Đấu tranh tội phạm trên không gian mạng

.

Công nghệ phát triển làm gia tăng các hoạt động, giao dịch trên không gian mạng, đồng thời cũng là môi trường mới để tội phạm thực hiện các hành vi lừa đảo. Đấu tranh phòng, chống loại tội phạm phi truyền thống này là hành trình gian nan, cam go. Vì vậy, ngoài sự vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng trên địa bàn thành phố, cần sự chung sức đồng lòng của các tổ chức và người dân.

Hiện trường nhóm đối tượng thực hiện hành vi hack Facebook lừa đảo 400 nạn nhân, thu lợi bất chính 1,2 tỷ đồng. Ảnh: L.H
Hiện trường nhóm đối tượng thực hiện hành vi hack Facebook lừa đảo 400 nạn nhân, thu lợi bất chính 1,2 tỷ đồng. Ảnh: L.H

Thủ đoạn táo bạo

Tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao có những diễn biến phức tạp, tính chất nghiêm trọng, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, đa dạng; số vụ việc, bị hại ngày càng tăng cao, gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân... Dù sự việc đã qua, nhưng đến nay, chị N.T.T.H (SN 1987, quận Hải Châu) vẫn còn lo sợ trước thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng. Theo chị H., hôm đó, chị nhận điện thoại từ số lạ gọi đến giới thiệu là “cán bộ công an”. Vừa bắt máy, đầu dây bên kia đã uy hiếp và cáo buộc chị “tham gia, là đồng phạm với nhóm rửa tiền, buôn bán ma túy”; đồng thời đe dọa chị không liên lạc với người khác. Chúng yêu cầu chị khai báo lý lịch, quá trình làm việc, di chuyển, các tài khoản ngân hàng và số tiền có trong tài khoản…

Do quá sợ hãi trước những lời lẽ của đối tượng, chị H. đã làm theo các yêu cầu. Đối tượng tiếp tục hướng dẫn chị cài đặt ứng dụng “phần mềm bảo bật” có logo Bộ Công an (ứng dụng có chứa mã độc) nhằm chiếm quyền điều khiển điện thoại của chị H. Sau đó, chúng thực hiện chiếm đoạt số tiền 5 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng của chị. 

Theo Công an thành phố Đà Nẵng, từ năm 2022 đến nay, công an các đơn vị, địa phương đấu tranh, làm rõ hàng chục vụ việc liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao, làm rõ, bắt xử lý hàng trăm đối tượng có hoạt động thu thập, mua bán tài khoản ngân hàng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc, tổ chức đánh bạc, xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác…

Riêng tội phạm hoạt động về cờ bạc xảy ra trên không gian mạng, từ năm 2020 đến 2023, lực lượng cảnh sát hình sự đã xác lập 16 chuyên án; triệt phá và làm rõ 16 đường dây hoạt động phạm tội về cờ bạc trên không gian mạng, bắt giữ 148 đối tượng, khởi tố 128 đối tượng, xử lý hành chính 20 đối tượng… Cùng với đó, trong 8 tháng đầu năm 2024, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an thành phố) phối hợp Bộ Công an và công an địa phương phát hiện, đấu tranh triệt phá 4 đường dây tổ chức đánh bạc và đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá trên không gian mạng.

Nâng cao sức đề kháng với tội phạm mạng

Khi hoạt động, giao dịch trên không gian mạng diễn ra phổ biến thì ai cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm. Vì vậy, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân nhằm cảnh giác trước phương thức, thủ đoạn tinh vi của tội phạm mạng được xem là giải pháp quan trọng góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm này.

Theo Chỉ huy Công an phường Thuận Phước (quận Hải Châu), toàn bộ cảnh sát khu vực của đơn vị đều tham gia nhóm zalo của các tổ dân phố. Ngay khi xuất hiện các phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm mạng, nhất là các thủ đoạn lừa đảo qua mạng thì cảnh sát khu vực lập tức chia sẻ, cảnh báo ngay trên nhóm zalo này để người dân theo dõi, cảnh giác.

Việc sử dụng công nghệ, thông qua facebook, zalo để tuyên truyền đến người dân rất nhanh, hiệu quả. Các nội dung tuyên truyền đều nhấn mạnh việc công an không bao giờ làm việc qua điện thoại, mạng xã hội mà chỉ làm việc trực tiếp, tại trụ sở. Điều này sẽ giúp bà con cảnh giác trước các cuộc gọi, tin nhắn qua mạng để lừa đảo, nhất là với người lớn tuổi...

Lãnh đạo Công an huyện Hòa Vang cho biết, trên địa bàn huyện có hàng trăm hội nhóm mạng xã hội thu hút đông đảo thành viên tham gia. Từ thực tế đó, Công an huyện đã triển khai mô hình “Hội, nhóm, trang mạng xã hội hành động vì môi trường mạng Hòa Vang an toàn, lành mạnh”. Mô hình này đã huy động được hơn 100 hội, nhóm trang mạng xã hội đông thành viên tham gia, là kênh thông tin tuyên truyền tin cậy đến người dân. Từ đây, hàng nghìn thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức phòng, ngừa tội phạm mạng đã đến với đông đảo người dân...

Theo Công an thành phố, để phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm trên không gian mạng đòi hỏi phải có cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật đặc thù. Do đó, đơn vị chủ động tham mưu Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện đặc thù phục vụ công tác bảo đảm an ninh mạng, phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao...

Thượng tá Nguyễn Đại Đồng, Phó Giám đốc Công an thành phố cho biết, cùng với việc thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố tiếp tục tập trung lực lượng đấu tranh, điều tra khám phá các vụ án liên quan đến sử dụng không gian mạng xâm phạm trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chú trọng làm tốt công tác tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm, phản ánh của người dân thông qua các trang thông tin điện tử, các mạng xã hội phổ biến.

“Bên cạnh các giải pháp đến từ cơ quan chức năng, mỗi người dân cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác, thận trọng, chủ động tìm hiểu, nhận thức được các âm mưu, phương thức hoạt động lừa đảo của các đối tượng phạm tội để tự phòng ngừa, tự bảo vệ mình”, Thượng tá Nguyễn Đại Đồng nhấn mạnh.

TRÍ DŨNG

;
;
.
.
.
.
.