Góp sức giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ

.

Dù tuổi cao, sức yếu, nhưng cựu chiến binh Lê Phú Tháo (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) luôn miệt mài với công tác giáo dục truyền thống, lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ, nhằm hun đúc tình yêu quê hương, đất nước.

Ông Lê Phú Tháo tích cực đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền, thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia các buổi nói chuyện chuyên đề về truyền thống, lịch sử cách mạng. Ảnh: P.V
Ông Lê Phú Tháo tích cực đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền, thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia các buổi nói chuyện chuyên đề về truyền thống, lịch sử cách mạng. Ảnh: P.V

Là người trực tiếp chiến đấu, cống hiến sức trẻ cho nền độc lập, tự do của đất nước, thời gian qua, ông Lê Phú Tháo tham gia hàng chục buổi nói chuyện truyền thống, chia sẻ giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về lịch sử đấu tranh, truyền thống anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Tại các buổi thắp nến tri ân, dâng hương nghĩa trang liệt sĩ, bia di tích lịch sử, ông Tháo kể cho hàng nghìn lượt đoàn viên, thanh niên huyện Hòa Vang nghe về những trận chiến ác liệt, sự hy sinh thầm lặng của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, những chiến sĩ cách mạng kiên cường, anh dũng ngay cả khi bị giam cầm, tra tấn.

Ngoài ra, ông còn phối hợp viết chuyên đề lịch sử về bia chiến tích và di tích lịch sử; tham gia hội thảo, in ấn, phát hành nội bộ 2 tập sách “Học tập, nêu gương các anh hùng liệt sĩ và kể chuyện kháng chiến” với 52 tấm gương liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng và nhân chứng sống lịch sử. Hoạt động này không chỉ giúp bảo tồn di sản văn hóa và lịch sử, mà còn góp phần giáo dục thế hệ mai sau về những hy sinh và đóng góp của các thế hệ trước.

Là thương binh hạng 2, tuổi cao, sức khỏe giảm sút, nhưng ông Tháo luôn nhủ lòng: “Biết bao đồng đội, đồng bào đã ngã xuống, đến bây giờ vẫn chưa biết an nghỉ nơi đâu. Nỗi lòng ấy thôi thúc tôi cùng địa phương tích cực giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn...

Giáo dục cách mạng giúp thế hệ trẻ hiểu biết sâu sắc về lịch sử đấu tranh gian khổ và vinh quang của Đảng, của dân tộc, của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Từ đó, thế hệ trẻ thêm tự hào, trân trọng quá khứ, nhận rõ giá trị của cuộc sống hiện tại, phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, có trách nhiệm với xã hội, với tương lai dân tộc và kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng của cha anh đi trước”.

Ông Tháo cho rằng, cần chú trọng giáo dục thanh niên qua nêu gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; giáo dục bằng hành động, qua thực tiễn phong trào, nội dung gọn, khái quát cao, dễ nhớ, dễ hiểu và nhận thức rõ hơn trách nhiệm của bản thân đối với gia đình, xã hội, đất nước.

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hòa Phong Lê Đình Nam chia sẻ: “Mỗi dịp 27-7 hằng năm, Đoàn xã có những chuyến hành trình về địa chỉ đỏ để nghe các nhân chứng sống kể những chiến công hiển hách của cha ông. Ông Lê Phú Tháo là một trong những tấm gương nổi bật trong việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Qua những câu chuyện ấy, thế hệ trẻ thấy được sự hy sinh to lớn, sự cống hiến của những chiến sĩ khi tuổi đời còn rất trẻ. Từ đó, giáo dục lòng yêu nước, nhắc nhớ truyền thống quê hương mình”.

TRIỀU SAN

;
;
.
.
.
.
.