nghiệp.

Nguồn tư liệu càng nhiều, nhân vật phỏng vấn đa dạng, nhiều góc nhìn thì bài báo càng thuyết phục và tăng tính hấp dẫn. Đề tài lịch sử trong báo chí cũng vậy. Chỉ khác là nguồn tư liệu, dẫn liệu không hẳn chỉ là sự đi, tìm hiểu, phát hiện đề tài từ cuộc sống hằng ngày, với những biến động, sôi động của hoạt động con người. Ngược lại, đề tài lịch sử ngoài việc đi (đến các di tích, bảo tàng, phỏng vấn nhân vật lịch sử, tìm hiểu các chứng tích, chứng nhân…) thì tìm hiểu, thu thập tư liệu từ trong sách (sách lịch sử) cũng là nguồn tư liệu quan trọng không kém.

Đặc biệt, một số đề tài mà chứng tích, di tích đã quá quen thuộc trong các tác phẩm báo chí trước đó, các nhân vật hoặc xuất hiện quá nhiều, buộc người viết phải tìm đến sách lịch sử có liên quan để tìm thêm thông tin mới chưa đăng tải.

Dĩ nhiên, không phải sách sử nào cũng là nguồn đề tài của mình, hoặc nguồn sử liệu nào cũng đáng tin cậy, nhất là trong điều kiện internet hiện nay tràn lan nhiều nguồn dẫn liệu, tình trạng in sách lậu còn tồn tại. Điều này cần người viết báo với loại đề tài lịch sử phải tìm hiểu kỹ, đọc nhiều và đối chiếu nhiều nguồn.

Tôi thường được khuyến khích viết về đề tài lịch sử vào các dịp kỷ niệm như ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng 29-3-1975, ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước  30-4-1975, ngày sinh nhật Bác 19-5, Quốc khánh 2-9…

Làm sao không giẫm lại dấu chân người trước đã đi trên đám ruộng đấy là việc khó. Khó nữa, là những nhân vật lịch sử liên quan đến sự kiện dần ít đi vì tuổi cao, có người qua đời. Để giải quyết cái khó này, không gì khác là đọc sách. Khi có trong tay nguồn tư liệu bảo đảm cho nội dung đề tài, việc tra các nguồn để đối chiếu là điều cần thiết.

Trong một lần, khi được gợi ý cho đề tài nhân dịp sinh nhật Bác, tôi đã tìm về vùng đất Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, khu vực đình làng Khuê Mỹ (Khu di tích K20) nơi từng tổ chức lễ truy điệu Bác Hồ năm 1969 khi Bác qua đời.

Tìm và gặp lại các nhân chứng từng tham gia tổ chức lễ truy điệu đó để nghe họ kể về công tác tổ chức cho buổi lễ cách đây hơn nửa thế kỷ, ở ngay trong lòng địch. Thật may là  khi ngồi trao đổi với các nhân chứng lịch sử có thêm nhiều câu chuyện cảm động được tôi đưa vào bài báo.

Cũng bởi thường viết bài về đề tài lịch sử, qua các lần đi tác nghiệp, tôi thường được tặng sách, các kỷ yếu, tập san liên quan đến các sự kiện lịch sử. Thật sự, đây là những tài liệu quý, với tôi nó giúp ích rất nhiều cho bản thân cũng như công việc của mình. Nó không chỉ giúp tôi tìm hiểu sâu hơn, rõ hơn lịch sử thành phố qua từng sự kiện lịch sử, qua các cứ liệu với độ tin cậy cao nhất.

Khi vào các dịp lễ kỷ niệm nhân sự kiện lịch sử nào đó của thành phố, khi bí đề tài thì nguồn sử liệu này giúp tôi tìm thấy đề tài ở đó.

TRỌNG HUY

;
;
.
.
.
.
.