Các tôn giáo chung tay bảo vệ môi trường

.

Chung tay bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, cùng với nhân dân, các cấp chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, các tôn giáo trên địa bàn thành phố tích cực vận động tín đồ thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ môi trường.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Tăng Hoàng Hôn Thắm (thứ 3, bên trái sang) trao giải nhất hội thi Tuyên truyền bảo vệ môi trường năm 2024 cho huyện Hòa Vang. Ảnh: N.QUANG
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Tăng Hoàng Hôn Thắm (thứ 3, bên trái sang) trao giải nhất hội thi Tuyên truyền bảo vệ môi trường năm 2024 cho huyện Hòa Vang. Ảnh: N.QUANG

Mục sư Trần Quý Bửu, Tổng Thư ký Ban trị sự Tổng hội Hội truyền giáo Cơ đốc Việt Nam chia sẻ, hội vận động mỗi gia đình tín hữu đều có góc tái chế bao gồm các bao ni-lông được giặt sạch tái sử dụng, các vỏ chai được chế thành những vật dụng cần thiết. Với những việc làm thiết thực, các gia đình dần thay đổi thói quen sử dụng nhựa một lần.

Đại đức Thích Hạnh Quang, trụ trì chùa Tân Ninh (quận Hải Châu), cho biết sau nhiều năm vận động, phật tử dần từ bỏ thói quen rải vàng mã trong đám tang và thực hành tiết kiệm điện, nước và hạn chế sử dụng điều hòa. Chùa và phật tử cũng tích cực trồng và chăm sóc cây xanh trong chùa, đồng thời duy trì bảo vệ sinh môi trường xung quanh. Gần đây, chùa Tân Ninh cùng phật tử trồng hơn 1.000 cây xanh tại xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) và tổ chức dọn vệ sinh môi trường tại bãi biển Xuân Thiều (quận Liên Chiểu) sau bão số 3.

Thượng tọa Thích Huệ Chấn, Chánh Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Hòa Vang, trú trì chùa Hưng Quang,  chia sẻ bên cạnh việc lồng ghép tuyên truyền về bảo vệ môi trường thông qua các buổi thuyết giảng, nhà chùa thường xuyên vận động phật tử, du khách gần xa khi đến chùa chỉ thắp 1 nén nhang để cầu nguyện, hạn chế đốt vàng mã và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường như hạn chế sử dụng túi ni-lông, tiết kiệm điện, nước.

Mới đây, Mặt trận huyện Hòa Vang tổ chức hội nghị triển khai công tác bảo vệ môi trường, phân loại chất thải rắn sinh hoạt đến các cơ sở tôn giáo trên địa bàn huyện. Hơn 200 chức sắc, chức việc, tín đồ Phật giáo trên địa bàn huyện được thông tin những nội dung cơ bản của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; thông báo những diễn biến về biến đổi khí hậu và tác hại do biến đổi khí hậu gây ra; những việc cần làm ngay để bảo vệ môi trường nhằm chủ động đối phó với biến đổi khí hậu hiện nay như: thực hiện phong trào “Ngày Chủ nhật xanh - sạch - đẹp”, vận động nhân dân trồng và bảo vệ cây xanh, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường; các mô hình bảo vệ môi trường hiệu quả; chủ động phòng, chống thiên tai, bão lụt; sử dụng tiết kiệm điện, nước.

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hòa Vang Bùi Nam Dũng, việc tuyên truyền bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đến các tầng lớp nhân dân, tín đồ tôn giáo được Mặt trận các cấp huyện chú trọng thực hiện. Qua đó, đã nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu; biểu hiện và tác động của biến đổi khí hậu đến các đạo hữu, tín đồ của các tôn giáo trên địa bàn. Trong tháng 10-2024, Mặt trận huyện tặng các cơ sở Phật giáo trên địa bàn 17 thùng rác 3 ngăn để phân loại chất thải trong sinh hoạt.

Mới đây, quận Ngũ Hành Sơn đoạt giải Nhì toàn đoàn tiểu phẩm xuất sắc nhất tại Hội thi tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường và các mô hình thực hiện bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2024 do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tổ chức. Kết quả đó là nhờ công tác chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo của Mặt trận quận và sự tâm huyết, trách nhiệm của các thành viên. Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Ngũ Hành Sơn Đặng Văn Kỳ, hội thi là hoạt động thiết thực giúp đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp của quận có cơ hội được giao lưu, học hỏi và tích lũy những kinh nghiệm, tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường tại địa phương.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Trần Thị Mẫn, cùng với chính quyền, nhân dân thành phố, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn thành phố phát huy tốt vai trò của mình trong việc tuyên truyền, vận động tín đồ của mình tham gia bảo vệ môi trường bằng các việc làm cụ thể. Đặc biệt, nhiều mô hình bảo vệ môi trường được các tôn giáo xây dựng và nhân rộng như: cơ sở tôn giáo nói không với rác thải nhựa, túi nhựa và túi ni-lông; cơ sở tôn giáo không cúng rải đốt vàng mã, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đã phát huy hiệu quả tích cực.

NGỌC PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.