Dự báo, cảnh báo thiên tai từ sớm, từ xa để chủ động ứng phó

.

ĐNO- Ngày 26-8, Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ tổ chức hội nghị khoa học về khí tượng, thủy văn phục vụ phòng, chống thiên tai khu vực Trung Trung Bộ, kỷ niệm 30 năm thành lập Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ.

Lãnh đạo Tổng cục Khí tượng thủy văn, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ cùng các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Lãnh đạo Tổng cục Khí tượng thủy văn, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ cùng các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hoàng Đức Cường nhấn mạnh, trong chặng đường 30 năm hình thành và phát triển, Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai, bảo đảm an ninh quốc phòng và phát triển bền vững đất nước, nhất là “khúc ruột” miền Trung, nơi mà năm nào thiên tai cũng hoành hành gây nhiều thiệt hại về người và của.

Trong chặng đường phát triển, Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ luôn nỗ lực triển khai, bám sát chủ trương của ngành khí tượng thủy văn, ứng dụng các công nghệ tiên tiến hiện đại, đặc biệt trong những năm gần đây, đài đã chủ động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, như IoT, Al trong công tác quan trắc, dự báo, cảnh báo thiên tai; ứng dụng các công nghệ tự động hóa, viễn thám và các công nghệ hiện đại khác trong công tác dự báo khí tượng thủy văn; tăng cường dự báo nước dâng trước, trong và sau bão...

Những thành tựu nghiên cứu khoa học và công nghệ đã góp phần không nhỏ trong công tác dự báo, cảnh báo sớm các loại hình thiên tai như: mưa lớn, nắng nóng, hạn hán, bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, xâm nhập mặn..., góp phần phục vụ hiệu quả cho việc giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng cho khu vực Trung Trung Bộ.

Hội nghị về khoa học khí tượng thủy văn phục vụ phòng, chống thiên tai khu vực Trung Trung Bộ không chỉ tập trung giới thiệu về những kết quả nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong công tác dự báo cảnh báo sớm khí tượng, thủy văn, mà còn trao đổi, thảo luận về khả năng, diễn biến thiên tai trong mùa mưa, bão sắp đến.

Ngành khí tượng thủy văn mong muốn kỳ vọng sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học đối với việc nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ trong cảnh báo sớm thiên tai; chia sẻ kinh nghiệm để có thể chủ động hành động sớm; xây dựng các giải pháp tăng cường công tác dự báo khí tượng thủy văn, ứng phó biến đổi khí hậu, phục vụ phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội khu vực Trung Trung Bộ.

Phó Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hoàng Đức Cường phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Phó Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hoàng Đức Cường phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm cho rằng, những năm gần đây, có xu hướng xảy ra mưa trong thời đoạn ngắn với cường độ lớn, nổi bật là trận mưa xảy ra vào ngày 14-10-2022 và 2 ngày 13, 14-10-2023 tại thành phố Đà Nẵng. Thời gian đến, xu hướng mưa thời đoạn ngắn và có cường độ lớn tiếp tục xuất hiện và thường xuyên xảy ra.

Với đặc điểm địa hình đón gió và kết hợp với các hình thái thời tiết khác tạo nên hình thế đa thiên tai thường hay xuất hiện ở khu vực Trung Trung Bộ, nhất là bão hoặc áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh, gió đông... gây mưa kéo dài hơn ở các khu vực khác. Một đặc điểm khác biệt nữa ở khu vực Trung Trung Bộ là lũ dâng lên rất nhanh.

Năm nay, thời tiết chuyển sang trạng thái La Nina với tốc độ tương đối nhanh và lại trùng với thời điểm chính vụ của mùa mưa bão miền Trung nên có xu hướng xuất hiện nhiều mưa, lũ và bão, áp thấp nhiệt đới, nhất là trong tháng 10 và 11-2024. Mùa mưa bão năm nay tại khu vực miền Trung có nét giống với mùa mưa bão năm 1995.

Do đó, ngành khí tượng thủy văn cần tăng cường sự phối hợp, trao đổi, thảo luận để có những nhận định, dự báo, cảnh báo chính xác cũng như  kịp thời trao đổi với chính quyền địa phương, các cơ quan chỉ huy, điều hành ứng phó thiên tai nhằm bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản của nhân dân.

HOÀNG HIỆP

 

;
;
.
.
.
.
.
.