Xây dựng xã hội học tập gắn với an sinh xã hội

.

Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thành phố đóng vai trò quan trọng nâng cao dân trí, hỗ trợ và khuyến khích phát triển tài năng, góp phần vào công tác an sinh xã hội trên địa bàn.

Học sinh nhận giải thưởng Khuyến tài Huỳnh Thúc Kháng năm học 2023-2024. Ảnh: NGỌC HÀ
Học sinh nhận giải thưởng Khuyến tài Huỳnh Thúc Kháng năm học 2023-2024. Ảnh: NGỌC HÀ

Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp Hội Khuyến học trao giải thưởng Khuyến tài Huỳnh Thúc Kháng năm học 2023-2024. Có 43 học sinh được trao giải, trong đó cấp THCS: 28 học sinh, cấp THPT: 15 học sinh. Đặc biệt, năm nay có 1 em đoạt giải xuất sắc là Trịnh Nguyễn Hồng Minh, học sinh lớp 12/5, Trường THCS và THPT Nguyễn Khuyến.

“Đây là giải thưởng mơ ước của học sinh chúng em. Vì tiêu chí khá cao, học sinh phải đạt kết quả xuất sắc toàn diện về kết quả học tập mỗi năm và toàn cấp học; kết quả các kỳ thi do ngành giáo dục và đào tạo tổ chức và phối hợp tổ chức từ thành phố đến khu vực, quốc gia, quốc tế và thành tích trong các hoạt động giáo dục toàn diện khác. Giải thưởng trở thành nguồn động viên lớn để chúng em tiếp bước thế hệ cha anh, lấy việc học hành nghiêm túc để lập thân, lập nghiệp, góp phần xây dựng quê hương đất nước”, Hồng Minh chia sẻ.

Không chỉ khích lệ tinh thần học sinh đạt thành tích xuất sắc trong học tập, các cấp hội khuyến học nỗ lực hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện để các em bước vào năm học mới 2024-2025. Các cấp hội khuyến học trên địa bàn quận Thanh Khê và các trường học trên địa bàn kịp thời hỗ trợ, khen thưởng, cấp học bổng cho hơn 11.000 học sinh có hoàn cảnh khó khăn với số tiền hơn 3 tỷ đồng; kêu gọi sự “bảo trợ dài hạn” cho 70 học sinh mồ côi nghèo, học sinh đặc biệt khó khăn học hết bậc học phổ thông. Quận Ngũ Hành Sơn có Đề án 08 về việc “Hỗ trợ học bổng lâu dài cho học sinh con hộ nghèo theo chuẩn Trung ương và con hộ nghèo không còn sức lao động”, tạo điều kiện cho các em học tập, vươn lên bền vững.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, các cấp quận, huyện hội, các chi hội khuyến học có nhiều biện pháp tích cực trong việc vận động và hỗ trợ cấp phát quỹ khuyến học, khuyến tài với tổng số tiền hơn 19,5 tỷ đồng/46.913 suất. Đặc biệt, các quận Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu và huyện Hòa Vang tổng kết và trao giải khuyến tài Lê Văn Hiến, Đỗ Thúc Tịnh, Nguyễn Chơn với số tiền trao thưởng khá cao. Đây là nền tảng vững chắc để thúc đẩy xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thành phố.

Ông Nguyễn Minh Hùng, Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố cho biết, nhiều năm qua, thành phố tập trung phát triển mạnh mẽ mạng lưới khuyến học từ thành phố đến cơ sở; đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động; khơi dậy và phát huy truyền thống khuyến học, huy động các nguồn lực; bước đầu ứng dụng chuyển đổi số, tạo điều kiện để người dân bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống tri thức mở, linh hoạt với nhiều mô hình; từ đó hình thành thói quen, phát triển năng lực tự học, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục-đào tạo thành phố trong thời kỳ mới.

So sánh mục tiêu cụ thể đến năm 2025 tại Quyết định số 387/QĐ-TTg phê duyệt chương trình “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021 - 2030 và Quyết định số 677/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình “Xây dựng mô hình Công dân học tập giai đoạn 2021 - 2030, tại Đà Nẵng, mô hình gia đình học tập vượt 11,82%; dòng học học tập vượt 8,57%; cộng đồng học tập vượt 13,57%; đơn vị học tập vượt 17,19%; công dân học tập: nhóm I vượt 17,28%, nhóm II vượt 13,1%, nhóm III vượt 0,08%.

Cũng theo ông Hùng, qua phong trào, có thể đánh giá các ưu điểm đó là phát huy ý thức tự học, nỗ lực tiếp cận tri thức, kỹ năng của người dân Đà Nẵng cùng với truyền thống hiếu học, ham đổi mới và tiến bộ. Đồng thời, hội khuyến học các cấp triển khai các giải pháp hiệu quả trong việc xây dựng xã hội học tập; triển khai các mô hình học tập, tạo nền tảng xây dựng thành phố học tập.

Công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp kịp thời thông qua các văn bản chỉ đạo, các hội nghị triển khai và các giải pháp phù hợp với điều kiện địa phương. Xây dựng xã hội học tập được sự phối kết hợp và hỗ trợ của Mặt trận các cấp, các sở, ban, ngành, hội đoàn thể, các địa phương, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm… gắn kết phong trào thi đua khuyến học, xây dựng xã hội học tập với phong trào thi đua yêu nước và các chương trình an sinh xã hội của thành phố.

Để phong trào học tập suốt đời thực sự đi vào cuộc sống bền vững, đều khắp, hiệu quả, Hội Khuyến học thành phố đề nghị lãnh đạo thành phố, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo và các sở, ban, ngành theo dõi, quản lý về chuyên môn, nhân sự, tài chính và UBND các quận, huyện quan tâm đến nhiệm vụ mới của khuyến học trong giai đoạn 2023-2030; tình hình nhân sự, tài chính, vị trí việc làm, điều kiện làm việc cho đội ngũ khuyến học các cấp, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ quan trọng được Đảng, Nhà nước giao thông qua việc ban hành quy chế, phê duyệt đề án vị trí việc làm, bố trí ngân sách hoạt động và chi con người hằng năm, ngân sách cho đề án, chương trình thuộc giai đoạn 2021-2030.

Các cơ quan, đơn vị, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp thành lập chi hội, ban khuyến học đi vào hoạt động, thực hiện các nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập theo các chỉ thị, kết luận, quyết định của Đảng, Chính phủ, bộ, ban, ngành và từng địa phương.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.