Xây dựng nông thôn mới thông minh

.

Huyện Hòa Vang đang nỗ lực, phấn đấu hoàn thành mục tiêu, đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh đến cấp thôn, xã; qua đó, thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Năm 2024-2025, toàn huyện Hòa Vang có 20 thôn đăng ký thực hiện thôn thông minh. Trong ảnh: Khung cảnh từ trên cao của thôn Lệ Sơn Bắc, thôn được xã Hòa Tiến đăng ký thực hiện thôn thông minh. Ảnh: VĂN HOÀNG
Năm 2024-2025, toàn huyện Hòa Vang có 20 thôn đăng ký thực hiện thôn thông minh. TRONG ẢNH: Khung cảnh từ trên cao của thôn Lệ Sơn Bắc, thôn được xã Hòa Tiến đăng ký thực hiện thôn thông minh. Ảnh: VĂN HOÀNG

8 tiêu chí thôn thông minh

Thôn Bắc An và Lệ Sơn Bắc là hai địa phương được UBND xã Hòa Tiến lựa chọn, đăng ký thực hiện xây dựng thôn thông minh. Sau khi rà soát, đánh giá các tiêu chí, tính đến cuối tháng 6-2024, hai thôn đều đạt 6/8 tiêu chí của Bộ tiêu chí thôn thông minh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2023-2025 theo Quyết định số 1779/QĐ-UBND ngày 24-8-2023; riêng tiêu chí về trang bị hệ thống hội nghị trực tuyến kết nối với xã, huyện và tiêu chí về tỷ lệ người dân có tài khoản công dân số, thanh toán điện tử… chưa hoàn thành.

Theo UBND xã Hòa Tiến, hiện nay các cuộc họp trực tuyến đều được tổ chức tại xã, do đó, tất các các thôn đều chưa được trang bị hệ thống hội nghị trực tuyến với xã và huyện. Riêng nhóm tiêu chí số 9 về tài khoản công dân số, từ năm 2022, địa phương đã triển khai các hoạt động tuyên truyền, huy động các lực lượng cùng tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn người dân đăng ký, sử dụng tài khoản công dân số. Dù vậy, do thói quen và nhu cầu giải quyết các thủ tục hành chính trực tiếp tại UBND xã, nhiều người dân không thường xuyên sử dụng, quên mật khẩu, tài khoản…

Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến cho biết, việc hoàn thành mục tiêu xây dựng thôn đạt chuẩn thôn thông minh là nhiệm vụ quan trọng trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn xã và huyện Hòa Vang. Địa phương đề xuất UBND huyện Hòa Vang đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông xem xét đầu tư, hỗ trợ xã hoàn thành tiêu chí. Bên cạnh đó, UBND xã cũng chỉ đạo tổ chức triển khai ra mắt mô hình “Ngày thứ Bảy, Chủ nhật số”; phân công thành viên trong tổ công nghệ số cộng đồng và đoàn viên thanh niên đến từng hộ gia đình để vận động, hướng dẫn người dân tạo tài khoản công dân số; tuyên truyền, vận động thực hiện các chỉ tiêu liên quan đến công các chuyển đổi số tại địa phương; đồng thời, phối hợp với các ngân hàng mở tài khoản cho người dân có nhu cầu sử dụng, các đơn vị thống kê tình hình sử dụng thanh toán điện tử…

Được biết, để được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, các địa phương phải hoàn thành tiêu chí về xây dựng ít nhất một mô hình thôn nông thôn mới thông minh. Đây cũng là tiêu chí đang được UBND xã Hòa Phước và huyện Hòa Vang triển khai tháo gỡ, tạo điều kiện cho địa phương phấn đấu “về đích” đúng hẹn. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phước Trần Văn Dương, thôn Trà Kiểm là địa phương được xã chọn đăng ký thôn thông minh. Đây là thôn điển hình của xã, đi đầu trong phong trào nông thôn mới toàn huyện như “Toàn dân đăng ký xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”… Đến nay, thôn đã đạt 7/8 tiêu chí; trong đó, tiêu chí trang bị hệ thống trực tuyến kết nối với xã, huyện chưa đạt. Bên cạnh các nguồn xã hội hóa, địa phương sẽ sử dụng kinh phí thưởng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2021 để đầu tư trang thiết bị, phục vụ công tác thông tin truyền thông, chuyển đổi số trên địa bàn…

Người dân thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ Túy Loan. Ảnh: V.HOÀNG
Người dân thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ Túy Loan. Ảnh: V.HOÀNG

Hướng tới nông thôn thông minh

Xã Hòa Phước cũng là địa phương duy nhất được UBND thành phố thống nhất lựa chọn thí điểm xây dựng mô hình xã nông thôn mới thông minh. Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phước Trần Văn Dương cho biết, xã đã chủ động làm việc với đơn vị tư vấn để xây dựng bộ tiêu chí xã nông thôn mới thông minh, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. UBND xã Hòa Phước kiến nghị đưa một số vấn đề vào bộ tiêu chí, cụ thể: xây dựng điểm tập kết rác thông minh, bố trí khu vực phân loại từng loại rác; thực hiện quan trắc đồng ruộng để xử lý kịp thời các vấn đề sâu, bệnh hại; mở rộng diện tích nhà văn hóa và đầu tư cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân…

Theo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hòa Vang, để có định hướng xây dựng mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương, đồng thời làm căn cứ xác định, lựa chọn giải pháp và đánh giá các kết quả hiện trạng của xã Hòa Phước trước và sau khi triển khai mô hình thí điểm, UBND huyện Hòa Vang yêu cầu các ngành, đơn vị, UBND các xã nghiên cứu, tham gia góp ý nội dung dự thảo bộ tiêu chí thí điểm phục vụ xây dựng mô hình xã nông thôn mới thông minh do UBND xã Hòa Phước đề xuất. Trong đó, có 4 nhóm tiêu chí bắt buộc với 11 tiêu chí liên quan về: chính quyền điện tử định hướng chính quyền số (3 tiêu chí), hạ tầng số (4 tiêu chí), kinh tế nông thôn (3 tiêu chí), bảo đảm an ninh, trật tự xã hội (1 tiêu chí); 1 nhóm tiêu chí tùy chọn về dịch vụ nông thôn số (địa phương chọn 2/5 tiêu chí để thực hiện).

Theo UBND huyện Hòa Vang, thực hiện chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, địa phương đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó, tập trung 3 trụ cột chính gồm: đẩy mạnh xây dựng chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới; thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn; tập trung phát triển xã hội số. Giai đoạn 2023-2025, huyện sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình; thực hiện đề án chuyển đổi số trên địa bàn huyện; thí điểm mô hình chuyển đổi số xã/thôn nông thôn mới thông minh gắn với lĩnh vực nổi trội; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành phục vụ đời sống kinh tế - xã hội. Năm 2024-2025, toàn huyện phấn đấu thực hiện hiệu quả bộ tiêu chí thôn thông minh, đạt mục tiêu mỗi xã có ít nhất 1 mô hình thôn thông minh.

20 thôn đăng ký
Huyện Hòa Vang có 20 thôn đăng ký thực hiện thôn thông minh tại 11 xã trong năm 2024-2025, gồm: Bàu Cầu, Phong Nam (xã Hòa Châu); Bắc An, Lệ Sơn Bắc (xã Hòa Tiến); Trà Kiểm (xã Hòa Phước); Bồ Bản, Túy Loan Đông 2 (xã Hòa Phong); Phú Hòa 1, Thái Lai (xã Hòa Nhơn); Phú Sơn Nam, La Châu (xã Hòa Khương); Đông Lâm, Hòa Hải (xã Hòa Phú); Hòa Trung, Sơn Phước (xã Hòa Ninh); An Ngãi Tây 1, An Ngãi Tây 2 (xã Hòa Sơn); Nam Yên (xã Hòa Bắc).

VĂN HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.