Cùng tham gia bảo vệ môi trường sống

.

Hoạt động dọn dẹp bãi biển, trồng cây, tái chế, phân loại rác thải tại nguồn được các cấp, ngành và người dân quận Liên Chiểu tích cực triển khai trong thời gian qua nhằm bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức của người dân trong việc duy trì lối sống xanh - sạch - đẹp.

Người lao động thuộc Công ty TNHH Morito Đà Nẵng tổ chức thu gom rác thải tại bãi biển Xuân Thiều. Ảnh: H.L
Người lao động thuộc Công ty TNHH Morito Đà Nẵng tổ chức thu gom rác thải tại bãi biển Xuân Thiều. Ảnh: H.L

Cải thiện môi trường biển

Hơn 630 người lao động thuộc Công ty TNHH Morito Đà Nẵng vừa tổ chức thu gom hàng tấn rác thải tại khu vực bãi biển Xuân Thiều, phường Hòa Hiệp Nam. Rác sau khi thu gom được công ty tập kết tại các điểm cố định và đưa đến nơi xử lý. Ông Hoàng Xuân Nhật, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Morito Đà Nẵng cho biết hoạt động nhằm hưởng ứng ngày Môi trường thế giới 5-6, với thông điệp “góp hành động nhỏ, lan tỏa ý nghĩa lớn”. Bên cạnh đó, để xây dựng lối sống xanh trong đội ngũ người lao động, tổ chức công đoàn cũng tích cực kêu gọi đoàn viên “hãy cùng nhau hành động và để mỗi bước chân của bạn là một dấu ấn xanh cho môi trường”.

Hoạt động thu gom rác thải tại bãi biển Xuân Thiều không phải là sự kiện đơn lẻ mà nằm trong chiến dịch dài hạn của Công ty Morito nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy lối sống xanh. Ông Nhật chia sẻ rằng, bên cạnh các hoạt động bên ngoài, công ty còn chú trọng đến việc xây dựng ý thức bảo vệ môi trường trong mỗi cá nhân, như cùng nhau giảm sử dụng rác thải nhựa, tiết kiệm năng lượng và thực hiện phân loại rác tại nguồn. “Chúng tôi tin rằng, mỗi hành động nhỏ của từng nhân viên sẽ góp phần tạo nên những thay đổi lớn. Mỗi bước chân của chúng ta nếu mang theo tinh thần bảo vệ môi trường, sẽ tạo ra những dấu ấn xanh không chỉ cho hiện tại mà còn cho tương lai”, ông Nhật nói.

Trước đó, trong khuôn khổ chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” do Ban Dân vận Thành ủy phối hợp Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2, Ban Dân vận Quận ủy và Hội Nông dân quận tổ chức, các lực lượng tham gia đã thu gom gần 2 tấn rác thải, ni-lông, xà bần, cành cây trôi dạt… trên bãi biển Nam Ô. Hoạt động này vừa giúp làm sạch môi trường biển, vừa thể hiện sự gắn kết, đồng lòng giữa các lực lượng và người dân trong việc bảo vệ môi trường. Ông Nguyễn Văn Minh (57 tuổi), ngư dân tại khu vực Nam Ô chia sẻ: “Trong suốt thời gian diễn ra chương trình, các lực lượng tham gia không chỉ tập trung thu gom rác thải mà còn tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân và người dân địa phương phân loại rác thải. Những hoạt động như thế này rất ý nghĩa, giúp chúng tôi có thêm động lực để giữ gìn bờ biển sạch đẹp”.

Thúc đẩy phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn

Để giảm lượng rác thải ra môi trường cũng như tránh lãng phí tài nguyên rác, UBND quận Liên Chiểu vừa ban hành kế hoạch triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đến từng hộ gia đình, trường học, chợ và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, y tế… trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường quận phối hợp UBND các phường triển khai tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn cho người dân. Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Huỳnh Anh Vũ cho biết, những nỗ lực trên của địa phương nhằm nâng cao nhận thức của người dân và đáp ứng các quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2025.

Theo kế hoạch, rác thải rắn sinh hoạt tại quận Liên Chiểu sẽ được phân loại thành 3 nhóm. Trong đó nhóm 1 có khả năng tái chế như giấy, nhựa, kim loại; nhóm 2 bao gồm thực phẩm, rác nhà bếp; nhóm 3 là chất thải rắn như bóng đèn, pin, ắc-quy, vỏ bình, chai, lọ đựng hóa chất và rác thải cồng kềnh, có kích thước lớn như giường, tủ… Rác thải thuộc nhóm 1 và 3 được triển khai thực hiện đồng bộ trên toàn địa bàn, còn rác ở nhóm 2 tùy điều kiện thực tế tại địa phương có thể triển khai thí điểm hoặc đồng loạt.

Để làm tốt công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, UBND quận yêu cầu Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội - Chi nhánh miền Trung chủ động nâng cấp, cải tạo các trạm trung chuyển, tập kết rác và có phương án sơ chế, tái chế đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định hiện hành. Đồng thời, phối hợp UBND 5 phường nâng cấp, đầu tư toàn diện hệ thống thu gom, vận chuyển và ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình cung cấp dịch vụ vệ sinh môi trường, thu gom rác thải. Cũng theo ông Huỳnh Anh Vũ, hiện nay 5 phường trên địa bàn bước đầu tổ chức tuyên truyền, vận động người dân phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo quy định. Nếu hoạt động triển khai hiệu quả sẽ góp phần giảm tổng lượng rác thải ra môi trường, từ đó tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý của địa phương.

HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.