Chăm lo chu đáo cho người có công với cách mạng - Bài 3: Nâng cao sức khỏe, đời sống tinh thần cho người có công

.

Cùng với chăm lo đời sống vật chất cho người có công với cách mạng, các cơ quan, đơn vị chú trọng bảo vệ sức khỏe, nâng cao đời sống tinh thần cho các đối tượng chính sách thông qua các hoạt động điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe, giao lưu văn hóa văn nghệ... giúp họ sống vui, sống khỏe.

Các bác sĩ tổ chức thăm khám sức khỏe, kê thuốc bổ cho các cụ tại Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng Đà Nẵng. Ảnh: Trung tâm cung cấp
Các bác sĩ tổ chức thăm khám sức khỏe, kê thuốc bổ cho các cụ tại Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng Đà Nẵng. Ảnh: Trung tâm cung cấp

Chăm sóc, phụng dưỡng chu đáo

Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng Đà Nẵng thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) hiện đang phụng dưỡng 47 cụ là người có công và thân nhân các liệt sĩ neo đơn, không nơi nương tựa. Cụ cao tuổi nhất 109 tuổi, cụ thấp tuổi nhất 57 tuổi. Hầu hết các cụ đều sức khỏe yếu, nhiều bệnh tật, đi lại khó khăn. Hằng ngày, các cụ được cán bộ, nhân viên trung tâm chăm sóc, phụng dưỡng chu đáo cả về sức khỏe lẫn tinh thần.

Giám đốc Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng Đà Nẵng Phạm Thị Oanh cho biết, mỗi ngày các cụ được phục vụ 3 bữa ăn chu đáo, đúng giờ. Để bảo đảm sức khỏe cho các cụ, trung tâm xây dựng thực đơn hằng ngày, hằng tuần kỹ lưỡng. Các món ăn được thay đổi thường xuyên, chế độ dinh dưỡng phù hợp sức khỏe, bệnh lý của các cụ. Để nâng cao chất lượng bữa ăn hằng ngày, năm 2022, trung tâm đề xuất nâng mức hỗ trợ tiền ăn hằng tháng đối với người có công với cách mạng đang được phụng dưỡng tại trung tâm. Trên cơ sở đó, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 42/2022/NQ-HĐND nâng mức hỗ trợ tiền ăn hằng tháng từ 1,5 triệu đồng/người/tháng lên 2,1 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh nâng cao chất lượng bữa ăn, trung tâm còn chú trọng hoạt động chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng cho người có công.

Theo bà Oanh, trung tâm đổi mới phương pháp điều trị nâng cao thể trạng kết hợp giữa Đông y và Tây y; phối hợp các bệnh viện tổ chức khám và kê toa thuốc bổ theo thể trạng từng cụ. Bên cạnh đó, tổ chức các bữa ăn tươi, uống yến, sữa bổ sung dinh dưỡng cho các cụ, đặc biệt trong thời điểm nắng nóng, giao mùa. Hiện nay, trung tâm tăng cường trang thiết bị y tế phục vụ công tác vật lý trị liệu như: máy ngâm chân dược liệu, giường kéo giãn, máy hồng ngoại, máy xung điện, xe tập đi, xe lăn chuyên dụng và nhiều thiết bị khác. Đồng thời tổ chức cho các cụ tập thể dục dưỡng sinh hằng ngày; duy trì đều đặn khám, đo huyết áp, tập phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, châm cứu, massage, bấm huyệt, tắm nắng cho các cụ già yếu, bất động.

Tuổi thọ người có công tăng lên

Không chỉ chăm sóc sức khỏe, trung tâm còn tổ chức nhiều hoạt động nâng cao đời sống tinh thần cho các cụ. Theo đó, xây dựng hai góc thư giãn phục vụ các cụ nghe nhạc, đánh cờ, đọc sách; thường xuyên phối hợp các trường đại học, THPT, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ nhân các dịp lễ, Tết trong năm; tổ chức cho các cụ đi thăm quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử. Năm 2023, trung tâm tổ chức 6 buổi giao lưu giữa người có công với các trường học, doanh nghiệp; tổ chức 5 chuyến tham quan. Đặc biệt, dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ, trung tâm phối hợp Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh thành phố tổ chức đêm văn nghệ chủ đề “Về thăm Mẹ”. Trong 6 tháng đầu năm 2024, trung tâm tổ chức cho các cụ vui xuân, đón Tết tươi vui, đầm ấm; tổ chức 7 đợt giao lưu với học sinh, sinh viên, cán bộ chiến sĩ, người lao động các trường học, đơn vị, doanh nghiệp; tổ chức sinh hoạt, chúc thọ, mừng thọ nhân ngày Người cao tuổi Việt Nam (6-6).

Từ tháng 5-2011, cụ Phạm Đình Long (SN 1930, quận Thanh Khê) là cán bộ lão thành cách mạng, thương binh 3/4 được tiếp nhận vào Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng Đà Nẵng. Trong thời gian ở trung tâm, cụ Long được chăm sóc chu đáo, tận tình cả về sức khỏe lẫn tinh thần. Giờ đây ở tuổi 94, cụ vẫn khỏe mạnh, đi lại bình thường, hằng ngày đọc sách báo, nghe thời sự. Tương tự, từ khi vào sống tại trung tâm, bà Nguyễn Thị Mẫn (80 tuổi, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) là thương binh 3/4 dường như tìm thấy niềm vui khi gặp những người bạn cùng một thời đạn bom. “Trước đây tôi ở nhà một mình, cha mẹ mất rồi, anh chị em đều có cuộc sống riêng nên buồn lắm. Vô đây rất vui vì có người bầu bạn, lúc đau ốm cũng có người chăm sóc, thuốc men nên yên tâm”, bà Mẫn tâm sự.

Theo lãnh đạo Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng Đà Nẵng, trung tâm luôn duy trì tốt mô hình “Cán bộ, nhân viên luôn lắng nghe, thấu hiểu người có công”. Qua đó kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong sinh hoạt hằng ngày; lắng nghe tâm tư, tình cảm của người có công để nâng cao chất lượng phục vụ. Nhờ vậy, các cụ sống vui, sống khỏe, tuổi thọ trung bình tăng lên, từ gần 80 tuổi (năm 2021) lên 82 tuổi (năm 2024).

Theo Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Nguyễn Thế Tuân, để không ngừng nâng cao sức khỏe, thể trạng cho người có công, hằng năm sở phối hợp các địa phương đưa người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ đi điều dưỡng tập trung tại các trung tâm điều dưỡng, cấp phát kinh phí điều dưỡng tại nhà; đồng thời tiếp nhận hồ sơ và giới thiệu người có công đến Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng khám, chỉ định dụng cụ chỉnh hình phù hợp. Năm 2023, Sở LĐ,TB&XH có quyết định về việc điều dưỡng cho 6.070 người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ của 7 quận, huyện, tổng kinh phí hơn 10,5 tỷ đồng. Đồng thời đăng ký điều dưỡng tập trung tại các trung tâm điều dưỡng cho 1.037 người, ngân sách thành phố hỗ trợ kinh phí 2,248 tỷ đồng.

LAM PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.