Giúp đỡ người vi phạm pháp luật tiến bộ

.

Một trong những nội dung cơ bản của công tác phòng ngừa tội phạm là phòng ngừa tái phạm. Với phương châm “cụ thể, bền bỉ, từng bước một”, các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn giúp đỡ nhiều thanh, thiếu niên hư, vi phạm pháp luật tiến bộ, “cắt đứt” các mối quan hệ xấu dẫn đến nguy cơ vi phạm pháp luật.

Lãnh đạo Công an quận Ngũ Hành Sơn tặng quà động viên thanh thiếu niên trên địa bàn. Ảnh: L.H
Lãnh đạo Công an quận Ngũ Hành Sơn tặng quà động viên thanh thiếu niên trên địa bàn. Ảnh: L.H

Thời gian qua, Công an phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) nghiên cứu, xây dựng mô hình “Điểm giữ xe của lực lượng an ninh cơ sở phục vụ bảo đảm an ninh trật tự khu phố du lịch An Thượng và các hoạt động về đêm trên biển Mỹ An”. Thực hiện mô hình này, ngoài thành viên ban bảo vệ dân phố, dân phòng còn có các trường hợp từng vi phạm pháp luật được công an phường nhận cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ. Qua hơn 1 năm triển khai thực hiện, mô hình tạo điều kiện giúp 14 thanh, thiếu niên có nguy cơ cao vi phạm pháp luật, 6 trường hợp tái hòa nhập cộng đồng. P.T.K là một trong những thanh niên được Công an phường tạo điều kiện tham gia mô hình. Dưới sự kèm cặp, giúp đỡ của Trung tá Hoàng Thanh Thiên, Trưởng Công an phường Mỹ An, K. đã có sự thay đổi tích cực trong suy nghĩ và hành động.

Cùng với mô hình “Mỗi chỉ huy công an phường, công an xã nhận kèm cặp, giúp đỡ một người chấp hành xong án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng hoặc một trường hợp khó khăn có nguy cơ cao phạm pháp hình sự”, trên địa bàn phường Mỹ An cũng đang triển khai mô hình “4 kèm cặp, 2 hỗ trợ” rất hiệu quả. Theo lãnh đạo Công an phường, mô hình “4 kèm cặp, 2 hỗ trợ” được xây dựng nhằm nắm tâm tư, nguyện vọng, tạo điều kiện để người vi phạm hòa nhập cộng đồng, đồng thời phát hiện những biểu hiện nghi vấn đề kịp thời xác minh, phối hợp giải quyết. Cũng như giới thiệu và bảo lãnh người vi phạm tiến bộ tìm việc, hỗ trợ vốn và các điều kiện vật chất khác để họ gắn bó với công việc, tạo thu nhập ổn định.

Đến nay, mô hình hỗ trợ 93 lượt trường hợp, trong đó có 13 trường hợp tiến bộ. Nổi bật là M.V.D (SN 1988, phường Mỹ An). Tuổi mới lớn, theo bạn xấu, lạc vào con đường phạm tội nên D. phải nhận án phạt tù. Trong thời gian chấp hành án, D. cải tạo tốt. Sau khi mãn hạn tù trở về địa phương, D. nhận được sự quan tâm giúp đỡ kịp thời của các ban, ngành, đoàn thể nên tập trung làm ăn, ổn định cuộc sống.

Cũng như các mô hình khác, mô hình “CLB chi đoàn giúp bạn” của phường Hòa Quý đã giúp đỡ nhiều thanh, thiếu niên hư hoặc có quá khứ phạm pháp tiến bộ, trở thành công dân tốt. Những thanh, thiếu niên này được gọi tên gần gũi và thân thương là “bạn”. Theo Công an phường Hòa Quý, từ việc thành lập ban đầu với 3 CLB ở khu dân cư Khái Tây, Khái Tây 1 và Hải An 1 đến nay, mô hình đã nhân rộng tại tất các chi đoàn thanh niên tại khu dân cư toàn phường. Sau 7 năm hoạt động, mô hình nhận giúp đỡ 99 lượt “bạn”, trong đó có 14 trường hợp tiến bộ.

Điển hình L.V.B (SN 1992) và P.X (SN 1993, đều trú phường Hòa Quý) đã từ bỏ ma túy, có việc làm ổn định. Bí thư Đoàn phường Hòa Quý Ngô Thị Hoàng Thi cho biết, khi tham gia CLB, các “bạn” được tham gia nhiều hoạt động giao lưu sinh hoạt, tham quan các địa điểm cách mạng và tìm kiếm việc làm. Hằng tháng, các CLB duy trì sinh hoạt, thông tin tuyên truyền đến các “bạn” tình hình an ninh, trật tự; đồng thời, thăm hỏi, động viên các “bạn” rèn luyện, trưởng thành. Ngoài ra, các chi đoàn mời các đối tượng hình sự, ma túy, thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật dự nghe các phiên tòa hình sự, tham quan Cơ sở xã hội Bầu Bàng và Trường Giáo dưỡng số 3 nhằm giúp các em thấy rõ môi trường quản lý, giáo dục khi vi phạm pháp luật, qua đó rèn luyện bản thân, tránh xa các tệ nạn, trở thành công dân tốt.

Theo Thượng tá Lê Viết Dự, Phó trưởng Công an quận Ngũ Hành Sơn, ngoài mô hình “4 kèm cặp, 2 hỗ trợ” của phường Mỹ An và mô hình “CLB Chi đoàn giúp bạn” của phường Hòa Quý, trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn cũng triển khai thực hiện nhiều mô hình để giúp đỡ thanh, thiếu niên hư, người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng, như: “3 biết, 2 hỗ trợ” của phường Hòa Hải, “2 gặp, 3 biết” của phường Khuê Mỹ. Các mô hình quản lý, giáo dục hàng trăm lượt trường hợp, trong đó nhiều trường hợp tiến bộ.

Điển hình, anh P.T.L (SN 1961, phường Khuê Mỹ), sau khi mãn hạn tù về tội “Phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia” đã được giáo dục, giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng, đến nay buôn bán, làm ăn ổn định, thu nhập khá. Hay như trường hợp anh H.V.T (SN 1992, trú phường Hòa Hải,) bị bàn bè xấu lôi kéo “dính” vào ma túy. Sau một thời gian kiên trì vận động với phương châm “mưa dầm thấm lâu” và bằng tình cảm, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Hòa Hải giới thiệu việc làm tại cơ sở sản xuất đá, hỗ trợ vốn mua phương tiện làm ăn và T. đã có công việc ổn định và từ bỏ ma túy.

Lãnh đạo UBND quận Ngũ Hành Sơn cho biết, địa phương tiếp tục phối hợp các cơ quan, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn tạo điều kiện việc làm, trao sinh kế cho thanh thiếu niên hư, vi phạm pháp luật tiến bộ. Đồng thời, triển khai thực hiện các mô hình hiệu quả trong phòng ngừa, quản lý, giáo dục thanh thiếu niên, nhất là trong các nhà trường và tại các khu dân cư với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng công an làm nòng cốt, phối hợp chặt chẽ với Đoàn thanh niên và các ban, ngành, đoàn thể để các em có điều kiện vươn lên trong cuộc sống, góp phần hạn chế tình trạng tái phạm và vi phạm pháp luật.

LÊ HÙNG

;
;
.
.
.
.
.