Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực miền Trung, trong đó có Đà Nẵng, ngày 18-9, lãnh đạo thành phố đồng loạt kiểm tra công tác phòng chống, ứng phó tại các địa phương trên địa bàn thành phố.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Đình Vĩnh (thứ 2, bên trái sang) cùng đoàn kiểm tra công tác ứng phó thiên tai tại đèo La Ngà, xã Hòa Bắc trong trưa 18-9. Ảnh: TRẦN TRÚC |
Triển khai đồng bộ các biện pháp
Kiểm tra tại nhà văn hóa xã Hòa Nhơn - địa điểm di dời người dân khi có tình huống khẩn cấp, đèo La Ngà và các hộ dân tại xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang), Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Đình Vĩnh đánh giá cao sự chủ động của huyện, đề nghị địa phương và các đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động trong công tác phối hợp ứng phó với thiên tai. Huyện Hòa Vang chuẩn bị cơ sở vật chất, các địa điểm kiên cố để sẵn sàng di dời người dân trong tình huống khẩn cấp, các nhu yếu phẩm thiết yếu, nguồn lực cần thiết để hỗ trợ cho các lực lượng tham gia phòng, chống thiên tai.
Địa phương phải theo dõi sát tình hình, cấm người dân ra đường nếu thời tiết diễn biến phức tạp, nguy hiểm; không để người dân ở lại trên thuyền, bè trong trường hợp thời tiết diễn biến phức tạp. Với điểm sạt lở đèo La Ngà, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị huyện Hòa Vang sớm lắp đặt camera để theo dõi, giúp quan sát từ sớm, từ xa và chủ động trong việc cấm đường, phân luồng giao thông, bảo đảm an toàn tính mạng của người dân là trên hết.
Tại quận Thanh Khê, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đánh giá cao công tác chủ động theo dõi thông tin, kịp thời triển khai ứng phó theo phương án phòng chống và khắc phục hậu quả ứng với một số kịch bản thiên tai năm 2024 của quận; đề nghị Phòng Quản lý đô thị quận, UBND các phường đẩy nhanh tiến độ gia cố, chằng chống các cây xanh, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai phương án phòng chống ngập úng, khơi thông cống rãnh thoát nước, vệ sinh miệng hố thu nước. Sở Xây dựng phối hợp với UBND quận sớm có báo cáo về công tác cải tạo, đầu tư nâng nền cho khu vực Khe Cạn để tránh tình trạng ngập úng thường xuyên xảy ra ở đây.
Tại quận Ngũ Hành Sơn, sau khi kiểm tra điểm trú bão tàu thuyền tại đập Hói Kiểng (tổ 36 phường Khuê Mỹ), các điểm dự kiến sơ tán dân, Chủ tịch HĐND thành phố Ngô Xuân Thắng đề nghị địa phương sẵn sàng lực lượng, ứng trực 100% quân số, chủ động tuần tra, vận động người dân các vùng xung yếu, có nguy cơ ngập úng, không bảo đảm an toàn kê cao đồ đạc và sẵn sàng sơ tán đến các điểm an toàn. Mặt khác chuẩn bị đầy đủ công tác hậu cần, các trang thiết bị phục vụ việc tổ chức thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ” khi có bão, lụt. Bên cạnh đó, rà soát, bố trí đầy đủ các phương tiện cứu hộ, cứu nạn tại các điểm nguy cơ ngập úng, bị cô lập, vị trí xung yếu, các khu vực nhà ở không đảm bảo an toàn trên địa bàn quận.
Tại quận Sơn Trà, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Lê Văn Trung đề nghị UBND quận chỉ đạo các lực lượng cử lực lượng đến các khu vực hay bị ngập úng để hỗ trợ nhân dân; tiếp tục thực hiện cắt tỉa cây xanh phòng chống bão theo phân cấp, nạo vét, khơi thông mương, hố ga, cửa thu nước để tăng khả năng thoát nước chống ngập úng. Sở Xây dựng chỉ đạo Công ty Thoát nước và xử lý nước thải thành phố cử nhân viên theo dõi, kịp thời kích hoạt hệ thống bơm tại trạm bơm thoát nước mưa để tăng khả năng thoát nước, giảm nguy cơ ngập úng khu vực; mở rộng thêm lối thoát tại cống hộp bê tông cốt thép.
Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh (thứ 3, bên trái sang) kiểm tra thực tế tại khu vực Khe Cạn, phường Thanh Khê Tây. Ảnh: MAI QUẾ |
Đối với khu vực đường Lê Văn Lương (đoạn giáp núi Sơn Trà), các lực lượng kiểm tra lắp đặt các biển cảnh báo nguy hiểm, sạt lở đất, lũ quét tại các điểm có nguy cơ cao; chốt chặn không để các phương tiện không thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai lên núi Sơn Trà. Kiểm tra tại các điểm có nguy cơ ngập úng cục bộ trên địa bàn phường Thọ Quang và Mân Thái (quận Sơn Trà), Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi đề nghị quận phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan của thành phố khẩn trương xử lý; rà soát nắm tình hình toàn khu vực và có các biện pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân; tuyên truyền để huy động sự vào cuộc của cả cộng đồng cùng chung tay khắc phục tình trạng ngập úng cục bộ ngay tại chỗ.
Tại quận Cẩm Lệ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh đề nghị địa phương xử lý sớm khối lượng bèo tây tại khu vực hồ Bàu Gia Hạ để khơi thông dòng chảy. Các đơn vị liên quan xử lý sớm vấn đề sạt lở ta-luy dương cụm công nghiệp Hòa Cầm. Tại khu vực Khe Cạn sau Trường Tiểu học Thái Thị Bôi, địa phương tập trung khơi thông dòng chảy để tránh bị ngập khi mưa nhiều. Riêng khu vực Phước Lý 2 cần xử lý bề mặt rác, xà bần, lưu ý di dời người dân tại những điểm đã có phương án phòng, chống lụt bão.
Tại quận Liên Chiểu, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Võ Công Chánh đề nghị các địa phương chủ động rà soát, trang bị đầy đủ, kịp thời, sẵn sàng các phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ, vật tư phục vụ công tác phòng chống thiên tai; kịp thời ứng phó và khẩn trương trong công tác khắc phục hậu quả, hạn chế thấp nhất các tình huống bị động, bất ngờ. Quận tiếp tục rà soát, điều chỉnh, cập nhật bổ sung phương án phòng chống thiên tai phù hợp với hình thực tế tại địa phương.
Tại quận Hải Châu, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Trần Thắng Lợi cùng đoàn kiểm tra đã khảo sát thực tế một số vùng trũng, thấp có nguy cơ cao xảy ra ngập úng cục bộ tại các phường và chỉ đạo các lực lượng liên quan phối hợp tập trung khơi thông, làm sạch miệng hố thu để thoát nước kịp thời. Đồng thời, chuẩn bị các phương án như huy động 100% quân số ứng trực; tổ chức phân luồng hướng dẫn giao thông tại các tuyến đường ngập nước; hỗ trợ nhân dân cứu nạn, cứu hộ...
Không chủ quan trước thiên tai
Tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương về việc ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão trong chiều 18-9, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, tình trạng mưa lớn dự báo gây ra lũ lụt khiến thiệt hại nặng nề, do đó, các địa phương, người dân tuyệt đối không chủ quan trước thiên tai. Đề nghị các địa phương tiếp tục kêu gọi tàu, thuyền di chuyển vào bờ neo đậu an toàn, lưu ý các tàu vận tải cỡ nhỏ tại các cửa sông... tuyệt đối không có tư tưởng chủ quan; rà soát tình trạng ngập lụt và có phương án sơ tán dân, trong đó, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế cần lưu ý đến vấn đề ngập lụt đô thị.
Đối với các diện tích sản xuất lúa, nuôi trồng thủy sản chưa thu hoạch, cần nhanh chóng có giải pháp thu hoạch với tinh thần “xanh nhà hơn già đồng”, tránh thất thoát, thiệt hại tài sản do bão, lũ gây ra.
Các thuyền du lịch trên sông Hàn di chuyển về vị trí neo đậu an toàn để tránh trú mưa bão vào chiều 18-9. Ảnh: Đức Lâm |
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường thông tin, từ 19 giờ ngày 17-9 đến 11 giờ ngày 18-9, trên địa bàn thành phố có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 100-150mm; một số trạm có lượng mưa lớn hơn 200mm. Thực hiện các công điện của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, thành phố đã triển khai họp Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố để rà soát công tác chuẩn bị ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh thành bão số 4.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố được giao duy trì thông tin, liên lạc với các phương tiện hoạt động trên biển, thông báo kêu gọi, hướng dẫn vòng tránh không đi vào khu vực nguy hiểm hoặc vào bờ để trú tránh an toàn. Các sở, ban, ngành, địa phương đã triển khai lực lượng, bám sát địa bàn, tình hình diễn biến để có công tác chuẩn bị khi áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh thành bão và có ảnh hưởng xấu, tác động đến Đà Nẵng. Đồng thời, rà soát các phương tiện, trang thiết bị, chuẩn bị lương thực, thực phẩm; chằng chống cây xanh,… bảo đảm an toàn. Thành phố đang tiếp tục theo dõi tình hình diễn biến của áp thấp nhiệt đới để có biện pháp xử lý kịp thời các tình huống phát sinh.
Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ mưa to đến rất to Theo thông tin từ Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự, dự báo từ ngày 18-9 đến trưa ngày 20-9, tại các quận, huyện thuộc thành phố Đà Nẵng có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Tổng lượng mưa tại thành phố phổ biến từ 100-250mm, có nơi trên 250mm. Một số khu vực nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá: phường Thọ Quang (quận Sơn Trà), phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) và một số xã trên địa bàn huyện Hòa Vang. Tính đến 15 giờ ngày 18-9, tại các tuyến đường chính trên địa bàn có 34 điểm ngập cục bộ (độ sâu ngập từ 20-40cm; thời gian ngập duy trì từ 30-50 phút), cụ thể: quận Thanh Khê 8 vị trí; quận Sơn Trà 7 vị trí; quận Hải Châu 8 vị trí; quận Liên Chiểu 4 điểm; quận Cẩm Lệ 7 vị trí. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đến 16 giờ ngày 19-9, vị trí tâm bão mạnh lên từ áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,9 độ vĩ bắc, 107,6 độ kinh đông trên vùng biển ven bờ từ Quảng Trị đến Quảng Nam với sức gió mạnh nhất cấp 8, giật cấp 10. Dự báo, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc với tốc độ 15-20km/giờ vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Khu vực ven biển các tỉnh từ Quảng Bình tới Quảng Nam cần đề phòng nước dâng do bão cao từ 0,3-0,5m, kết hợp với triều cường và sóng lớn gây sạt lở đê, kè biển, ngập úng tại khu vực trũng, thấp. Từ gần sáng và ngày 19-9, vùng đất liền ven biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10; sâu trong đất liền có gió giật cấp 6-7. Từ nay đến ngày 20-9, ở khu vực Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-300mm, cục bộ có nơi trên 500mm. |
NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ