Cấp điện ổn định, an toàn trong mùa mưa bão

.

Trước diễn biến phức tạp của thiên tai, ngành điện lực thành phố triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, chủ động ứng phó với mọi tình huống nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra; đồng thời bảo đảm công tác cấp điện an toàn, ổn định để phục vụ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân.

Ngành điện chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, thiết bị, hệ thống thông tin liên lạc và phương tiện đi lại, sẵn sàng xử lý nhanh các hư hỏng và sự cố phát sinh trong mùa mưa bão 2024. Ảnh: HỮU ANH
Ngành điện chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, thiết bị, hệ thống thông tin liên lạc và phương tiện đi lại, sẵn sàng xử lý nhanh các hư hỏng và sự cố phát sinh trong mùa mưa bão 2024. Ảnh: HỮU ANH

Cẩm Lệ là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, với đặc điểm địa hình thấp trũng khiến cho các khu vực này dễ bị ngập lụt khi có mưa lớn kéo dài. Ngay từ đầu năm, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Điện lực Cẩm Lệ đã xây dựng kế hoạch triển khai nhằm chủ động, nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai. Trong đó, xác định phương châm “lấy phòng là chính” với một số giải pháp như tổ chức các nhóm quản lý đường dây sử dụng xe nâng chuyên dụng để kiểm tra định kỳ tổng thể lưới điện trung hạ áp và các trạm biến áp (TBA).

Đặc biệt, Điện lực Cẩm Lệ chú trọng gia cố móng cột trung hạ thế tại các vị trí hạ lưu dòng chảy ven sông nhằm giảm nguy cơ xói lở; kiểm tra và thay thế các thùng, hộp công-tơ mất nắp; phát quang hành lang tuyến trong và ngoài đường dây để giảm thiểu các trường hợp cây xanh va quệt vào đường dây khi có gió, lốc lớn gây ra sự cố lưới điện. Bên cạnh đó, đơn vị chú trọng công tác tuyên truyền, gửi thông báo an toàn điện đến các hộ dân nhằm giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn điện.

Còn đối với Điện lực Sơn Trà, đơn vị đang quản lý vận hành gần 1.500 trạm biến áp, 362km đường dây trung thế, hơn 522km đường dây hạ thế. Ðể ứng phó với mùa mưa bão năm 2024, đơn vị đã xây dựng phương án cụ thể về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Từ vận hành nguồn, lưới điện, trang thiết bị, vật tư tại chỗ cho đến hậu cần, công tác phối hợp… đều được xây dựng chi tiết, bảo đảm sẵn sàng tham gia khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

Đơn vị cũng đã tiến hành tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống lưới điện, nhất là các vị trí xung yếu tiềm ẩn nguy cơ; tăng cường công tác kiểm tra định kỳ ngày đêm, kết hợp sử dụng các thiết bị hỗ trợ như máy camera nhiệt, máy đo nhiệt độ nhằm phát hiện kịp thời, xử lý nhanh các khiếm khuyết, tiếp xúc mối nối, thiết bị trên đường dây trung áp và tại các TBA phân phối. Cùng với đó phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan, các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông có treo cáp trên trụ điện thống nhất giải pháp và thời gian xử lý tình trạng mất an toàn dây cáp viễn thông treo trên trụ điện.

Ông Đặng Tuấn Linh, Phó Giám đốc Điện lực Sơn Trà cho biết: “Trước mùa mưa bão, đơn vị đều tổ chức kiểm tra lưới điện định kỳ và đột xuất nhằm phát hiện các nguy cơ, bất thường trên lưới điện để xử lý kịp thời. Do địa bàn rộng, chúng tôi đã thành lập lực lượng để trực “nóng”, nhanh chóng trực tiếp xử lý các sự cố khẩn cấp. Đồng thời, chuẩn bị tốt nhất nhân lực, vật tư, ký kết phối hợp với một số đơn vị để đề phòng trường hợp xảy ra sự cố trên diện rộng thì có thể nhanh chóng huy động lực lượng xử lý sự cố, qua đó góp phần nâng cao chất lượng cung cấp điện ổn định, an toàn”.

Ông Nguyễn Đình Tuân, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng) cho hay, với những diễn biến phức tạp của thời tiết, ngay từ đầu năm, công ty đã phối hợp với cơ quan có thẩm quyền và các địa phương để nắm thông tin và xây dựng các kịch bản, tổ chức diễn tập xử lý sự cố, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trước mùa mưa bão. PC Đà Nẵng chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, thiết bị, hệ thống thông tin liên lạc và phương tiện đi lại, sẵn sàng xử lý nhanh các hư hỏng và sự cố phát sinh; thực hiện tốt các công tác quản lý kỹ thuật, kiểm tra tín hiệu, nguồn cấp các thiết bị trên lưới, các thiết bị tại các TBA 110kV…

Mặt khác, công ty đã yêu cầu các điện lực quận, huyện, xí nghiệp trực thuộc chủ động làm việc với các đơn vị liên quan cùng phối hợp trong công tác phát quang cắt tỉa cây xanh, dọn dẹp bảo đảm an toàn hành lang lưới điện; tháo hạ các biển quảng cáo, vật dụng công trình xây dựng dân dụng trong và ngoài hành lang an toàn lưới điện có nguy cơ ngã, đổ vào đường dây và TBA; tổ chức kiểm tra các vị trí xung yếu, có nguy cơ bị ảnh hưởng khi xảy ra thiên tai để kịp thời khắc phục và phát hiện các nguy cơ phát sinh. Công ty đặc biệt lưu ý kỹ về việc cấp điện cho TBA cấp điện các trạm bơm chống ngập trọng điểm trên địa bàn thành phố, cũng như tích cực tuyên truyền về an toàn điện trong nhân dân trước mùa mưa bão…

“Khi có ảnh hưởng của thiên tai, lãnh đạo công ty luôn trực chỉ huy tại trụ sở; lãnh đạo các phòng, ban chức năng và lãnh đạo các điện lực, xí nghiệp, đội trực chỉ huy tại đơn vị. Ngoài ra, Phòng Điều độ bố trí thêm cán bộ, công nhân viên trực tăng cường và Xí nghiệp Lưới điện cao thế bố trí ít nhất 1 nhân viên trực thao tác lưu động tại các TBA 110kV trong thời gian trước, trong và sau bão lụt”, ông Tuân thông tin thêm.

HỮU ANH

;
;
.
.
.
.
.