Cán bộ, chiến sĩ công an các đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố đang tích cực triển khai các giải pháp để tăng cường thu nhận hồ sơ cấp căn cước và kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho công dân theo Luật Căn cước, có hiệu lực từ ngày 1-7-2024.
Cán bộ, chiến sĩ Công an quận Thanh Khê thu nhận hồ sơ cấp căn cước cho công dân dưới 14 tuổi. Ảnh: L.H |
Nhằm duy trì kết quả đạt được, cũng như tạo chuyển biến tích cực trong việc thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, Công an thành phố chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tiếp tục tập trung lực lượng, phương tiện, trang thiết bị triển khai đồng bộ giải pháp “làm sạch” dữ liệu; thu nhận hồ sơ cấp căn cước, định danh và xác thực điện tử cho công dân. Ngoài việc phân các ca cố định tại bộ phận “Một cửa” Trung tâm Hành chính quận, huyện và trụ sở công an quận, huyện, phường, xã thu nhận hồ sơ cấp căn cước, định danh và xác thực điện tử cho công dân, công an các đơn vị, địa phương còn đến các khu dân cư, trường học để thu nhận hồ sơ cho những trường hợp già yếu, bệnh tật không thể đi lại được và học sinh.
Sáng sớm hằng ngày, rất đông người dân có mặt tại trụ sở Công an quận Liên Chiểu, chờ đến lượt làm thủ tục cấp căn cước, trong đó phần lớn là các trường hợp dưới 14 tuổi. Theo Trung tá Lê Thị Thủy, Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an quận Liên Chiểu), ngoài việc phối hợp các địa phương tăng cường đến các khu dân cư, khu công nghiệp, trường học tuyên truyền về những tiện ích mà thẻ căn cước và tài khoản định danh điện tử mang lại, mỗi ngày đơn vị phân công cán bộ, chiến sĩ thực hiện 3 ca (từ 7 giờ 30 đến 22 giờ) để thu nhận hồ sơ cấp căn cước và kích hoạt tài khoản định danh, với tinh thần khi công dân có nhu cầu, cán bộ, chiến sĩ thực hiện.
Đến nay, công an quận đã thu nhận hồ sơ và kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho 103.835 trường hợp. Bên cạnh đó, từ ngày 1-7-2024 đến ngày 26-8, đơn vị thu nhận 5.689 hồ sơ đề nghị cấp căn cước, trong đó hơn 60% là trường hợp dưới 14 tuổi.
Trong khi đó, Trung tá Nguyễn Hữu Công, Đội phó Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an quận Ngũ Hành Sơn) cho biết, từ đầu tháng 8-2024, Công an quận Ngũ Hành Sơn triển khai đợt cao điểm thu nhận hồ sơ cấp căn cước, định danh điện tử và kích họat tài khoản định danh mức 2 cho người dân.
“Xác định việc thu nhận hồ sơ cấp căn cước, định danh điện tử và kích hoạt tài khoản định danh là nhiệm vụ chính trị đặc biệt, cán bộ, chiến sĩ công an quận và công an các phường nỗ lực tổ chức các điểm cố định và lưu động nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân; tạo thuận lợi nhất cho người dân trong quá trình thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính. Đến nay, quận Ngũ Hành Sơn đã vượt hơn 100% chỉ tiêu kích hoạt tài khoản định danh điện tử được cấp trên giao. Ngoài ra, mỗi ngày đơn vị thu nhận hồ sơ cấp căn cước cho khoảng 60-80 trường hợp từ 6 đến dưới 14 tuổi”, Trung tá Nguyễn Hữu Công cho biết.
Được ví như “chìa khóa” kết nối dữ liệu điện tử, định danh điện tử sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân và tạo thuận tiện trong công tác quản lý Nhà nước. Lãnh đạo Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an thành phố) cho biết, lợi ích lớn nhất của định danh điện tử là khi sử dụng tài khoản VNeID, người dân tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí vì không phải kê khai nhiều loại biểu mẫu, giảm nhiều khâu thủ tục, giảm giấy tờ cá nhân khi thực hiện các giao dịch hành chính công. Công dân có thể thay thế thẻ căn cước và các loại giấy tờ mà họ đăng ký tích hợp, hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia như: giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế…
Các giao dịch trên môi trường điện tử thực hiện qua tài khoản định danh điện tử được bảo đảm tin cậy, chính xác, nhanh chóng, đơn giản, tiết kiệm, hiệu quả hơn so với phương pháp truyền thống, nhưng vẫn bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu. Đối với các cơ quan Nhà nước, khi được kết nối đến hệ thống định danh điện tử sẽ bảo đảm nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm, hiệu quả, xác thực chính xác thông tin công dân và các loại giấy tờ tùy thân đã được tích hợp. Nhờ đó, giúp giảm thiểu nguồn nhân lực, tiết kiệm thời gian, giảm bớt chi phí lưu trữ và in ấn giấy tờ so với trước đây.
Chị Đặng Thị Hảo (quận Sơn Trà) chia sẻ: “Được tuyên truyền về lợi ích của định danh điện tử, tôi và chồng đã đến cơ quan công an đăng ký kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 2. Việc tích hợp toàn bộ các loại giấy tờ tùy thân vào tài khoản định danh điện tử tạo nhiều thuận lợi cho người dân, chỉ cần sử dụng ứng dụng VNeID là có thể thực hiện nhiều giao dịch hành chính cũng như thanh toán điện tử”.
Theo Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an thành phố), tính đến ngày 26-8, trên địa bàn thành phố thu nhận 979.914 hồ sơ đề nghị cấp tài khoản định danh điện tử (mức 1: 150.355 hồ sơ và mức 2: 829.559 hồ sơ); đã kích hoạt định danh điện tử cho 773.606 trường hợp (mức 1: 24.868 trường hợp, mức 2: 748.738 trường hợp), đạt tỷ lệ 109% chỉ tiêu Bộ Công an giao. Bên cạnh đó, từ ngày 1-7-2024 đến ngày 26-8-2024, toàn thành phố thu nhận 39.203 hồ sơ cấp căn cước, trong đó thường trú là 37.293 trường hợp và tạm trú là 1.910 trường hợp (dưới 6 tuổi là 4.072 trường hợp, từ 6 đến dưới 14 tuổi là 14.601 trường hợp).
Chủ tịch UBND thành phố vừa ban hành kế hoạch yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động thực hiện công tác tuyên truyền Nghị định số 69/2024/NĐ-CP ngày 25-6-2024 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử (thay thế Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 5-9-2022) đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người dân, tạo sự đồng thuận cao trong quá trình triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, vận động người thân và con em (kể cả dưới 14 tuổi) của cán bộ, công chức, viên chức chưa có thẻ căn cước đi thu nhận hồ sơ cấp căn cước và thu nhận, kích hoạt tài khoản định danh mức 2 để hưởng những tiện ích mà thẻ căn cước và tài khoản định danh điện tử mang lại. |
LÊ HÙNG