Sức lan tỏa từ các mô hình dân vận khéo

.

Qua hơn một năm triển khai nhân rộng các mô hình dân vận khéo tiêu biểu trên địa bàn huyện Hòa Vang, hầu hết các mô hình đều phù hợp tình hình thực tế, phát huy hiệu quả, tạo sức lan tỏa, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn huyện.

Ra quân triển khai mô hình “Hội Nông dân xã Hòa Khương khai thác hiệu quả đất nông nghiệp bị bỏ hoang”. Ảnh: ĐẮC MẠNH
Ra quân triển khai mô hình “Hội Nông dân xã Hòa Khương khai thác hiệu quả đất nông nghiệp bị bỏ hoang”. Ảnh: ĐẮC MẠNH

Dẫn chúng tôi khảo sát cánh đồng Tám Tiếu (thôn Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương), ông Trần Văn Mười, Chủ tịch Hội nông dân xã cho biết, cách đây 2 năm, toàn bộ cánh đồng hơn 2ha đều là đất nông nghiệp bị bỏ hoang nhiều năm không sản xuất nên rất lãng phí.

“Qua tìm hiểu được biết, diện tích đất những nơi bị bỏ hoang là những khu vực bị bồi lấp, sạt lở, sình lầy nên không sản xuất được. Chúng tôi họp và tham mưu Ban Thường vụ Đảng ủy xã triển khai mô hình nhằm cải tạo, khai thác hiệu quả đất nông nghiệp bị bỏ hoang. Mục đích là chống lãng phí tài nguyên đất, chống hoang hóa lan rộng sang những vùng lân cận đồng thời giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập cho người nông dân”, ông Mười nói và cho biết, mô hình “Nông dân xã Hòa Khương khai thác hiệu quả đất nông nghiệp bị bỏ hoang” ra đời từ đó. Khi họp bàn, tạo sự nhất trí trong toàn dân, máy móc, nhân công được huy động ra quân chặt phát cây cỏ dại, đào múc kênh mương dẫn nước vào khu đất. Sau đó, xe đến cày lồng, làm sạch đất và phân chia thành các thửa rồi giao lại cho các hộ dân sản xuất.

Theo ông Mười, sau khi mô hình điểm 2ha tại đồng Tám Tiếu mang lại kết quả tốt, Hội Nông dân xã tiếp tục vận động khai hoang 6,5ha tại công trình lô 1 và cánh đồng của 19/8 vùng rau Phú Sơn Nam. Qua gần hai năm triển khai và lan tỏa, tới nay, Hội Nông dân xã vận động khai thác được 12,9ha đất, tất cả diện tích được khai hoang đều giao lại cho các hộ nông dân triển khai sản xuất có hiệu quả.

Trong khi đó, mô hình “Phân loại và thu gom rác tái chế, xây dựng quỹ an sinh xã hội” được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện chủ trì triển khai cũng đem lại nhiều hiệu quả và sự lan tỏa tích cực. Ban đầu triển khai tại 6 xã, mỗi xã chọn 1 thôn làm điểm và tới nay đã nhân rộng ra 100 thôn/10 xã triển khai thực hiện. Hội liên hiệp phụ nữ các cấp trên địa bàn huyện tổ chức tuyên truyền phân loại rác thải tại nguồn, truyền thông về “Phân loại chất thải rắn tại nguồn” và phong trào “Chống rác thải nhựa”, trao 230 thùng phân loại rác tái chế, 50 giỏ đi chợ, 50 thùng làm phân hữu cơ cho hội viên, đồng thời tổ chức ra quân thu gom rác thải tại nguồn, rác thải nhựa làm nguồn kinh phí hoạt động, thực hiện các chương trình an sinh xã hội.

“Qua một năm triển khai thực hiện mô hình, từ nguồn kinh phí thu được, các cấp kội phụ nữ trên địa bàn huyện đã nhận đỡ đầu cho 28 trẻ em mồ côi, với kinh phí hơn 120 triệu đồng; tổ chức trao trao 813 suất quà cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật, trẻ em mồ côi với số tiền hơn 236 triệu đồng và mô hình này hiện đang tiếp tục được duy trì và nhân rộng”, bà Trần Thị Kim, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hòa Vang chia sẻ.

Đây là hai trong số hàng chục mô hình dân vận khéo tiêu biểu được Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội và đảng ủy 11/11 xã của huyện Hòa Vang triển khai có hiệu quả trong năm vừa qua. Theo ông Bùi Nam Dũng, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hòa Vang, thực hiện Đề án số 04-ĐA/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về một số giải pháp đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua dân vận khéo trên địa bàn thành phố và công văn của Ban Dân vận Thành ủy về triển khai nhân rộng các mô hình dân vận khéo, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành kế hoạch triển khai nhân rộng 11 mô hình dân vận khéo tiêu biểu trên địa bàn huyện năm 2023, trong đó có 8 mô hình cấp thành phố và 3 mô hình cấp huyện.

Qua hơn 1 năm triển khai, hầu hết các mô hình đều phù hợp tình hình thực tế, đồng thời phát huy hiệu quả, tạo sức lan tỏa, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn huyện. “Ban Thường vụ Huyện ủy thống nhất sẽ tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các mô hình hiện có, đồng thời sẽ chọn thêm các mô hình “Nông dân nói không với đất nông nghiệp bị bỏ hoang” của Hội Nông dân xã Hòa Khương; mô hình “Tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp” của Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hòa Phước; mô hình “3 tăng, 3 giảm” của Đảng bộ Trung tâm Y tế huyện để triển khai nhân rộng trên địa bàn huyện trong thời gian đến”, ông Bùi Nam Dũng thông tin thêm.

ĐẮC MẠNH

;
;
.
.
.
.
.