Chủ động theo dõi ứng phó kịp thời với thiên tai

.

Chiều 19-9, bão số 4 đã suy yếu thành ấp thấp nhiệt đới, dự báo hoàn lưu sẽ gây mưa lớn tại các địa phương. Mặc dù không bị ảnh hưởng lớn nhưng người dân cũng như các địa phương, ban, ngành, cơ quan, đơn vị của thành phố Đà Nẵng luôn theo dõi sát diễn biến tình hình thời tiết để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, bảo đảm an toàn về người và tài sản.

Công tác ứng phó thiên tai được các địa phương, đơn vị khẩn trương thực hiện. Trong ảnh: Huyện Hòa Vang khơi thông kênh thoát nước trong sáng 19-9.  Ảnh: TRẦN TRÚC
Công tác ứng phó thiên tai được các địa phương, đơn vị khẩn trương thực hiện. TRONG ẢNH: Huyện Hòa Vang khơi thông kênh thoát nước trong sáng 19-9. Ảnh: TRẦN TRÚC

Người dân chủ động các phương án 

Chị Trần Thị Bích Ngà (tổ 35, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) cho biết đã kê đồ đạc lên khu vực cao; riêng một số vật dụng có giá trị được gửi tại nhà của người thân. Để đề phòng mưa lớn có khả năng gây ngập, chị dặn dò người thân, gia đình giữ phương tiện liên lạc khi có tình huống khẩn cấp. “Khu vực dọc kênh Mẹ Suốt thường xuyên ngập lụt nên chúng tôi rất lo lắng. Nếu mưa lớn, tôi cùng gia đình sẽ di chuyển tới nơi cao hơn để tránh những rủi ro”, chị Ngà nói.

Trong khi đó, tại thôn Vân Dương 2 (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang), nhiều người dân tranh thủ dọn dẹp, khơi thông mương thoát nước để phòng tránh khi nước lớn đổ dồn về gây ngập cục bộ. Ông Lê Văn Tâm (thôn Vân Dương 2) chia sẻ, khu vực này đang có nguy cơ cao xảy ra ngập, lụt cục bộ, đe dọa đến an toàn tính mạng, tài sản của người dân. Do đó, trong ngày 19-9, ông tranh thủ gia cố, di chuyển các trang, thiết bị có giá trị trong nhà để tránh mưa to, nước lớn sẽ cuốn đi mất.

Hơn 10 năm nuôi thủy sản, ông Nguyễn Đại (xã Hòa Khương) xác định việc thường xuyên nắm bắt thông tin dự báo thời tiết là mấu chốt để bảo vệ tài sản ao nuôi. Rút kinh nghiệm nước lên nhanh vào ban đêm ở các đợt lụt trước, ông cùng những người nuôi thủy sản trong khu vực chủ động ứng phó từ sớm, không để bị động bất ngờ, gây thất thoát tài sản.

“Không chỉ tôi mà nhiều hộ dân khác đã thực hiện các biện pháp như sử dụng lưới thép, nhựa để rào quanh khu ao, chuẩn bị lối thoát nước dự phòng và máy bơm, máy hút khi lượng nước dâng cao đột ngột”, ông Đại chia sẻ.

Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Sơn Trà Hoàng Công Thanh, để chủ động ứng phó với hoàn lưu của bão, mưa lớn trên địa bàn không chỉ thời gian này mà suốt mùa mưa bão năm nay, quận đã chỉ đạo các phương vận động, tuyên truyền để người dân khơi thông cửa thu nước trước nhà, tháo dỡ các vật liệu che chắn cửa thu, mở cửa thu nước đối với những vị trí đã bị trám lấp, phát quang các mương hở, các mương thoát nước sau nhà; thực hiện phương án thoát nước tạm theo phân cấp quản lý, đặc biệt lưu ý tại những khu dân cư hiện trạng chỉnh trang, các tuyến đường bị ngập úng cục bộ hoặc có khả năng bị ngập úng nhằm đảm bảo thoát nước. Các chung cư, khách sạn có tầng hầm để xe khẩn trương có phương án ngăn không để nước mưa tràn vào tầng hầm, hạn chế tối đa thiệt hại nếu có xảy ra ngập úng.

Đối với các khu dân cư, tuyến đường thấp trũng, quận cũng đề nghị Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải thành phố phối hợp với địa phương chuẩn bị máy bơm công suất lớn, bố trí nhân lực trực thường xuyên, theo dõi và xử lý kịp thời. Các công trình, dự án tập trung rà soát, kiểm tra, chủ động thực hiện các biện pháp an toàn…

Tại huyện Hòa Vang, Phó Chủ tịch UBND huyện Phan Duy Anh cho biết, địa phương chú trọng chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, cập nhật bổ sung lại phương án phòng chống và khắc phục hậu quả ứng với một số kịch bản thiên tai của các ngành, địa phương để phù hợp với tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu và thực tế tại địa phương nhằm bảo đảm tính hiệu quả và khả thi cao. Huyện tổ chức các tổ tuyên truyền lưu động qua các địa bàn thôn, xã để vận động người dân đề cao cảnh giác, chủ động ứng phó với mưa bão, lũ lụt.

Trong đó, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả các sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, vật tư, trang thiết bị, nhu yếu phẩm và các điều kiện cần thiết để chăm lo, hỗ trợ người dân, nhất là tại các vùng có nguy cơ cao xảy ra ngập úng, lũ lụt. Mặt khác, UBND huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND xã Hòa Bắc, đơn vị liên quan khảo sát lắp đặt camera theo dõi sạt lở đất, đá tại đèo La Ngà đường ĐT 601 (thôn Nam Mỹ, xã Hòa Bắc) theo dõi tình hình sạt lở, cảnh báo nhân dân biết trong việc đi lại qua khu vực này; chỉ đạo UBND xã Hòa Sơn thông báo kịp thời cho nhân dân tại khu vực núi sọ (thôn An Ngãi Tây 1) về tình hình dự báo khi thiên tai xảy ra và sẵn sàng phương án di dời dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đất.

Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia lúc 14 giờ 40, một số địa phương từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và Kon Tum có mưa to đến rất to; nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều nơi. Cảnh báo rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy ở cấp 1, riêng Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Thuế ở cấp 2. Hiện nay, mực nước trên các sông còn ở mức thấp; mực nước 2 hồ chứa lớn Hòa Trung, Đồng Nghệ và các hồ chứa vừa, nhỏ cũng đang ở mức thấp hơn mực nước dâng bình thường.

V.HOÀNG - T.TRÚC - C.THẮNG

;
;
.
.
.
.
.