Bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho học sinh

.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, với số lượng cán bộ, giáo viên, học sinh, học viên toàn ngành hơn 320.000 người nên công tác tuyên truyền bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nhất là đối với học sinh là hết sức cần thiết; qua đó, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông trong toàn ngành.

Lực lượng chức năng túc trực hướng dẫn phụ huynh, học sinh dừng đỗ xe đúng quy định tại Trường Tiểu học Trần Đại Nghĩa. Ảnh: THÀNH LÂN
Lực lượng chức năng túc trực hướng dẫn phụ huynh, học sinh dừng đỗ xe đúng quy định tại Trường Tiểu học Trần Đại Nghĩa. Ảnh: THÀNH LÂN

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21-12-2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới; chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an; kế hoạch của UBND thành phố và Ban An toàn giao thông (ATGT), vào đầu năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chỉ đạo các đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố phối hợp và mời Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố, Công an quận, huyện tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGT cho cán bộ, giáo viên và học sinh, học viên, sinh viên. Trong đó có nhiều hình thức như tuyên truyên, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; thường xuyên nhắc nhở học sinh, học viên, sinh viên không điều khiển mô-tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe theo quy định của pháp luật.

Các quy tắc giao thông đường bộ; quy định về không uống rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện; đội mũ bảo hiểm bảo đảm chất lượng và đúng cách...

Cùng với đó, tập trung xử lý các hành vi vi phạm quy định về độ tuổi điều khiển phương tiện; hành vi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển; không đội mũ bảo hiểm theo quy định; chở quá số người quy định; không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; chạy dàn hàng ngang; đi ngược chiều của đường một chiều; lạng lách, đánh võng… và các hành vi khác là nguy cơ gây tai nạn cho học sinh.

Theo Đại tá Phan Ngọc Truyền, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố, thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông toàn thành phố đã bám sát tình hình TTATGT, trật tự đô thị trên địa bàn; tham mưu, triển khai nhiều giải pháp bảo đảm TTATGT, phòng chống ùn tắc giao thông; cụ thể đã triển khai thực hiện quyết liệt kế hoạch của Cục Cảnh sát giao thông; đồng loạt ra quân 3 tháng thực hiện đợt cao điểm bảo đảm TTATGT, trật tự đô thị trên các tuyến giao thông.

Đặc biệt, Công an thành phố đã triển khai Tháng An toàn giao thông cho học sinh đến trường và kế hoạch cao điểm bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh;  đã triển khai lực lượng kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm giao thông đối với học sinh, phụ huynh, người giám hộ, người giao phương tiện cho học sinh khi chưa đủ điều kiện điều khiển xe máy lưu thông trên đường.

Theo Sở GD&ĐT, ngành đã chỉ đạo các đơn vị, trường học tổ chức thực hiện nghiêm túc việc giảng dạy lồng ghép về an toàn giao thông trong các hoạt động ngoại khóa, tổ chức hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, tổ chức dạy thành tiết học trong khung thời gian của các tiết ngoài giờ lên lớp.

Đối với cấp mầm non đã triển khai chương trình “Tôi yêu Việt Nam”, lồng ghép giáo dục an toàn giao thông qua các chuyên đề, thông điệp truyền thông “Trẻ em phải được bảo đảm an toàn khi ngồi trên mô-tô, xe gắn máy, xe đạp điện”; “Đội mũ cho con - trọn tình cha mẹ”. Đối với cấp tiểu học: sử dụng tài liệu “An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ” để giảng dạy cho học sinh. Đối với cấp THCS, THPT, tổ chức giảng dạy về ATGT lồng ghép ở các môn học chính khóa và ngoại khóa theo tài liệu giáo khoa do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Bộ GD&ĐT ban hành, giáo trình giảng dạy “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai”.

Bên cạnh đó, các đơn vị, trường học đã triển khai thực hiện nghiêm túc việc tổ chức cho phụ huynh học sinh, học viên ký cam kết về việc không giao mô-tô, xe gắn máy cho học sinh khi chưa đủ tuổi theo quy định, chưa có giấy phép lái xe; đội mũ bảo hiểm cho học sinh khi di chuyển trên mô-tô, xe gắn máy, xe đạp điện, xe máy điện và không sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông…

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Ban An toàn giao thông, Sở Giao thông vận tải; sự phối hợp của các ban, ngành và chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ các đơn vị, trường học phòng, chống ùn tắc giao thông trước cổng trường, do đó cơ bản các trường học trên địa bàn thành phố đã hạn chế được tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường. Nhiều trường đã được đầu tư xây dựng vịnh dừng xe trước cổng trường; có trường vận dụng bố trí khu vực chờ đưa, đón học sinh và phụ huynh trong sân trường để bảo đảm trật tự, an toàn.

Ngoài ra, trường kẻ vạch, phân làn, cắm biển, phân chia khu vực cho phụ huynh đưa, đón học sinh theo từng khối, lớp; lực lượng chức năng đã tích cực phối hợp, hỗ trợ các đơn vị, trường học trong việc bảo đảm TTATGT trước cổng trường học; bố trí lực lượng hướng dẫn phụ huynh học sinh trong việc di chuyển, dừng, đỗ xe. Đồng thời, Sở Giao thông vận tải hỗ trợ thí điểm lắp camera giám sát trước khu vực cổng trường học để kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh các phương tiện di chuyển, dừng, đỗ không đúng quy định.

THÀNH LÂN

;
;
.
.
.
.
.