Cần trồng cây xanh phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu

.

Là địa bàn thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, do đó các đơn vị chức năng của thành phố chủ động thực hiện từ sớm các biện pháp nhằm hạn chế tối đa thiệt hại đến hệ thống cây xanh. Về phương án lâu dài, các cơ quan liên quan cũng đang triển khai nghiên cứu các loài cây trồng phù hợp với điều kiện của thành phố Đà Nẵng.

Hàng cây giáng hương trên đường Trần Phú (quận Hải Châu). Ảnh: TRẦN TRÚC
Hàng cây giáng hương trên đường Trần Phú (quận Hải Châu). Ảnh: TRẦN TRÚC

Công ty Công viên - Cây xanh Đà Nẵng đang quản lý, chăm sóc 62.771 cây xanh đô thị và trong công viên. Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Công ty Công viên - Cây xanh Đà Nẵng cho biết, trong tình hình thời tiết diễn ra khó lường như hiện nay, để bảo đảm cho hệ thống cây xanh phát triển ổn định, công ty luôn chủ động duy trì cắt, tỉa cây xanh nhằm giúp cây phát triển cân đối, khống chế chiều cao đối với cây bị nghiêng, nặng tán; định kỳ tuần tra để phát hiện tình trạng cây bị bọng gốc, cây bị chết để xử lý cắt hạ; thay thế các cây sâu bệnh, già cỗi, nghiêng thân cành...

Ngoài ra, đơn vị cũng thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, chủ động bố trí nhân lực, phương tiện để kịp thời ứng phó, khắc phục sự cố cây xanh ngã đổ nhằm bảo đảm an toàn giao thông, an toàn các công trình và tài sản của tổ chức, người dân.

Đối với cây xanh bóng mát, thành phố đang trồng chủ yếu các loài cây như lim xẹt, lộc vừng, bằng lăng tím, giáng hương, muồng tím, bàng Đài Loan, mù u, sao đen, muồng hoàng yến, lát hoa…

Theo TS. Nguyễn Quyết, Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng, để khắc phục và hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng cây xanh ngã đổ, cần có những giải pháp toàn diện như lựa chọn cây trồng phù hợp, loại cây bản địa; xây dựng hệ thống thoát nước đô thị hiện đại; chăm sóc hệ thống cây xanh thường xuyên; không xâm phạm cây…

Việc kết hợp đồng bộ và thường xuyên các giải pháp sẽ giúp giảm thiểu tình trạng cây xanh đô thị ngã đổ, nhất là đối với địa phương thường xuyên chịu tác động của thiên tai như Đà Nẵng. Đặc biệt, việc lựa chọn và trồng các chủng, loài cây đặc thù, đặc trưng phù hợp với điều kiện của thành phố còn giúp tạo nên nét đặc trưng riêng biệt và giúp du khách dễ dàng nhận biết. Theo đó, khi lựa chọn cây trồng đặc trưng cho Đà Nẵng, cần dựa trên các tiêu chí như khả năng chịu hạn, chịu mặn tốt; bộ rễ chắc chắn và tán lá không quá rộng; chịu ngập úng tốt; hình dáng đẹp, hoa lá bắt mắt và giá trị kinh tế.

Sở Khoa học và Công nghệ đang hỗ trợ thực hiện 2 đề tài cấp thành phố nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, đề xuất các chủng loại cây, hoa phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu trên địa bàn thành phố. Với đề tài “Nghiên cứu tuyển chọn các loài cây xanh đô thị phù hợp với từng khu vực ở thành phố Đà Nẵng” do Trường Đại học Nông lâm (Đại học Huế) chủ trì với thời gian từ tháng 3-2024 đến 3-2026, sẽ xác định được hệ thống cây xanh đô thị phù hợp với Quy hoạch chung của thành phố. Đến nay, đề tài đang trong quá trình khảo sát đánh giá thực trạng hệ thống cây xanh đô thị tại 12 phân khu của thành phố.

Đối với đề tài “Nghiên cứu quần thể loài thực vật đặc hữu của bán đảo Sơn Trà và khả năng di thực trồng tại công viên, đường phố trên địa bàn quận Sơn Trà”, sẽ góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, tạo cảnh quan, sinh thái môi trường, mang lại nét đặc trưng riêng cho thành phố Đà Nẵng và hướng tới phát triển sinh thái bền vững.

Theo đó, tổ chức chủ trì đề tài đã tiến hành thực nghiệm và nhân giống thành công 4 loài thực vật và trồng thử nghiệm để đánh giá khả năng di thực; đồng thời trồng 300 cây giống thàn mát để tạo cảnh quan đặc trưng trên bán đảo Sơn Trà. Trong khi đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai nghiên cứu và nghiệm thu 3 đề tài đối với các loại cây bản địa tại địa phương gồm: lôi khoai, cây ươi, cây giáng hương quả to. Năm 2024, sở đang triển khai 3 đề tài nghiên cứu liên quan đến cây lôi khoai, trường quánh và hoa chuông; đồng thời phối hợp cùng các đơn vị phục vụ đề tài về nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen cây hoa đào chuông và cây khôi nhung.

TRẦN TRÚC

;
;
.
.
.
.