Thời gian qua, Hội Nông dân phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) đổi mới trong tập hợp hội viên, thành lập nhiều chi, tổ hội nghề nghiệp giúp nông dân nâng cao năng lực làm chủ, đồng hành phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Tháng 9-2023, sau thời gian tập hợp, huy động hội viên, Tổ hợp tác Sản xuất và Kinh doanh thực phẩm nông nghiệp sạch tại Chi hội nông dân 1 Khánh Sơn ra đời với 9 thành viên. Anh Nguyễn Hùng Mạnh, Tổ trưởng tổ hợp tác cho biết, tổ hoạt động theo hướng đẩy mạnh liên kết sản xuất, gắn sản xuất với thu mua và tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng; tạo ra sản phẩm an toàn, bảo đảm chất lượng để cung cấp cho thị trường, hộ gia đình. Qua đó nâng cao giá trị kinh tế và hiệu quả sản xuất cho nông dân. Theo anh Mạnh, tổ hợp tác hiện có mô hình chế biến thực phẩm “Bếp mẹ chôm chôm” phát triển rất hiệu quả.
Chị Võ Thị Huỳnh Như (41 tuổi, phường Hòa Khánh Nam), chủ mô hình “Bếp mẹ chôm chôm” cho biết, thời điểm Covid-19 công việc giảm sút, chị mày mò làm các món ăn vặt cho gia đình, người thân. Sau khi nhận được phản hồi tích cực, chị Như nghĩ đến việc mở rộng sản xuất, kinh doanh lên các nền tảng mạng xã hội. Được Hội nông dân phường giới thiệu để Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vay 150 triệu đồng, cùng với khoản vốn tích góp được, chị Như đầu tư máy móc, trang thiết bị và khởi nghiệp với mô hình “Bếp mẹ chôm chôm”. “Tôi đang sản xuất, kinh doanh các món: xúc xích heo, bò; chả; dăm bông; tóp mỡ; muối chấm; các loại chè, sữa, bánh mứt… Sau thời gian xây dựng và phát triển, “Bếp mẹ chôm chôm” có lượng khách hàng sỉ, lẻ khá ổn định. Bên cạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập gia đình, mô hình còn tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương”, chị Như chia sẻ.
Tiếp nối thành công của Tổ hợp tác Sản xuất và Kinh doanh thực phẩm nông nghiệp sạch tại Chi hội nông dân 1 Khánh Sơn, giữa tháng 5-2024, Hội Nông dân phường Hòa Khánh Nam tiếp tục thành lập và ra mắt Tổ hội nghề nghiệp “Xây dựng dân dụng” tại Chi hội nông dân 3 Đà Sơn. Ông Nguyễn Thái Hùng, Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp “Xây dựng dân dụng” cho biết, tổ hội hiện có 9 thành viên làm trong lĩnh vực xây dựng dân dụng. Để hoạt động hiệu quả, tổ hội nghề nghiệp tuân theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, kết hợp với tập trung dân chủ. Mọi vấn đề được đưa ra bàn bạc dân chủ, công khai, thảo luận và thống nhất hành động trên cơ sở thiểu số phục tùng đa số.
Việc thành lập tổ hội nhằm đoàn kết, tập hợp hội viên nông dân làm cùng lĩnh vực. Từ đó hội viên đồng hành, liên kết hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong công việc, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng làm nghề nhằm nâng cao tay nghề, cải thiện thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Để tiếp sức cho Tổ hội nghề nghiệp “Xây dựng dân dụng” hoạt động, Hội Nông dân quận Liên Chiểu cho vay 200 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân quận với lãi suất 0,5% tháng và trả dần trong vòng 3 năm giúp tổ hội mua sắm máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ công việc.
Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Khánh Nam Bùi Trung Hiếu cho biết, nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án số 03-ĐA/HNDT của Ban Chấp hành Hội Nông dân thành phố về xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp, tạo tiền đề hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã trong các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại dịch vụ trên địa bàn thành phố, đầu nhiệm kỳ 2023-2028 đến nay, Hội Nông dân phường Hòa Khánh Nam thành lập 8 tổ hội nghề nghiệp với 60 thành viên. Các tổ hội nghề nghiệp hoạt động theo tiêu chí “5 cùng”: cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm và cùng hưởng lợi. “Qua theo dõi, các tổ hội từng bước đi vào hoạt động ổn định, có sự đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị trị giá hàng trăm triệu đồng. Qua đó, tạo việc làm thường xuyên, ổn định với mức thu nhập trung bình 7 đến 12 triệu đồng/người/tháng”, ông Hiếu nói.
Để các chi, tổ hội hoạt động ngày càng hiệu quả, Hội Nông dân phường Hòa Khánh Nam tăng cường giới thiệu, hỗ trợ các chi, tổ hội tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố và Quỹ hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân quận; trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp sạch và sản phẩm OCOP của các chi, tổ hội tại các chương trình, sự kiện, lễ hội. Đặc biệt, trong 6 tháng cuối năm 2024, Hội Nông dân phường tiến hành nâng cấp mô hình “Bếp mẹ chôm chôm” thành chi hội nghề nghiệp; huy động, tập hợp hội viên thành lập thêm 3 tổ hội nghề nghiệp in ấn quảng cáo; sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng; cơ khí dân dụng nhằm nâng cao năng lực làm chủ của nông dân, giúp hội viên đẩy mạnh hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập gia đình.
LAM PHƯƠNG