Nỗ lực thu nhận hồ sơ cấp căn cước cho công dân

.

Cùng với cả nước, trong hai ngày qua, công an các đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đồng loạt tăng cường lực lượng triển khai các điểm thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước cho công dân theo Luật Căn cước.

Cán bộ, chiến sĩ Công an quận Liên Chiểu thực hiện các thủ tục cấp căn cước cho công dân dưới 14 tuổi. Ảnh: LÊ HÙNG
Cán bộ, chiến sĩ Công an quận Liên Chiểu thực hiện các thủ tục cấp căn cước cho công dân dưới 14 tuổi. Ảnh: LÊ HÙNG

Ghi nhận tại trụ sở Công an quận Sơn Trà, ngay từ 8 giờ sáng, rất đông người dân có mặt, xếp hàng chờ đến lượt làm thủ tục cấp căn cước. Theo đó, người dân được cán bộ công an hướng dẫn đăng ký căn cước qua ứng dụng VNeID, sau đó lấy phiếu chờ tới lượt. Trung tá Bùi Thị Ngọc Hà, Đội phó Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an quận Sơn Trà) cho biết, đơn vị chuẩn bị các điều kiện tốt nhất về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, hệ thống phần mềm, bảo đảm việc thu nhận, cấp căn cước mới cho công dân, đặc biệt với trẻ dưới 14 tuổi. Đến trụ sở Công an quận từ sáng sớm để làm thủ tục cấp lại thẻ căn cước, chị Trần Ngân Hà (SN 1994, quận Sơn Trà) cho biết: “Các thủ tục diễn ra thuận tiện, nhanh gọn và đơn giản. Thời gian tới, tôi sẽ đưa con nhỏ đến làm thủ tục cấp thẻ căn cước mới để thuận lợi cho các hoạt động sau này”.

Trong khi đó, tại trụ sở Công an quận Thanh Khê, người dân có mặt từ sớm để thực hiện các thủ tục, đặc biệt, có nhiều phụ huynh đưa con dưới 14 tuổi tới làm thủ tục cấp căn cước mới. Bà Hoàng Kim Hương (SN 1964, quận Thanh Khê) cho hay, thời gian qua, công an phường và tổ dân phố thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân về việc cấp thẻ căn cước cho trẻ 0 đến đủ 14 tuổi. Vì vậy, từ 8 giờ sáng, bà dẫn cháu ngoại đến trụ sở công an quận để thực hiện các thủ tục.

Tương tự, chị Mai Lê Dương (SN 1984, quận Thanh Khê) dẫn 2 con (7 tuổi và 8 tuổi) tới trụ sở Công an quận Thanh Khê làm căn cước mới. Chị Dương chia sẻ: “Việc làm thẻ căn cước cho các con đem lại nhiều lợi ích. Khi đi du lịch hoặc tham gia các hoạt động, sự kiện sẽ không cần phải mang theo nhiều giấy tờ. Các thủ tục cũng được thực hiện rất nhanh chóng, thuận lợi, chỉ mất khoảng 10-15 phút nên rất tiết kiệm thời gian cho cả gia đình”.

Trung tá Trần Văn Đại, Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an quận Thanh Khê) cho biết: “Thời gian qua, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền 10 điểm mới của Luật Căn cước năm 2023 đến người dân trên địa bàn; đồng thời, tập trung bố trí nguồn nhân lực, trang thiết bị, máy thu nhận mống mắt… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi thực hiện các giao dịch, nhất là trong quá trình đi lại đối với trẻ em từ dưới 14 tuổi”.

Theo Trung tá Trần Thị Lan Phương, Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an quận Cẩm Lệ), trong ngày đầu tiên triển khai Luật Căn cước, đơn vị hoàn thành thủ tục cấp căn cước cho 88 trường hợp trên 14 tuổi, 5 trường hợp 6-14 tuổi và 1 trường hợp dưới 6 tuổi. Với những trường hợp trên 14 tuổi, việc thực hiện thủ tục chỉ mất khoảng 3 phút, nhưng đối với các em dưới 14 tuổi thì mất hơn 5 phút. Bởi các em đang tuổi hiếu động nên cần sự hướng dẫn, chỉnh sửa của cán bộ, chiến sĩ.

Trẻ em được ba mẹ đưa đến trụ sở công an làm thẻ căn cước. Ảnh: KHÁNH NGÂN
Trẻ em được ba mẹ đưa đến trụ sở công an làm thẻ căn cước. Ảnh: KHÁNH NGÂN

Trung tá Lê Thị Thủy, Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an quận Liên Chiểu) cho biết, ngay trong những ngày đầu áp dụng Luật Căn cước mới, nhu cầu người dân tăng cao, do vậy ngoài việc phối hợp các địa phương tăng cường tuyên truyền, đơn vị đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, phân ca cán bộ, chiến sĩ phục vụ nhu cầu cấp căn cước cho người dân, không để tình trạng người dân phải chờ lâu... Trong ngày đầu tiên triển khai Luật Căn cước, đơn vị thu nhận hồ sơ cấp căn cước cho 95 trường hợp từ 14 tuổi trở lên, 11 trường hợp từ 6 đến dưới 14 tuổi và 10 trường hợp dưới 6 tuổi. Hiện đơn vị đang cố gắng đẩy hồ sơ ra Bộ Công an để kịp thời cấp những thẻ căn cước đầu tiên cho công dân vào ngày 8-7”, Trung tá Lê Thị Thủy thông tin.

Theo Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an thành phố), cùng với việc tổ chức thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước mẫu mới tại trụ sở tiếp dân số 18 Lý Tự Trọng (phường Thạch Thang, quận Hải Châu), đơn vị còn thành lập tổ công tác lưu động tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng để thu nhận hồ sơ cho công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài trở về nước bằng hộ chiếu Việt Nam. Đại tá Phan Văn Dũng, Phó Giám đốc Công an thành phố cho biết, với hệ thống trang thiết bị hiện đại, quy trình làm việc khoa học và tinh thần nhiệt huyết của cán bộ, chiến sĩ, việc thu nhận hồ sơ cấp căn cước trên địa bàn thành phố trong những ngày qua diễn ra thuận lợi, nhanh chóng và hiệu quả.

Luật Căn cước có hiệu lực từ ngày 1-7-2024. Những điểm mới quan trọng của luật là việc đổi căn cước công dân thành thẻ căn cước; mở rộng đối tượng đươc thu nhận hồ sơ, cấp thẻ căn cước cho công dân 0-6 tuổi, từ 6 đến dưới 14 tuổi, từ 14 tuổi trở lên và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch từ ngày 1-7-2024. Để cấp thẻ căn cước cho công dân dưới 6 tuổi, người đại diện hợp pháp của người dưới 6 tuổi làm thủ tục thông qua Cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia, cơ quan chức năng không thu nhận thông tin nhận dạng và sinh trắc học đối với người dưới 6 tuổi.

LÊ HÙNG - KHÁNH NGÂN

;
;
.
.
.
.
.