Là 1 trong 9 cá nhân vừa được trao bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố và biểu trưng của “Giải thưởng môi trường thành phố Đà Nẵng” năm 2023, bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu xây dựng năng lực thích ứng (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố) đang nỗ lực mỗi ngày trong công tác bảo vệ môi trường, qua đó lan tỏa lối sống xanh tới cộng đồng.
Bà Nguyễn Thị Thúy Nga (bên trái) hướng dẫn ủ rác hữu cơ, chất thải thực phẩm thành phân bón, nước rửa chén, lau sàn nhà thân thiện môi trường. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Với vai trò là Trưởng đại diện văn phòng Đà Nẵng của tổ chức phi chính phủ quốc tế Malteser International vào năm 2012, bà Nga cùng các đồng nghiệp tìm kiếm các nguồn tài trợ nhằm thực hiện các dự án liên quan đến bảo vệ môi trường như quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng (2012-2018) và bảo tồn rừng (2012-2016). Đến năm 2020, với vai trò Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu xây dựng năng lực thích ứng (CAB), bà tiếp tục đề xuất các dự án và chương trình hành động bảo vệ môi trường tại Đà Nẵng và các tỉnh, thành phố lân cận. Cụ thể, bà Nga phối hợp cùng các trường học và chính quyền địa phương tại huyện Hòa Vang; các quận Cẩm Lệ, Thanh Khê, Hải Châu và Ngũ Hành Sơn thực hiện các chương trình “Trường học không rác thải nhựa”, “Trường học xanh”, “Khu dân cư thân thiện với môi trường”, “Sáng kiến thanh niên về Năng lượng bền vững tại Đà Nẵng”, xây dựng “Gian hàng tái sử dụng”… qua đó khuyến khích cộng đồng có ý thức bảo vệ môi trường, kéo dài vòng đời của vật dụng nhằm giảm rác thải ra môi trường.
Các chương trình trên được bà Nga tuyên truyền cho hơn 30 trường học trên địa bàn thành phố, đặc biệt tại các cấp học tiểu học và trung học cơ sở, qua đó hình thành nên tư duy bảo vệ môi trường cho các thế hệ học sinh. Bà Vĩ Thị Thu Thảo, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chu Văn An (quận Thanh Khê) cho biết, bà Nga cùng các nhân viên, cộng tác viên của CAB tuyên truyền chương trình “Trường học không rác thải nhựa” tại trường từ năm học 2022-2023 đến nay. Qua gần 2 năm, có thể thấy lượng rác thải nhựa trong trường học giảm khoảng 50% và thay đổi ý thức của các cán bộ, viên chức, người lao động trong trường học. Cụ thể, căn-tin của nhà trường hạn chế tối đa ly nhựa, hộp xốp được thay bằng hộp giấy; các giáo viên, học sinh cũng sử dụng chai nước có thể tái sử dụng, hầu như không sử dụng chai nhựa.
Bên cạnh thực hiện nhiều chương trình tại các trường học, nhiều mô hình do bà Nga tuyên truyền đã được nhân rộng tại các khu dân cư, như làm men vi sinh ủ rác hữu cơ để làm nước rửa chén tại khu dân cư 24, phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ); khu dân cư thân thiện với môi trường tại UBND phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ); Sạch bếp - Xanh vườn bằng cách phân loại rác và ủ rác thực phẩm làm phân bón cho vườn cây gia đình tại UBND phường Hòa Thuận Tây (quận Hải Châu)… Không chỉ ở Đà Nẵng, các mô hình cũng đã nhân rộng tại nhiều tỉnh trên cả nước như Hà Tĩnh, Phú Yên, Kiên Giang, Long An…
Chia sẻ về kinh nghiệm tuyên truyền bảo vệ môi trường, bà Nga cho biết: “Để thuyết phục giáo viên, học sinh và cộng đồng cùng bảo vệ môi trường, không chỉ cần có kỹ năng tập huấn, truyền thông mà còn là nỗ lực của bản thân trong hành vi hằng ngày. Tôi luôn mang theo bình nước cá nhân, không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, hạn chế sử dụng quá nhiều biểu ngữ, khẩu hiệu để giảm bớt khối lượng giấy… Bên cạnh đó, tôi luôn lồng ghép các quy định, các luật bảo vệ môi trường bằng những câu chuyện thực tế để người dân, học sinh, sinh viên dễ tiêp cận. Cách truyền thông cũng được thay đổi theo từng bối cảnh và không thể thiếu các hoạt động khảo sát thực tế và thực hành cho người dân, học sinh, giáo viên”.
Bà Nga chia sẻ, dù rất khó để có những con số cụ thể về hiệu quả cho môi trường mà bà cùng các đồng nghiệp phối hợp thực hiện, tuy nhiên việc ngày càng nhiều mô hình thân thiện với môi trường được nhân rộng sau những lần tuyên truyền là động viên lớn dành cho những người làm công tác môi trường. Do đó bà hy vọng sẽ ngày càng có nhiều người dân quan tâm đến bảo vệ môi trường, góp phần gìn giữ môi trường xanh - sạch - đẹp.
MAI QUẾ