Triển khai sớm các phương án ứng phó ngập diện rộng

.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ tháng 9 đến 10-2024, hiện tượng ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 60-70%; mùa mưa tại khu vực Trung Bộ có khả năng xuất hiện vào khoảng cuối tháng 8 và nửa đầu tháng 9-2024. Do đó, các đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố đã và đang triển khai sớm công tác phòng, chống ngập úng, lên phương án ứng phó ngập lụt diện rộng.

Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng sử dụng phương tiện cơ giới để nạo vét, khơi thông thoát nước trên địa bàn quận Sơn Trà. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng sử dụng phương tiện cơ giới để nạo vét, khơi thông thoát nước trên địa bàn quận Sơn Trà. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Nạo vét, thi công cống thoát nước

Từ cuối tháng 7-2024, UBND quận Thanh Khê đã triển khai nạo vét, khơi thông các tuyến mương, cống thoát nước trên các tuyến đường với 95 tuyến mương, cống trên địa bàn 10 phường, ưu tiên thực hiện trước ở các tuyến thường hay xảy ra ngập sâu. Đến nay, nhà thầu đã cơ bản hoàn thành nạo vét, khơi thông 33 tuyến thoát nước, gồm: 10 tuyến mương, cống ở phường Tam Thuận (các kiệt 98, 112, 126, 139 Trần Cao Vân, đường Đinh Tiên Hoàng...), 7 tuyến thuộc phường Chính Gián (kiệt 112-136 Thái Thị Bôi, hẻm 40 thuộc kiệt 77 Lê Độ, các hẻm 70, 100 thuộc kiệt 322 Hải Phòng, cống thoát nước xung quanh chợ Tân Chính...), 10 tuyến thuộc phường Thanh Khê Đông (cống dọc đường Nguyễn Huy Lượng và kiệt 15 Nguyễn Huy Lượng, kiệt 32 Thanh Tân, kiệt 58 và 62 Hà Huy Tập, kiệt 667, 778 Trần Cao Vân, hẻm 52 và 56 thuộc kiệt 814A Trần Cao Vân...), 1 tuyến thuộc phường Thanh Khê Tây (đường Bàu Trảng 5), 5 tuyến thuộc phường Thạc Gián (đường Tản Đà, Văn Cao, kiệt 27 Lý Thái Tổ...).

Hiện 40 tuyến mương, cống đang được triển khai nạo vét và hoàn thành trong tháng 8-2024; 10 tuyến hoàn thành trong tháng 9 và các tuyến còn lại hoàn thành trong nửa đầu tháng 10-2024, trước khi bước vào thời kỳ mưa lũ chính vụ của miền Trung...

Phòng Quản lý đô thị quận Thanh Khê đã thông báo thời gian triển khai nạo vét các tuyến mương, cống và đề nghị Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng và huy động người dân triển khai nạo vét các tuyến kênh, cống để bảo đảm khả năng thoát nước thông suốt toàn hệ thống. Công tác triển khai nạo vét, khơi thông hệ thống thoát nước được các quận khác triển khai sớm hơn mọi năm, tập trung khơi thông các cửa thu, mương thu nước mưa trước ngày 31-8-2024. Quận Sơn Trà đã chỉ đạo các phường sử dụng nguồn kinh phí đã được bố trí từ đầu năm 2024 để tiến hành nạo vét mương, cống thoát nước trong kiệt, hẻm, mương thoát nước thải phía sau nhà, mương đất, mương hở hiện trạng; khôi phục lại các cửa thu nước đối với những vị trí đã bị trám lấp; phát quang các mương hở bị cây cối cản trở thoát nước, hoàn thành trước ngày 31-8-2024.

Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Sơn Trà Cao Hoàng Thắng cho biết, từ tháng 4-2024, quận đã hoàn thành rà soát, kiểm tra thực tế và thống kê các tuyến mương, cống cần được nạo vét để triển khai các thủ tục, tổ chức nạo vét từ tháng 8-2024. Riêng đối với hạng mục nạo vét, khơi thông các cửa thu nước mưa sẽ được hoàn thành thi công trước ngày 31-8-2024 theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố.

Các ban quản lý dự án, UBND các quận, huyện cũng đã, đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình giao thông, hạ tầng có hạng mục xây mới, cải tạo, mở rộng, khớp nối hệ thống thoát nước. Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hải Châu Đặng Văn Hiếu cho rằng, đến thời điểm này, nhiều tuyến kiệt, hẻm đã được hoàn thành đầu tư, trong đó có mương, cống và cửa thu nước mưa. Các tuyến đường nhỏ do quận đầu tư mở rộng cũng được đầu tư mới hệ thống thoát nước ở giữa lòng đường, các hố ga thu nước mưa có ngăn mùi hôi và động vật, côn trùng... 

Xác định điểm có nguy cơ ngập, khoanh khu vực ngập nặng

Bên cạnh khẩn trương nạo vét, khơi thông hệ thống thoát nước và đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thoát nước, chống ngập úng, nhằm chủ động ứng phó với mùa mưa bão năm nay, Sở Xây dựng đã phối hợp với các địa phương, đơn vị khảo sát, rà soát, xác định cụ thể các điểm, khu vực có nguy cơ ngập úng khi xảy ra mưa lớn, cực đoan để triển khai các giải pháp phù hợp. Theo đó, đã xác định được 124 điểm có nguy cơ ngập úng khi xảy ra mưa lớn, mưa cực đoan (không tính các vùng ngập do lũ từ các sông Yên, Túy Loan, Cu Đê dâng lên gây ngập); trong đó, quận Thanh Khê có 41 điểm, quận Liên Chiểu có 29 điểm, quận Cẩm Lệ 18 điểm, quận Sơn Trà có 14 điểm, quận Hải Châu có 12 điểm...

Các đơn vị, địa phương cũng xác định 10 khu vực trọng điểm thường xuyên xảy ra tình trạng ngập úng nặng khi xảy ra mưa lớn để tập trung ứng phó và thực hiện các giải pháp xử lý trước mắt, cũng như lâu dài, gồm: khu vực xung quanh hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung, đường Hải Hồ, kiệt 640 Trưng Nữ Vương, đường Nguyễn Nhàn (kênh Phong Bắc), Núi Thành, Lê Tấn Trung, các kiệt và hẻm thấp trũng hai bên đường Mẹ Suốt, cổng Khu công nghiệp Hòa Khánh, dọc đường Yên Thế và Bắc Sơn, khu dân cư dọc hạ lưu tuyến cống Khe Cạn (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê)

. Từ tháng 6-2024, Sở Xây dựng đã lên kịch bản ứng phó ngập úng đô thị trên địa bàn thành phố và báo cáo UBND thành phố để chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai các biện pháp ứng phó theo phương án cụ thể, gắn với những nhiệm vụ được thực hiện trước khi xảy ra mưa lớn, ứng phó trong mưa lớn và khắc phục sau mưa lớn đối với từng điểm, khu vực ngập úng theo các mức dự báo mưa vừa (lượng mưa dưới 50mm/trận), mưa to đến rất to (lượng mưa từ 50-300mm/trận), mưa lớn bất thường (ngập lụt trên diện rộng), bão. UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị chủ đầu tư, điều hành dự án thực hiện 13 nhiệm vụ được triển khai thường xuyên, 14 giải pháp được thực hiện trước mắt và 7 giải pháp mang tính ổn định, lâu dài, nhằm khắc phục dần tình trạng ngập úng trên địa bàn thành phố.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.