Phát huy hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong giảm nghèo

.

Trao đổi với Báo Đà Nẵng về thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, ông Đoàn Ngọc Chung, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội, Chi nhánh thành phố Đà Nẵng khẳng định, việc thực hiện chỉ thị thực sự đi vào cuộc sống, làm thay đổi căn bản diện mạo tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn Đà Nẵng.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hòa Vang hướng dẫn khách hàng làm thủ tục vay vốn. Ảnh: T.H
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hòa Vang hướng dẫn khách hàng làm thủ tục vay vốn. Ảnh: T.H

* Sau 10 năm triển khai chỉ thị, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn Đà Nẵng đạt những thành tựu gì nổi bật, thưa ông?

- Để triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW đạt hiệu quả, Thành ủy đã ban hành chỉ thị và UBND thành phố ban hành kế hoạch triển khai thực hiện; chỉ đạo các cấp ủy đảng và chính quyền từ thành phố đến cơ sở tổ chức nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện đến cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ thành phố. Đồng thời, xác định rõ tín dụng chính sách xã hội là một trong những giải pháp quan trọng trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Qua 10 năm triển khai thực hiện, quy mô các chương trình tín dụng chính sách ngày càng được mở rộng, chất lượng và hiệu quả hoạt động được bảo đảm, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách. Cụ thể, từ 15 chương trình năm 2014, đến nay thành phố Đà Nẵng đang triển khai thực hiện 26 chương trình tín dụng chính sách của Trung ương và địa phương, với tổng doanh số cho vay giai đoạn 2014-2024 đạt hơn 11.000 tỷ đồng, với hơn 247.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.

Nguồn vốn vay tín dụng chính sách góp phần phát triển các làng nghề truyền thống như: làng nghề nước mắm Nam Ô, làng đá mỹ nghệ Non Nước, sản phẩm OCOP ở một số xã của huyện Hòa Vang... Nhiều mô hình làm kinh tế hiệu quả, mô hình thoát nghèo bền vững được nhân rộng. Tín dụng chính sách giúp hơn 59.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hơn 140.000 lao động có việc làm ổn định; gần 11.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn; gần 50.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường ở khu vực nông thôn… Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 5.012 tỷ đồng, tăng 3.795 tỷ đồng so năm 2014, với 85.919 hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ.

* Ông đánh giá như thế nào về kết quả cho vay từ nguồn ngân sách địa phương chuyển ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho hộ nghèo vay thời gian qua?

- Thời gian qua, thành phố quan tâm ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội, Chi nhánh thành phố Đà Nẵng số tiền hơn 2.200 tỷ đồng, chiếm 44%/tổng nguồn vốn cho vay của chi nhánh. Việc cho vay vốn từ nguồn vốn ủy thác của thành phố đã kịp thời hỗ trợ cho hàng ngàn hộ nghèo và các đối tượng chính sách đặc thù của thành phố có cơ hội được tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp, thời gian cho vay phù hợp để sản xuất, kinh doanh, vươn lên trong cuộc sống.

Nhiều chính sách đặc thù được thành phố ban hành để hỗ trợ kịp thời cho người dân trên địa bàn như chương trình cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù, cho vay đối với hộ có mức sống trung bình, cho vay học sinh, sinh viên, cho vay hộ di dời giải tỏa xây nhà để ở, khôi phục sản xuất kinh doanh… mang lại những hiệu quả thiết thực và hợp lòng dân. Việc cho vay vốn tín dụng ưu đãi giúp đẩy lùi các tệ nạn xã hội, đặc biệt là nạn tín dụng đen, đồng thời góp phần vào chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội của thành phố.

* Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chỉ thị, Ngân hàng Chính sách xã hội, Chi nhánh thành phố Đà Nẵng sẽ làm gì trong thời gian tới?

- Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW, chi nhánh sẽ tiếp tục phối hợp các sở, ngành, các đơn vị nhận ủy thác để tham mưu chỉ đạo triển khai tốt các chương trình tín dụng chính sách. Trong đó, tập trung huy động các nguồn vốn, nâng cao chất lượng tín dụng và tăng cường công tác kiểm tra giám sát, đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách tín dụng ưu đãi đến với người dân. Đồng thời phối hợp tham mưu các chính sách tín dụng mới theo chỉ đạo của thành phố, góp phần thực hiện tốt chính sách phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội của thành phố.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội, Chi nhánh thành phố Đà Nẵng sẽ tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chương trình giảm nghèo bền vững, phát triển giáo dục, dạy nghề, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Bám sát định hướng phát triển kinh tế-xã hội và các chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương; phối hợp các sở, ban, ngành tham mưu UBND thành phố trình HĐND thành phố bố trí ngân sách địa phương chuyển vốn ủy thác sang chi nhánh để tập trung nguồn lực thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Song song đó, chi nhánh tiếp tục chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kỹ năng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác tín dụng chính sách xã hội, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu đưa nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước đến với các hộ nghèo, gia đình chính sách một cách an toàn và hiệu quả.

* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

TRỌNG HÙNG thực hiện

;
;
.
.
.
.
.