Một câu chuyện nhân văn

.

Đó là tâm sự của ông Hoàng Lê, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận Hải Châu, kể về 4 trường hợp hội viên Cựu chiến binh thuộc diện hộ nghèo mất sức lao động ít có cơ hội thoát nghèo ở các phường: Hòa Thuận Đông, Hải Châu 2, Hòa Cường Nam và Hòa Cường Bắc. “Những trường hợp này được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, ngành và của xã hội nhưng chỉ mang tính nhất thời. Về lâu dài, họ ít cơ hội để thoát nghèo”, ông Lê trăn trở.

Ông Trần Anh Đấu (thứ 2, bên trái sang) nhận quà “Chia lửa yêu thương” từ đại diện hội Cựu chiến binh phường Hòa Cường Nam. Ảnh: PV
Ông Trần Anh Đấu (thứ 2, bên trái sang) nhận quà “Chia lửa yêu thương” từ đại diện hội Cựu chiến binh phường Hòa Cường Nam. Ảnh: PV

Từ sự trăn trở đó, Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh quận Hải Châu thống nhất tổ chức chương trình “Chia lửa yêu thương”. Theo đó,  Quỹ “Chia lửa” đi vào hoạt động từ tháng 1-2023, nhận được sự đồng tình ủng hộ của cán bộ, hội viên, trước hết là Hội Cựu chiến binh quận và Hội Cựu chiến binh 13 phường. Toàn hội chung tay đóng góp để hỗ trợ thường xuyên cho 4 hộ hội viên nêu trên. Hằng tháng, quỹ hỗ trợ mỗ hộ 1 triệu đồng. Số tiền tuy khiêm tốn, song cùng với các khoản hỗ trợ khác của xã hội, phần nào giúp các hộ vơi bớt chút khó khăn thường nhật.

Căn nhà cựu chiến binh Trần Anh Đấu nằm trên đường Lê Văn Đức, phường Hòa Cường Nam, nhập nhòe ánh điện bóng đèn led. Ông Đấu nằm trên cái giường cũ kỹ có gắn lan can bằng sắt để mỗi lần trở dậy ông bấu víu vào khỏi ngã. Ông Đấu dường như ăn nằm một chỗ. Thấy khách lạ vào, giọng móm mém không rõ lời, ông sai đứa con gái năm nay đã 32 tuổi, nhưng hạn chế về năng lực hành vi, mang ghế cho khách ngồi.

Ông Trần Quang Huy, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Hòa Cường Nam cho biết, gia cảnh ông Đấu quá khó khăn. Từ ngày ông đổ bệnh, vợ ông cũng mất việc, thu nhập của gia đình trở về con số không. “Ngày trước, anh Đấu làm bảo vệ ở khu chung cư trước nhà và khu nhà tập thể, mỗi tháng cũng 6 triệu đồng. Vợ anh ấy đi làm ngoài chợ, mỗi ngày kiếm được dăm bảy chục ngàn đồng. Rồi tiền giữ xe trong nhà cho mấy hộ gần đó, tính ra tổng mỗi tháng gần chục triệu đồng, đủ sức lo cho cả nhà”, ông Huy nói.

Đó là chuyện trước mùa dịch năm 2020, khi ông Đấu còn khỏe mạnh bình thường. Ông Đấu sinh năm 1957. Khi miền Nam vừa giải phóng, ngày 5-5-1975 ông nhập ngũ ở tuổi 18. Một năm sau, do bị bệnh sốt rét hành hạ, ông được cho xuất ngũ trở về địa phương. Đến tháng 3-1981, hưởng ứng lời kêu gọi tổng động viên, ông lại tái ngũ, lên đường làm nhiệm vụ tại biên giới Tây Nam. Tháng 6-1984, ông xuất ngũ trở về địa phương, lập gia đình và sinh sống bình thường như bao nhiêu người lính khác. Mãi về sau khi ra quân, ông Đấu nhận được chế độ trợ cấp một lần theo quy định của Nhà nước. Năm 2020, ông Đấu bị tai biến, nằm một chỗ. Suốt mấy năm trời, chi phí điều trị bệnh cho ông đã tiêu tốn hết số tiền bao năm gia đình cùng nhau tích cóp được. Năm 2021, giữa cơn bão dịch, con gái lớn của ông qua đời sau cơn bạo bệnh. “Ngày nó mất, tôi còn chưa nhận biết được gì”, ông Đấu rưng rưng kể lại. Đó cũng là thời điểm vợ ông mất việc phụ trợ ngoài chợ.

Bây giờ, vợ ông ngày ngày đi nhặt ve chai, kiếm được đồng nào hay đồng đó, lo cho ông và đứa con tật nguyền. Ông và đứa con gái, mỗi tháng được hưởng trợ cấp xã hội, gần 2 triệu đồng. Ông có được cái thẻ bảo hiểm y tế do Nhà nước cấp với đối tượng bảo trợ xã hội, như vị cứu tinh cho những lần nhập viện. “Chừng ấy thu nhập, theo vật giá bây giờ, thật khó cho gia đình anh ấy xoay trở cơm nước, chứ đừng nói đau ốm đột xuất gì thêm”, ông Trần Quang Huy trăn trở.

Nhưng, đồng đội ông không ngồi yên để ông khổ một mình. Từ chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thể chính trị - xã hội từ quận đến phường, hầu như có chương trình thiện nguyện nào đều luôn nhớ đến ông Đấu và gia đình. Các nhà hảo tâm, các tổ chức, cá nhân có lòng thiện nguyện đều được giới thiệu để giúp đỡ gia đình ông Đấu. Nhưng sự động viên, chia sẻ mang tính nhất thời, trước mắt, khó có thể bảo đảm sự bền vững, yên tâm về lâu dài.

Từ tháng 1-2022, Hội Cựu chiến binh phường Hòa Cường Nam đã lập quỹ “Vòng tay nhiệm kỳ” để hỗ trợ mỗi tháng 500 ngàn đồng cho ông Đấu để vơi đi nỗi ngặt nghèo. Chi hội Cựu hiến binh nơi ông Đấu sinh sống, sinh hoạt cũng mỗi người quyên góp 20 ngàn đồng mỗi tháng để ủng hộ giúp đỡ ông Đấu. Từ tháng 11-2023, Quận hội chính thức hỗ trợ mỗi tháng 1 triệu đồng cho ông Đấu trong chương trình “Chia lửa yêu thương”.

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Đấu cứ rơm rớm nước mắt xúc động, nói rằng nếu không có tình yêu thương của đồng đội, của bạn bè, của chính quyền các cấp, các tổ chức hội, đoàn thể hỗ trợ, giúp đỡ, làm sao gia đình ông vượt qua được nghịch cảnh, làm sao ông gượng dậy được như hôm nay. Dù ngày mai, ngày kia với sự hỗ trợ, động viên cả tinh thần lẫn vật chất, gia đình ông sẽ không bị bỏ lại phía sau. Nhưng nợ ân tình, với ông cứ như một hòn đá tảng khiến lòng ông nặng trĩu tâm tư...

Tôi muốn ông Hoàng Lê dẫn đi thăm mấy gia đình hộ cựu chiến binh nghèo được hỗ trợ, thì được báo là có người giờ không nói rõ, có người vừa nhập viện. Qua đó để thấy, công tác chăm lo cho đồng đội, với từng bữa ăn hằng ngày cho đến ổn định đời sống dài lâu luôn được các cấp hội Cựu chiến binh quận Hải Châu trăn trở, âm thầm thực hiện. Và cũng để thấy, những câu chuyện nhân văn vẫn luôn hiện hữu trong cuộc sống và ngày càng lan tỏa sâu sắc.

MINH SƠN

;
;
.
.
.
.
.