Trên địa bàn thành phố có nhiều điểm có nguy cơ sạt lở đất, đá xuống đường giao thông, khu dân cư... Bên cạnh việc triển khai các giải pháp chống sạt lở, các đơn vị, địa phương chủ động triển khai các giải pháp ứng phó từ sớm, từ xa nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước, hạn chế thấp nhất thiệt hại do sạt lở đất, đá gây ra.
Lãnh đạo quận Cẩm Lệ kiểm tra tường chắn sạt lở và nước mưa chảy tràn từ mái taluy của Cụm công nghiệp Cẩm Lệ dọc theo phía sau các nhà dân. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Nhằm ngăn chặn bùn, đất từ mái taluy của Cụm công nghiệp Cẩm Lệ theo nước mưa chảy tràn vào khu dân cư lân cận và nhà dân, trước mùa mưa bão năm nay, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Cẩm Lệ đã chỉ đạo nhà thầu hoàn thành thi công tường chắn bùn, đất cao 1m bằng bê-tông cốt thép dọc theo phía sau các dãy nhà dân.
Trên mái taluy được thi công các mương thoát nước mưa bằng bê-tông cốt thép đan chéo nhau thành hình carô để vừa gia cố chắc chắn mái taluy nhằm tránh sạt lở, vừa linh hoạt thu nước mưa về mương thoát nước dọc theo tường chắn nói trên. Đồng thời, nhiều cây xanh được trồng trên bề mặt mái taluy để vừa ngăn cách với cụm công nghiệp với khu dân cư, vừa hạn chế tình trạng sạt lở, rửa trôi bề mặt sau này. Tuy nhiên, công trình đấu nối thoát nước từ cụm công nghiệp này qua khu dân cư đến đường Cầu Đỏ - Túy Loan chưa được thi công.
Trong đợt mưa lớn xảy ra vào ngày 18-9, do ảnh hưởng của bão số 4, nước mưa kéo theo bùn, đất từ Cụm công nghiệp Cẩm Lệ còn chảy tràn ra khu dân cư qua một cửa cống chưa được khớp nối nói trên; nhiều đất, đá cũng bồi lấp các mương thoát nước. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Cẩm Lệ đã chỉ đạo nhà thầu bố trí nhân lực và phương tiện cơ giới nạo vét, san gạt, xúc dọn bùn, đất, đá bồi lấp để nhanh chóng khắc phục hậu quả của đợt mưa lớn nói trên và sẵn sàng ứng phó với đợt mưa lớn tiếp theo.
Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ Nguyễn Quang Vinh cho rằng, việc thi công tường chắn và các rãnh thoát nước ở mái taluy Cụm công nghiệp Cẩm Lệ đoạn giáp khu dân cư như vậy tạm ổn. Trong thời gian tới, phần mái taluy dương của Cụm công nghiệp Cẩm Lệ tiếp tục được trồng thêm cây keo lá tràm để giữ đất và hạn chế tình trạng rửa trôi đất, đá trên bề mặt. Quận đã yêu cầu nhà thầu thường xuyên khơi thông dòng chảy, nạo vét sạch mương thoát nước dọc mái taluy để bảo đảm thoát nước trong mùa mưa. Quận đang triển khai hoàn thiện các thủ tục để thi công tuyến cống ngang đường Cầu Đỏ- Túy Loan, nhằm khớp nối thoát nước từ Cụm công nghiệp Cẩm Lệ ra để làm giảm hiện tượng tràn bùn, đất tại khu khu vực này. Tháng 12-2024 sẽ khởi công tuyến cống khớp nối thoát nước này.
Hiện nay, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng đã hoàn thành đặt các rọ đá nối dài và xếp chồng lên cao để làm tường chắn, nhằm hạn chế đất, đá sạt lở xuống, gây vùi lấp mặt đường vành đai phía tây đoạn từ Km5+570 đến Km6+357 (thuộc xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang) và ảnh hưởng đến khu vực dân cư ở bên kia đường. Tại các vị trí sạt lở tại đường ĐT.601 đoạn qua đèo La Ngà (tại xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang), Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng đang chỉ đạo nhà thầu khẩn trương hoàn thành thi công công trình xử lý sạt lở từ Km14+485 đến Km14+844.
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Nguyễn Minh Huy cho biết, hiện nhà thầu đã thi công hoàn thành phần ở dưới mặt nước sông Cu Đê hiện tại và đang khoan neo để phun bê-tông, thi công phần trên mặt nước.
Khoảng 1 tháng nữa sẽ hoàn thành thi công công trình xử lý sạt lở đường ĐT.601 đoạn qua đèo La Ngà. Đơn vị đã lắp đặt hệ thống camera giám sát để theo dõi từ xa và thường xuyên đối với tình trạng sạt lở đất, đá ở mái taluy dương xuống đường vành đai phía tây đoạn từ Km5+570 đến Km6+357 (xã Hòa Phú) nhằm kịp thời huy động phương tiện, nhân lực xử lý nhanh chóng, bảo đảm giao thông trong mùa mưa. Về lâu dài, UBND thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND huyện Hòa Vang cùng các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn chỉnh đầy đủ hồ sơ, thủ tục đấu giá quyền khai thác khoảng sản trong năm 2024-2025 nhằm xử lý dứt điểm tình trạng sạt lở đất, đá ở mái taluy dương xuống đoạn đường nói trên và tạo mặt bằng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực, trong đó, đất, đá khai thác được cung cấp cho các công trình đầu tư công trọng điểm, động lực trên địa bàn thành phố theo đúng quy định.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang Nguyễn Thị Thanh Tâm cho rằng, trên địa bàn huyện có nhiều điểm có nguy cơ sạt lở đất, đá, nhất là các xã Hòa Phú, Hòa Bắc... Trong thời gian chờ đợi triển khai các dự án đầu tư xử lý, khắc phục nguy cơ sạt lở, huyện đã chỉ đạo các xã chủ động công tác ứng phó, nhất là chủ động sơ tán dân khi tình hình thiên tai có nguy cơ gây sạt lở đất, đá, để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.
HOÀNG HIỆP