Chia sẻ với Báo Đà Nẵng, nhiều người dân, độc giả đồng tình với ý kiến của Bộ Nội vụ về đề xuất “Công chức bị tạm đình chỉ công tác khi có căn cứ vi phạm về đạo đức, lối sống; nhũng nhiễu gây phiền hà; cố tình đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc”.
Người dân đến giao dịch hành chính tại bộ phận “Một cửa” phường Tân Chính (quận Thanh Khê). (Ảnh mang tính minh họa) |
Đề xuất trên là một trong những nội dung của dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định số 06/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức do Bộ Nội vụ trình Chính phủ.
Những trường hợp nào bị tạm đình chỉ công tác?
Theo dự thảo, công chức bị tạm đình chỉ công tác theo các căn cứ quy định tại Điều 81, Luật Cán bộ, công chức năm 2008 với 5 căn cứ sau: Có hành vi vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống gây ảnh hưởng tiêu cực, bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến uy tín tổ chức, cá nhân. Có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trong quá trình thực thi công vụ. Cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao; đang bị xem xét, xử lý kỷ luật mà cố ý không thực hiện yêu cầu của cấp có thẩm quyền trong quá trình xem xét, xử lý vi phạm của bản thân hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn, ảnh hưởng của mình để tác động, gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý… Đã bị xử lý kỷ luật Đảng và đang trong thời gian chờ xem xét, xử lý chức vụ chính quyền mà nếu tiếp tục công tác sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Có văn bản đề nghị tạm đình chỉ công tác của cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, các cơ quan tiến hành tố tụng hoặc của cơ quan khác có thẩm quyền.
Thời hạn tạm đình chỉ công tác không quá 15 ngày; trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài thời gian tạm đình chỉ nhưng không quá 15 ngày. Thời hạn tạm đình chỉ đối với trường hợp có văn bản đề nghị của cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, các cơ quan tiến hành tố tụng hoặc của cơ quan khác có thẩm quyền thì thực hiện theo đề nghị của cơ quan đề nghị.
Quy trình xem xét tạm đình chỉ công tác được thực hiện theo hướng, khi xác định có căn cứ tạm đình chỉ, trong thời hạn 2 ngày, bộ phận tham mưu về tổ chức cán bộ có trách nhiệm tiến hành xác minh ngày báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền. Chậm nhất sau 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề xuất của bộ phận tham mưu về tổ chức cán bộ, người đứng đầu ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với công chức.
Mong dự thảo sớm được thông qua
Trao đổi với Báo Đà Nẵng, đồng tình với nội dung dự thảo của Bội Nội vụ và chia sẻ ý kiến với mong muốn dự thảo sớm được thông qua. Chị Trần Thị Thanh Phương (phường An Khê, quận Thanh Khê) cho biết: “Thực tế có không ít cán bộ, công chức ở các cấp, nhất là tại các phường, xã có biểu hiện chây ì, cố tình trì hoãn, chậm xử lý thủ tục hành chính dẫn đến người dân mất nhiều thời gian đi lại, chậm trễ công việc, thiệt hại về nhiều mặt. Ngoài lý do sợ trách nhiệm, có tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức cố ý nhũng nhiễu, cố tình xử lý công việc chậm trễ, gây khó dễ để tư lợi từ phía người dân, dẫn tới hệ lụy xấu.
Theo chị Phương, để có nền hành chính vững mạnh, minh bạch, Chính phủ và các bộ, ngành cần có những quy định nghiêm hơn trong việc xử lý cán bộ, công chức có những biểu hiện sai lệch để tạo sự răn đe, giáo dục mạnh mẽ hơn. Nếu trường hợp cán bộ vi phạm gây thiệt hại, ảnh hưởng công dân thì việc đình chỉ công tác trong thời gian hơn 2 tuần vẫn chưa thực sự thỏa đáng mà cần “mạnh tay” hơn.
Từ góc độ doanh nghiệp, bà Hoàng Thị Nhã Phương, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại tổng hợp may Nam Á, cho hay: “Doanh nghiệp luôn mong muốn quy trình thủ tục hành chính liên quan được đơn giản hóa hơn nữa, đặc biệt là trong việc nộp hồ sơ trực tuyến và xử lý các thủ tục giấy tờ. Đồng thời hy vọng đội ngũ cán bộ phụ trách tiếp tục được đào tạo về kỹ năng giao tiếp và phục vụ, bảo đảm sự thân thiện, lịch sự trong quá trình làm việc với doanh nghiệp và công dân. Cuối cùng, một hệ thống phản hồi hiệu quả từ phía doanh nghiệp sẽ giúp cải thiện chất lượng dịch vụ công, và chúng tôi mong muốn điều này được thể hiện rõ ràng trong quy định mới”.
Liên quan vấn đề trên, luật gia Nguyễn Thuận, nguyên Phó Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Đà Nẵng cho rằng: “Cán bộ, công chức là những người hưởng lương Nhà nước, lương này được trích từ thuế của nhân dân nên có nghĩa vụ phục vụ nhân dân. Vì thế, không có lý do gì để cán bộ né tránh trách nhiệm, cố tình trì hoãn, đùn đẩy nhiệm vụ được giao. Nếu trường hợp này xảy ra vì bất cứ lý do gì cũng cần xử lý nghiêm nhằm tăng cường kỷ cương và trật tự ở cơ quan Nhà nước”.
Theo ông Thuận, thực trạng một bộ phận cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn và ảnh hưởng để nhũng nhiễu, vòi vĩnh khi xử lý công việc cho công dân không chỉ phát sinh tiêu cực, vi phạm quy định Nhà nước mà còn gây dư luận xấu trong xã hội. Do đó, đề xuất công chức bị tạm đình chỉ công tác khi có căn cứ vi phạm về đạo đức, lối sống… cần nhanh chóng được thông qua. Đối với hình thức và biện pháp xử lý vi phạm, ông Thuận cho rằng, cần căn cứ rõ ràng các hành vi vi phạm cụ thể của công chức, trong đó chỉ rõ hành vi, tính chất và mức độ vi phạm rồi chiếu theo cơ sở quy phạm pháp luật để xử lý.
XUÂN SƠN