Tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến của Đà Nẵng là 90%, trong đó tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 66%

.

ĐNO - Sáng 19-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì hội nghị trực tuyến Thường trực Chính phủ về chuyển đổi số với các bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh và Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam cùng chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Ảnh: VGP
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Ảnh: VGP

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là những động lực lớn trong phát triển kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ này và những nhiệm kỳ tiếp theo.

Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó xác định thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, trọng tâm là phát triển kinh tế số.

Nhiệm vụ quan trọng hiện nay là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đã đề ra trong cả nhiệm kỳ. Những nhiệm vụ này đều có quan hệ mật thiết với chuyển đổi số.

Theo Thủ tướng, trong bối cảnh hiện nay, lực lượng sản xuất chất lượng cao chính là khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó có chuyển đổi số. Chuyển đổi số trở thành xu thế bắt buộc, không thể đảo ngược ở bình diện quốc tế, khu vực, quốc gia.

Chuyển đổi số đến "từng ngõ, từng nhà, từng người", kinh tế số thẩm thấu vào mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, làm thay đổi cơ bản, sâu sắc các hoạt động kinh tế - xã hội.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu chuyển đổi số toàn dân, toàn diện với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp, sự hợp tác, hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế, chú trọng xây dựng hạ tầng số, hoàn thiện thể chế số, đào tạo nhân lực số để "bắt kịp, tiến cùng và vượt lên" trong thế giới đầy biến động hiện nay.

Đây là hội nghị quan trọng để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương thảo luận, thống nhất tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận để cùng nhau hành động, nâng cao nhận thức, xác định mục tiêu, quan điểm, các nhiệm vụ, giải pháp đúng, trúng, khả thi.

Qua đó tổ chức thực hiện hiệu quả, tiết kiệm thời gian, chi phí nhưng đạt hiệu quả cao nhất, thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số, kinh tế số.

Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: M.Q
Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: M.Q

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cho biết, năm 2024, Đà Nẵng ban hành kế hoạch chuyển đổi số với chủ đề “khơi thông dữ liệu số, thúc đẩy phát triển kinh tế số và bảo đảm an sinh xã hội” với 48 chỉ tiêu cụ thể. Trong đó 6 chỉ tiêu do Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số giao và 42 chỉ tiêu riêng của thành phố, trong đó phần lớn là dữ liệu số.

Tính đến đầu tháng 7-2024, thành phố có 97% thủ tục hành chính được triển khai dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình (trung bình toàn quốc là 48%).

Tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến là 90%, trong đó tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 66%, tăng 46% so với cuối năm 2023 (gần gấp 4 lần tỷ lệ trung bình của các địa phương toàn quốc là 17%) .

Thành phố triển khai tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính qua việc kế thừa dữ liệu số để thay thế, giảm thành phần giấy tờ người dân phải đi công chứng và nộp.

Hiện nay có khoảng 21% thủ tục hành chính toàn thành phố công bố có sử dụng dữ liệu số và mục tiêu đến năm 2025 là 60% thủ tục hành chính.

Để nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến, Đà Nẵng sớm triển khai và liên tục rà soát, cập nhật đồng bộ các giải pháp để tạo thuận lợi người dân, doanh nghiệp; trong đó một số giải pháp nổi bật như sau:

Thành phố triển khai nhiều mô hình hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến như mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng; mô hình Đại lý dịch vụ công trực tuyến thông qua các bưu cục tại xã phường; mô hình Khu dân cư điện tử, Thôn điện tử...

Để duy trì và phát huy hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng, UBND thành phố đã trình HĐND thành phố để thông qua nghị quyết chính sách hỗ trợ hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng tại kỳ họp giữa năm 2024.

Hằng năm, thành phố giao chỉ tiêu về dịch vụ công trực tuyến gắn với trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, địa phương. Theo đó yêu cầu các cơ quan, cán bộ, công chức sử dụng dịch vụ công trực tuyến của cơ quan Nhà nước khác; khuyến nghị các doanh nghiệp ưu tiên sử dụng dịch vụ công trực tuyến theo ngành, lĩnh vực.

Từ năm 2019, thành phố ban hành chính sách giảm thời gian xử lý đến 50% đối với hồ sơ trực tuyến so với xử lý hồ sơ trực tiếp; hỗ trợ chi phí chuyển phát nộp hồ sơ, kết quả cho công dân qua bưu điện.

Đồng thời, thành phố xây dựng cổng Dịch vụ công dưới dạng nền tảng lõi để thiết lập nhanh dịch vụ công trực tuyến và thực hiện ngay trong ngày.

Thường xuyên cập nhật đáp ứng đầy đủ tiện ích, tiêu chí kỹ thuật theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, từ đó nâng hầu hết dịch vụ công trực tuyến lên mức toàn trình.

Thành phố triển khai nền tảng công dân số với gần 50% người dân trưởng thành có tài khoản công dân số; triển khai Kho kết quả thủ tục hành chính số; sử dụng cơ sở dữ liệu và kết quả thủ tục hành chính số để bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, cắt giảm thành phần hồ sơ.

Bên cạnh đó, thành phố triển khai kết quả thủ tục hành chính số gắn mã QR cho phép cung cấp "dịch vụ công nâng cao". Đối với các thủ tục hành chính cần kiểm tra, giám sát được gắn mã QR, người dân chỉ cần dùng điện thoại để xuất trình thuận tiện.

Thành phố hiện có khoảng 99% hộ gia đình có điện thoại thông minh. Để hoàn thành phổ cập điện thoại thông minh, thành phố triển khai xã hội hóa từ các doanh nghiệp viễn thông và xây dựng nghị quyết của HĐND thành phố hỗ trợ điện thoại thông minh cho các hộ nghèo, cận nghèo.

Thành phố triển khai giám sát dịch vụ công thông minh thông qua Trung tâm Giám sát điều hành thành phố thông minh. Trong đó có các dịch vụ giám sát, thống kê tình hình xử lý hồ sơ của các cơ quan; cảnh báo các cơ quan xử lý hồ sơ gần tới hạn, chưa tiếp nhận hồ sơ trực tuyến trong vòng 4 giờ.

Nhờ vậy, tỷ lệ hồ sơ trễ hạn giảm từ 3,6% năm 2023 xuống còn 0,1% trong 6 tháng đầu năm 2024.

Chủ tịch UBND thành phố đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu hướng dẫn chính sách hỗ trợ chi phí cho mô hình Đại lý dịch vụ công trực tuyến; chỉ đạo các doanh công nghệ số phối hợp với địa phương triển khai phổ cập chữ ký số cho người dân.

Thủ tục hành chính của địa phương cơ bản phải theo thủ tục hành chính bộ, ngành Trung ương. Do vậy, để đơn giản hóa thủ tục hành chính, các bộ, ngành cần ban hành bộ thủ tục hành chính đơn giản hóa để địa phương áp dụng.

Báo cáo tại hội nghị, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, chỉ số chuyển đổi số quốc gia (DTI) tăng đều qua các năm, đến năm 2022 đạt 0,71 điểm. Các chỉ số thành phần về Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao từ 45-55%.

Về cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp, nếu năm 2019 cả nước mới chỉ đạt gần 11% thì từ năm 2020 đến nay có bước tăng trưởng đột phá, đạt 55%, tăng gấp 5 lần so với cả giai đoạn trước 2020. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến ở năm 2019 chỉ khoảng 5%, thời điểm hiện tại, tỷ lệ này đạt 43% (tăng hơn 8 lần).

Về phát triển kinh tế số, ước tính tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5% và đến tháng 6-2024 là 18,5%.

MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.
.