ĐNO - Ngày 19-9, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm tư vấn kỹ thuật xây dựng Đà Nẵng tổ chức công bố kết quả và trao giải thi tuyển phương án quy hoạch, kiến trúc dự án Bảo tàng điêu khắc Chăm cơ sở 2 (giai đoạn 1) tại Phong Lệ (quận Cẩm Lệ).
Bí thư Quận ủy Thanh Khê Nguyễn Thành Tiến (bìa phải) và Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng Nguyễn Hữu Hinh (bìa trái) trao giải cho đại diện Viện nghiên cứu quy hoạch và thiết kế đô thị nông thôn, đơn vị đạt giải Nhất cuộc thi. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Thực hiện nghị quyết của HĐND thành phố về chủ trương đầu tư dự án Bảo tàng điêu khắc Chăm cơ sở 2 tại Phong Lệ, trong đó có nội dung tổ chức thi tuyển để lựa chọn phương án thiết kế kiến trúc phù hợp, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm tư vấn kỹ thuật xây dựng Đà Nẵng (ban tổ chức) đã phát động cuộc thi tuyển vào đầu năm 2024 và đã nhận được đơn đăng ký tham gia của 24 đơn vị và cá nhân.
Cuối tháng 3-2024, ban tổ chức cuộc thi đã nhận được 14 bài dự thi của 13 đơn vị tham gia.
Sau quá trình nghe các đơn vị dự thi báo cáo phương án quy hoạch, kiến trúc và tổ chức chấm chọn, vào ngày 6-9-2024, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 1891/QĐ-UBND công nhận kết quả cuộc thi tuyển phương án quy hoạch, kiến trúc dự án Bảo tàng điêu khắc Chăm cơ sở 2 (tại Phong Lệ) với giải Nhất thuộc về Viện nghiên cứu quy hoạch và thiết kế đô thị nông thôn (trị giá giải thưởng 250 triệu đồng); giải Nhì thuộc về Công ty CP Kiến trúc xây dựng Nhà Vui (trị giá giải thưởng 100 triệu đồng), giải Ba thuộc về Công ty TNHH Tư vấn Đại học Xây dựng (trị giá giải thưởng 50 triệu đồng).
Cùng với việc trao giải cho 3 đơn vị dự thi có số điểm cao nhất nói trên, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng quyết định trao chi phí hỗ trợ cho 5 đơn vị dự thi có số điểm cao.
Phối cảnh tổng thể phương án thiết kế quy hoạch, kiến trúc dự án Bảo tàng điêu khắc Chăm cơ sở 2 (giai đoạn 1) tại Phong Lệ của Viện nghiên cứu quy hoạch và thiết kế đô thị nông thôn (đơn vị đạt giải Nhất cuộc thi). Ảnh: H.H |
Di tích khảo cổ Chăm - Phong Lệ được bắt đầu tiến hành khảo cổ từ năm 2011-2012 và tiếp tục được khảo cổ vào năm 2018.
Các dấu tích phát lộ qua các đợt khảo cổ đều khẳng định di tích Chăm - Phong Lệ rất giá trị và có vai trò rất quan trọng trong hệ thống các công trình văn hóa Chăm ở Việt Nam và trong khu vực.
Hiện nay việc bảo tồn di tích này còn rất nhiều bất cập; các cấu trúc kiến trúc của di tích đã được phát lộ chưa có biện pháp bảo vệ gìn giữ tổng thể; các cấu trúc kiến trúc khác đang trực tiếp bị tác động xói mòn do các yếu tố môi trường... Việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ Chăm - Phong Lệ càng trở nên cấp thiết.
Sau cuộc thi tuyển nói trên, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng đang phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng, hoàn chỉnh phương án quy hoạch, kiến trúc dự án Bảo tàng điêu khắc Chăm cơ sở 2 (giai đoạn 1) tại Phong Lệ, gửi Sở Xây dựng tổng hợp, báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định.
HOÀNG HIỆP