Nơi chắp cánh ước mơ

.

ĐNO - “Ngôi nhà chung”, đó là tình cảm và cách gọi của các em được nuôi dưỡng Trung tâm Từ thiện thuộc Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Đà Nẵng (Trung tâm). Tại đây, các em được chăm sóc, học hành, được bảo ban dạy dỗ trong tình yêu thương của những cán bộ, mà các em coi như chính người cha, người mẹ của mình...

Trung tâm hiện đang nuôi dưỡng 80 trẻ em, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, chủ yếu ở Đà Nẵng và các tỉnh lân cận.
Trung tâm hiện đang nuôi dưỡng 80 trẻ em, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, chủ yếu ở Đà Nẵng và các tỉnh lân cận.

Hơn 12 năm qua, đã có hàng trăm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở thành phố Đà Nẵng và các địa phương đã được nuôi dưỡng và trưởng thành. Nhiều em có công ăn việc làm ổn định, hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội. 

Trung tâm hiện đang nuôi dưỡng 80 trẻ em, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, chủ yếu ở Đà Nẵng và các tỉnh lân cận.

Ông Đặng Hữu Bảo, Giám đốc Trung tâm cho biết, được thành lập từ năm 2008. Trải qua thời gian hoạt động với sự hỗ trợ của một tổ chức đến từ Ý, từ năm 2012 đến nay, Trung tâm được Tổ chức “Trả lại tuổi thơ” của Hoa Kỳ tài trợ kinh phí dài hạn, mỗi năm khoảng hơn 7 tỷ đồng để thực hiện dự án “Nuôi dạy trẻ em mồ côi và trẻ em nghèo hoàn cảnh đặc biệt khó khăn” tại thành phố Đà Nẵng. 

Theo đó, dự án đặt mục tiêu tiếp nhận và nuôi dưỡng thường xuyên, giúp trẻ em từ 4 tuổi - 18 tuổi và đến đại học về tất cả các mặt nhằm đảm bảo cho các em có được cuộc sống tốt nhất cả về vật chất, tinh thần đến đạo đức. 

Ở Trung tâm, ngoài được chăm sóc, nuôi dưỡng, các em còn được đi học ở trường công lập bên ngoài. Ngoài giờ học ở trường, các em còn được phụ đạo ngay tại Trung tâm do Ban Giám đốc hợp đồng với giáo viên đến giảng dạy. 

Đang chuẩn bị học bài, em Thái Khang Huy, 12 tuổi; quê ở xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam tâm sự, em luôn luôn cố gắng và mong muốn làm sao để học thật giỏi, sau này có công việc làm ổn định, trở thành người có ích cho xã hội. 

“Mẹ con bỏ đi từ lúc còn nhỏ, con ở với ông bà nội và học đến lớp 4. Vì hoàn cảnh khó khăn nên con được xin vào Trung tâm. Từ khi vào đây, con được các cô, chú chăm lo cho con chu đáo, chỉ bày tận tình mọi việc trong cuộc sống. Lúc mới vào rất nhút nhát, giờ đây con thấy mạnh dạn hơn. Trước đây con học trung bình, bây giờ con là học sinh khá, giỏi”, Khanh Huy cho biết thêm.

Hoàn cảnh của Thái Khang Huy là vậy, với Trần Chí Hào còn đáng thương hơn. Em bị cha mẹ bỏ rơi khi mới vừa lên 4 tuổi. Qua nhiều nguồn thông tin, Hào được Trung tâm nhận về nuôi dưỡng, chăm sóc từ đó đến nay. 

Từ một cậu bé gầy ốm, có phần nhút nhát, năm nay em đã lên lớp 8, với dáng vóc cao to, khỏe mạnh, em luôn lễ phép chào hỏi khi gặp người lớn.

Nhớ về những ngày đầu khi đến với Trung tâm, Chí Hào nói: “Con đã khóc rất nhiều vì nhớ ba mẹ. Nhờ có các cô, các bác ở Trung tâm luôn chăm sóc, động viên con mà mỗi ngày trôi qua nỗi nhớ ấy dần vơi đi khi con được chơi với các bạn, được học hành đầy đủ, được sống với tuổi thơ của mình. Con luôn cảm thấy biết ơn mọi người đã tạo cho chúng con cuộc sống tốt đẹp để thực hiện ước mơ, hoài bão của mình”.

Đó là 2 trong 80 hoàn cảnh không may mắn đã được Trung tâm đón nhận, nuôi dưỡng, chăm sóc một cách tận tình, chu đáo. Cán bộ ở Trung tâm luôn xem các em như chính những người con, người cháu của mình. Không chỉ chăm sóc về vật chất hay động viên, hằng ngày, những cán bộ ở Trung tâm còn tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, bồi dưỡng, vun trồng nhằm giúp các con, các cháu hình thành suy nghĩ tích cực, xây dựng nếp sống lành mạnh, bổ ích để làm nền tảng cho tương lai.

Chị Nguyễn Thị Kim Oanh, bảo mẫu, đã có nhiều năm trực tiếp chăm sóc các em tâm sự, mỗi em đều có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng chị cũng như các bảo mẫu tại Trung tâm tin rằng, sự quan tâm, động viên kịp thời của không chỉ cán bộ mà còn của các mạnh thường quân, tình nguyện viên đã tiếp thêm động lực cho các em, giúp các em vượt qua những khó khăn trong hoàn cảnh của chính mình.

“Mình luôn nghĩ các con cũng như con mình ở nhà vậy. Với những gì mà các con đã trải qua, thì mình lại càng muốn làm gì đó để giúp các con vơi đi, phần nào bù đắp những khó khăn, thiếu thốn của các con. 

Nhìn các con dần tiến bộ, trưởng thành, ngoan ngoãn lên từng ngày, mình cảm thấy rất vui và càng muốn làm nhiều hơn nữa”, chị Kim Oanh chia sẻ. 

Cũng theo ông Đặng Hữu Bảo, lúc đầu khi mới vào Trung tâm, mỗi em một tính nết nên bảo mẫu phải dạy dỗ, chỉ bày cho các em từng li từng tý từ trong sinh hoạt hằng ngày cho đến trong học tập. Nhờ sự uốn nắn, chỉ bảo ấy, bây giờ nhiều em đã khôn lớn trưởng thành. 

“Hầu hết các em ở Trung tâm đi học, ra trường đều có việc làm ổn định. Một số em học khá, giỏi có việc làm tốt với thu nhập tương đối cao, có em đã có gia đình, có con…”, ông Đặng Hữu Bảo cho biết thêm.

Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã cưu mang, giúp đỡ hàng trăm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, nuôi dưỡng, chở che và là nơi chắp cách cho những ước mơ, giúp trẻ em nghèo, kém may mắn hoà nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội. 

BẢO NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.