Vào nghề với mảng đề tài xây dựng Đảng

.

Dẫu đã gắn bó với Báo Ðà Nẵng hơn 2 năm nay nhưng mảng đề tài viết về xây dựng Ðảng quá đỗi mới mẻ và có phần gai góc đối với một phóng viên trẻ mới vào nghề như tôi. Vậy nên, sự lo lắng, lạ lẫm và bỡ ngỡ là những điều không tránh khỏi trong những ngày đầu làm quen và thử thách với mảng đề tài này.

Tác giả bài viết (bên trái) đang trò chuyện, chia sẻ cùng nhân vật. Ảnh: T.P
Tác giả bài viết (bên trái) đang trò chuyện, chia sẻ cùng nhân vật. Ảnh: T.P

Xây dựng Đảng là mảng đề tài trọng yếu của Phòng Thời sự - Chính trị, được xem là mảng đề tài khó nuốt nhất so với các lĩnh vực tuyên truyền khác, đặc biệt khó với phóng viên trẻ, non kinh nghiệm. Bởi viết về xây dựng Đảng không giống như viết về kinh tế hay văn hóa - xã hội, đề tài luôn hiển hiện là những vấn đề gần gũi với cuộc sống thường ngày.

Để viết được những bài tốt, bài hay về xây dựng Đảng đòi hỏi phóng viên phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm chắc kiến thức về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Cùng với đó, phải nghiên cứu, học tập nắm vững nội dung các chỉ thị, nghị quyết, quy định, hướng dẫn... của Đảng để trau dồi thêm kiến thức, nhãn quan chính trị thì mới làm tròn được nhiệm vụ. Viết về xây dựng Đảng từ khâu phát hiện đề tài, xác định nội dung, khai thác tư liệu cho đến thể hiện thành tác phẩm đều yêu cầu khắt khe.

Dù biết còn nhiều chông gai phía trước, tôi luôn nỗ lực không ngừng trau dồi học tập thêm từ nhiều kênh, nhiều cách khác nhau để nâng cao nghiệp vụ trong nghề báo. Hơn nữa, tôi luôn cảm thấy mình may mắn bởi luôn nhận được sự quan tâm, sự động viên từ các anh, chị đi trước.

Thuận lợi nhiều, nhưng khó khăn cũng không ít. Thiếu vốn sống, kiến thức và kinh nghiệm là những hạn chế mà cây bút trẻ như tôi còn lúng túng trong cách nhìn nhận để lựa chọn đề tài, cũng như có cái nhìn đa chiều, sắc sảo để định hướng dư luận một cách đúng đắn. Nhìn đâu tôi cũng thấy mảng này khó, thậm chí việc đi phỏng vấn nhân vật để lấy thông tin cũng là một áp lực. Thế nhưng, đây là mảng trọng yếu của phòng chuyên môn nơi mình công tác. Tôi phải thực sự cố gắng tìm tòi, học hỏi từ những anh, chị đồng nghiệp đi trước và nỗ lực trong quá trình làm việc để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của phòng.

Tôi cố gắng tạo sự tin tưởng cho nhân vật bằng cách trước khi viết về một vấn đề nào đó, tôi đều tìm hiểu kỹ trước để có nội dung, vấn đề mà trao đổi với nhân vật. Không chỉ tìm hiểu về nội dung, thông tin cần khai thác mà còn về những từ, cụm từ mình chưa hiểu để nói và viết cho đúng, để chứng tỏ mình đủ hiểu biết để nói chuyện với họ.

Mặc dù, những kiến thức ấy tôi đều được sự hướng dẫn, hỗ trợ từ các anh, chị cùng phòng nhưng làm sao để đưa những chỉ thị, nghị quyết của Đảng vào bài viết một cách thật khéo léo, mềm mại, có hơi thở cuộc sống là cả một bài toán nan giải với tôi.

Chẳng hạn như bài “Dấu ấn phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước” hay bài “Phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo từ sinh hoạt chi bộ mẫu”, tôi phải đi lại cơ sở rất nhiều lần để phỏng vấn, xin thêm tài liệu liên quan về phát triển đảng viên trong doanh nghiệp để đọc thêm, hay xin được dự một buổi sinh hoạt để hiểu rõ về quy trình tổ chức một cuộc sinh hoạt chi bộ định kỳ hằng tháng là như thế nào.

Đồng thời, tôi còn nhờ các anh, chị chuyên trách lĩnh vực xây dựng Đảng ở cơ sở hỗ trợ xem lại nội dung bài viết để hiệu đính những từ ngữ cho thật chuẩn xác.

Khó khăn, áp lực là thế nhưng với tôi viết xây dựng Đảng khó nhưng rất thú vị. Bởi mọi vấn đề kinh tế - xã hội, quốc phòng-an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở địa phương đều đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng.

Tích cực đi cơ sở, tôi gặp được nhiều cá nhân điển hình, cách làm hay trong sinh hoạt chi bộ, công tác dân vận hay những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong tổ chức triển khai thực hiện đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Nhiều anh chị lãnh đạo ở cơ sở, sau khi nghe tôi chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong nội dung bài viết, họ còn nhiệt tình gửi tài liệu để tôi có thêm tư liệu tham khảo, nhiều khi còn nhắn với tôi rằng: “Cần tài liệu gì em cứ nhắn hỏi, đừng ngại nhé!”. Đó cũng là động lực thôi thúc tính sáng tạo trong tôi.

Cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ từ lãnh đạo phòng, Ban Biên tập, những anh, chị em đồng nghiệp, tôi đã rút kinh nghiệm, nâng dần về nghiệp vụ cũng như nhận thức chính trị khi viết về đề tài xây dựng Đảng.

Dẫu biết làm báo là luôn đối đầu với thử thách, khó khăn nên tôi luôn nhắc nhở mình “cố gắng thêm chút nữa” và những gì được “va vấp” trong công việc đã trang bị cho tôi những kiến thức mới mẻ, giúp tôi dần trưởng thành và thêm yêu nghề.

THIÊN AN

;
;
.
.
.
.
.