Mỗi khi bước vào mùa mưa bão, nhiều hộ dân sinh sống dưới chân núi Sọ (thôn An Ngãi Tây 1, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) lại canh cánh nỗi lo sạt lở.
Một điểm sạt lở tại núi Sọ (xã Hòa Sơn). Ảnh: KHÁNH NGÂN |
Theo ghi nhận, chiều 21-9, nhiều khu vực xung quanh núi Sọ xuất hiện các điểm có nguy cơ sạt lở cao, đất đá lăn xuống bên dưới. Trước tình trạng nhiều cụm đất đá ở đây thấm nước sau những cơn mưa lớn khiến người dân sống trong lo lắng.
Một người dân sinh sống trong khu vực này cho biết: “Gia đình tôi thuộc 1 trong 6 hộ có kế hoạch di dời đầu tiên khi mùa mưa bão đến gần. Nhà tôi nằm sát chân núi, không biết mùa mưa năm nay sẽ ra sao”. Tương tự, chị T.T.N (thôn An Ngãi Tây 1, xã Hòa Sơn) chia sẻ: “Cách đây vài năm, vụ sạt lở khiến đất đá ập xuống sát nhà tôi. Từ đó, có bão hay mưa lớn, chúng tôi sẽ lập tức di dời đến nơi khác để bảo đảm an toàn, tạnh mưa mới về lại. Nhà tôi đã xuất hiện các vết nứt trên tường khiến nước mưa thấm vào nhà. Bước vào mùa mưa bão, gia đình tôi cảm thấy rất lo lắng”, chị N. chia sẻ.
Ông Hồ Văn Y, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn cho biết, có 43 hộ dân với 137 người đang sinh sống tại khu vực sát chân núi Sọ. Từ năm 2020 đến nay, mỗi lần có mưa bão, những hộ dân này di dời đến các khu vực an toàn. Ngay từ đầu năm, UBND xã đã có kế hoạch phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn. Năm nay, 28 hộ dân sẽ chuyển về nhà người thân, còn lại di dời về nhà văn hóa thôn và Trường THCS Trần Quang Khải.
Thời gian qua, UBND xã luôn theo sát các điểm có nguy cơ sạt lở trên núi Sọ. Ngoài ra, chủ động tách các dòng chảy trên sườn đồi để tránh việc nước mưa chảy ào ạt về một chỗ, giảm nguy cơ sạt lở. UBND xã sẽ tiếp tục theo dõi tình hình mưa lũ để di tản dân cư kịp thời.
Theo lãnh đạo UBND huyện Hòa Vang, để chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời các tình huống xảy ra trong mùa mưa bão, ngày 18-9, UBND huyện tổ chức họp, yêu cầu lãnh đạo các xã chủ động phòng ngừa, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”; tiếp tục rà soát, xác định nguy cơ của từng địa phương; chủ động theo dõi nắm chắc tình hình, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để ứng phó, xử lý kịp thời. Theo đó, triển khai các phương án sơ tán người dân ở vùng ngập sâu, lũ quét, sạt lở, nhà tạm tại thôn Lộc Mỹ, ven sông Cu Đê, khe An Định (xã Hòa Bắc); thôn Hòa Thọ (xã Hòa Phú); núi Sọ (xã Hòa Sơn); các nhà tạm trong vùng quy hoạch xã Hòa Nhơn…
Hiện nay, UBND huyện và UBND xã Hòa Sơn thường xuyên theo dõi thời tiết và sẽ di dời dân cư khi có bão, lụt xảy ra. Đối với các xã có rừng, tuyên truyền các chủ rừng, người dân không được vào rừng khi có mưa, bão… Bên cạnh đó, rà soát toàn bộ phương tiện phục vụ công tác phòng, tránh lụt bão (ghe máy, cưa máy, radio, cano...), bảo đảm phương tiện hoạt động tốt khi cần điều động tham gia công tác phòng, chống lụt, bão. Đặc biệt, thành lập các tổ, đội xung kích phòng, chống thiên tai để ứng phó, xử lý kịp thời các tình huống do mưa bão gây ra nhằm bảo đảm tuyệt đối tính mạng, hạn chế thiệt hại tài sản của người dân.
KHÁNH NGÂN